Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện - Gesamtkunstwerk (Phần 3)

Trong phần cuối cùng của loạt bài ba phần về Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nổi bật – bao gồm các thiết kế Arts & Craft, Art Nouveau, Ly Khai Vienna, De Stijl, Bauhaus… của những tên tuổi quen thuộc đại diện cho mỗi trào lưu/phong cách như William Morris, Philip Webb, Victor Horta, Gustav Klimt, Joseph Maria Olbrich, Gerrit Rietveld, Walter Gropius… và đặc biệt là, nhà soạn nhạc Richard Wagner.

1859: Căn nhà Đỏ của William Morris và Philip Webb

Gạch đỏ, đá phiến, gỗ. London, Anh Quốc

Bức ảnh này miêu tả phần ngoại thất của Căn nhà Đỏ, được đặt tên theo loại gạch đỏ được sử dụng cho phần tường và loại ngói đỏ trên mái nhà. Morris nhìn nhận ngôi nhà là “mang tinh thần rất Trung cổ” với các đầu hồi mái dốc và nhô ra, ống khói nổi bật, sự kết hợp của các cửa sổ thẳng đứng hẹp và tròn phản ánh sự ảnh hưởng của Gothic Anh thời kỳ đầu. Với sự cách tân thể hiện trong việc từ chối bất cứ yếu tố kiến trúc trang trí nào, thiết kế của toà nhà, như J. W. Mackail viết, “đơn giản tới mức gần như nghiêm trọng, và phụ thuộc vào ảnh hưởng của nó tới độ vững chãi và tỉ lệ tinh tế”. Mỗi yếu tố, từ địa điểm của nó mà bấy giờ là bối cảnh đồng quê ở Kent, ngoại ô London, cho tới những đồ đạc nội thất, được thiết kế để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đơn nhất.

Sau khi kết hôn, Morris đã cho xây dựng ngôi nhà này cùng với Philip Webb. Thiết kế, vật liệu, và phương pháp xây dựng của ngôi nhà đều phản ánh sự chú trọng của ông vào thủ công truyền thống và sự tiện ích. Được xây dựng trên sơ đồ chữ L, Morris đã thiết kế các cửa sổ, sử dụng một số loại và hình dạng khác nhau để phù hợp với bố cục và mục đích của từng phòng. Ông cũng làm việc với một loạt đông các nghệ sĩ trong ngôi nhà này, bao gồm Burne-Jones người tạo ra một loạt kính màu, Dante Gabriel Rosetti cung cấp các tấm sơn vẽ và các yếu tố khác được thiết kế bởi Ford Madox Brown, Elizabeth Siddal, và Jane Morris.

Khi thiết kế khu vườn, Morris nhấn mạnh vào sự tích hợp của nó với ngôi nhà và ông nhìn nhận toà nhà, khu đất, cũng như cách tiếp cận mang tính hợp tác mà họ đã áp dụng để tạo nên quần thể ấy như một tuyên ngôn mang tính nghệ thuật cho tầm nhìn của ông về “tương lai mà chúng ta đang chung tay giúp sức xây dựng“. Ông cũng lưu ý rằng “nếu ai đó yêu cầu tôi nói ngay lập tức điều gì là sản phẩm quan trọng nhất của Nghệ thuật… tôi nên trả lời là một Ngôi nhà đẹp.” Trong năm năm mà Morris sống tại Căn nhà Đỏ, nơi này trở thành một trung tâm hoạt động tích cực của các loại nghệ thuật, giúp hình thành cả trào lưu Arts & Crafts và nhóm Tiền – Raphael, đồng thời tạo ra một ảnh hưởng đáng kể với tư cách là ví dụ tiên phong của Gesamtkunstwerk. Vào những năm 1950, kiến trúc sư Edward và Doris Hollamby cải tạo Ngôi nhà Đỏ, vốn đã rơi vào tình trạng hư hỏng. Và, lần nữa, nơi nay trở thành một trung tâm quan trọng cho các nghệ sĩ và các nhà tư tưởng.

1872-76: Bayreuth Festspielhaus hay Nhà hát Lễ hội Bayreuth của Richard Wagner

Gạch, gỗ, kính. Bayreuth, Bavaria, Đức

Mặt tiền của Nhà hát Bayreuth phản ánh phong cách kiến trúc cuối thế kỷ 19, với các cột và hoa văn hình học bằng đá sáng màu bao quanh lối vào trung tâm. Uy nghiêm và ám chỉ tới diện mạo của một ngôi đền cổ điển, toà nhà này mọc lên từ một ngọn đồi nhỏ phía trên một khu vườn được bố trí theo một thiết kế mang tính hình học phản ánh trang trí của mặt tiền. Richard Wagner đã xây nhà hát này như là địa điểm biểu diễn các chùm opera vào Lễ hội Bayreuth thường niên, có tên chính thức là Richard-Wagner-Festspielhaus mà vẫn tiếp tục tới ngày hôm nay. Do đó, nhà hát và các buổi biểu diễn tại đây thể hiện tầm nhìn của Wagner về Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện, với mỗi yếu tố kết hợp để tạo ra một trải nghiệm thẩm mỹ tổng thể.

Viên đá nền món cho toà nhà được đặt vào ngày sinh nhật của Wagner năm 1872 và chùm bốn vở opera Chiếc nhẫn của người Nibelung (Der Ring des Nibelungen) khai trương nhà hát vào năm 1876. Để tích hợp việc trình diễn các vở opera với toà nhà, Wagner đã đi tiên phong với một thiết kế mới bao gồm thiết kế chỗ ngồi kiểu lục địa (bố trí không có lối đi ở giữa), vòm thiên kiều kép, và một hố nhạc âm tường. Ông cũng sử dụng chủ yếu là gỗ cho nội thất để cải thiện âm thanh. 

Phía trong nhà hát

Bố trí chỗ ngồi kiểu lục địa được sắp xếp thành một hình nêm duy nhất, có nghĩa là mọi chỗ ngồi đều có tầm nhìn sân khấu rõ ràng. Phần tiền đài kép tạo ra cái mà Wagner gọi là một “vực sâu thần bí” giữa sân khấu và khán giả, gia tăng tính thần thoại và thơ mộng của những vở opera của ông. Đồng thời, hố nhạc ẩn dưới sân khấu, vô hình trong tầm nhìn của khán giả để họ có thể tập trung hoàn toàn vào vở opera. Nhiều nhà hát sau này đã áp dụng các thiết kế này.

1892-93: Hôtel Tassel của Victor Horta

Sắt, đá, kính – Brussels, Bỉ

Ngôi nhà phố (nhà liên kề) này được coi là một trong những ví dụ hoàn thiện đầu tiên của nhà Art Nouveau, mang tính cách mạng trong kỹ thuật kiến trúc và phong cách mở, uyển chuyển của nó. Đổi mới với các vật liệu hiện đại, đặc biệt là thép và kính, Horta nhấn mạnh các đường cong hữu cơ khiến mặt tiền toả ra cả theo chiều dọc và chiều ngang. Ông đã đi tiên phong trong việc sử dụng các cột sắt mỏng thay cho đá thông thường, cho phép có những cửa sổ lớn. Horta cũng thiết kế nội thất, tạo cho khu nhà một cấu trúc mặt bằng mở và nhiều ánh sáng tự nhiên, để hiệu quả tổng thể của ngôi nhà là một không gian tràn ngợp ánh sáng và tích hợp đầy đủ các yếu tốt. Thiết kế ở quy mô lớn được bổ sung bằng các chi tiết ở quy mô nhỏ như đèn chiếu sáng, khung cửa sổ, tay nắm cửa, và các lan can cầu thang đều mô phỏng hình dạng giống như một loại cây leo, định nghĩa cả thẩm mỹ chung của Art Nouveau lẫn tạo ra một cơ chế kiến trúc và thiết kế gắn kết trong toàn bộ ngôi nhà.

Cùng với Hôtel Solvay, Hôtel van Eetvelde và Maison & Atelier Horta, toà nhà này đã được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO năm 2000. Những công trình nói trên của Horta được coi là “một số trong những công trình kiến trúc tiên phong đáng chú ý nhất vào cuối thế kỷ 19. Cuộc cách mạng và phong cách do những tác phẩm này đại diện được đặc trưng bởi mặt bằng mở, sự khuếch tán ánh sáng, và sự kết hợp rực rỡ của các đường cong trang trí với cấu trúc của toà nhà.

Nội thất Hôtel Solvay
Nội thất Hôtel van Eetvelde
Cửa sổ kính trần và gương ở trong Maison & Atelier Horta

1900-01: Nhà Ernst-Ludwig của Joseph Maria Olbrich

Gạch, thạch cao, kính, ắt, ngói. Darmstadt, Đức

Toà nhà này là một ví dụ hàng đầu về Gesamtkunstwerk trong phong trào Jugendstil, nằm ở trung tâm của Lãnh địa Nghệ sĩ Darmstadt (được thành lập vào năm 1899), và từng là xưởng vẽ của nghệ sĩ. Được Đại công tước Ernst Ludwig tuyển dụng để thiết kế thuộc địa, Olbrich là nhân vật hàng đầu của Ly khai Vienna và đã thiết kế tòa nhà triển lãm Ly khai nổi tiếng ba năm trước đó. Olbrich nắm bắt cơ hội để tạo ra một tòa nhà kết hợp các yếu tố kiến trúc, điêu khắc và trang trí. Ảnh hưởng của Ly khai Vienna có thể được nhìn thấy trong những bức tường trắng và đường diềm vàng trang trí xung quanh lối vào. Các cửa sổ lớn thể hiện tính thực dụng của tòa nhà và những bức tượng nam nữ hoành tráng của nhà điêu khắc Ludwig Habich ở hai bên cầu thang cho thấy mục đích của nó, đại diện cho sức mạnh và cái đẹp.

Ngày nay, Ernst-Ludwig-Haus là địa điểm của Viện Mathildenhöhe, nơi quảng bá nghệ thuật đương đại, trong khi UNESCO đã vinh danh Lãnh địa Nghệ thuật Darmstadt là Di sản Thế giới vào năm 2015, gọi khu này là “một quần thể độc đáo minh chứng cho sự sáng tạo thử nghiệm.

1910-11: Thiết kế chuẩn bị cho nội thất của Điện Stoclet của Gustav Klimt

Phấn, bút chì, bột màu, bạc, vàng, bạch kim, giấy trong suốt, giấy nháp. MAK – Bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng/Nghệ thuật Đương đại Áo, Viên, Áo

Thiết kế tuyệt đẹp này thể hiện một cặp đôi đang ôm nhau thân mật, một mô-típ phổ biến trong tác phẩm của Klimt và được thể hiện theo phong cách đặc biệt của ông, sử dụng nền vàng ròng của các hình xoắn ốc trang nhã. Cặp đôi được đơn giản hóa, khuôn mặt hếch lên của người phụ nữ lộ ra một phần trên mái tóc đen của người đàn ông, khi cánh tay phải của cô ấy ôm lấy vai anh ta. Hình dạng và hoa văn của chiếc áo choàng của người đàn ông, kết hợp các hình bầu dục vàng ròng, với lưới màu đen và trắng, và các màu trang sức khác, tạo ra cảm giác thống nhất giữa cặp đôi và bối cảnh.

Bức hoạ này này là một trong chín bức được Klimt tạo ra theo tỷ lệ 1:1 với đời thật cho Phù điêu Stoclet (1910-11) dùng trang trí phòng ăn của Palais Stoclet ở Brussels. Các thiết kế được thực hiện dưới dạng tranh khảm theo chỉ dẫn cụ thể của nghệ sĩ và sử dụng các vật liệu quý – bao gồm xà cừ, vàng lá, và men – bởi Wiener Werkstätte và Wiener Mosaikwerkstätte (Xưởng khảm Vienna). Hai bức tranh tường dài hơn 6m trang trí hai bên phòng ăn, trong khi một tấm nhỏ hơn, Kỵ sĩ vàng (The Golden Knight), ở vị trí đầu bàn. Kiến trúc sư Ly khai Vienna, Josef Hoffman đã thiết kế và xây dựng ngôi nhà xa hoa Điện Stoclet cho Adolph Stoclet, một chủ ngân hàng giàu có và nhà sưu tập nghệ thuật nổi tiếng, trong khoảng 1905-11. Các nghệ sĩ Wiener Werkstätte, bao gồm Koloman Moser, Carl Otto Czeschka, Ludwig Heinrich Jungnickel, và Eduard Josef Wimmer-Wisgrill, cùng với Klimt, đã thiết kế nội thất.

Không gian phòng ăn với phù điêu ở trên trường

Mỗi yếu tố của cung điện đều được thiết kế đặc biệt và làm bằng những vật liệu tốt nhất, bất kể giá cả ra sao, và như nhà phê bình kiến trúc Aaron Betsky đã viết, “Sự gợi cảm của kết cấu, đỉnh điểm là những bức tranh tường dài 6m mà Gustav Klimt đã tạo ra để tô điểm cho các bức tường của phòng ăn, kết hợp hang kho báu của Ali Baba với một phiên bản xây dựng của haute-couture: bạn bao quanh mình bằng sự giàu có hiển lộ và tận hưởng nó. Mỗi khoảnh khắc của sàn gỗ, đá cẩm thạch, gỗ chắc đều là một thực hành hình học được thực hiện bằng nhiều hoa văn khác nhau đến chóng mặt. Mọi nơi bạn nhìn, mọi khía cạnh của cuộc sống, từ cách bạn ngồi cho đến những gì bạn thấy, đã trở thành một ví dụ về khả năng của con người trong việc tạo ra một môi trường hoàn chỉnh.” Được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới, tổ chức này đã trích dẫn tòa nhà là “một trong những tòa nhà đồng nhất và hoàn hảo nhất của Thời kỳ Ly khai Vienna… thể hiện khát vọng tạo ra một ‘tác phẩm nghệ thuật toàn diện’ (Gesamtkunstwerk).”

1916-23 Khách sạn Imperial của Frank Lloyd Wright

Bê tông cốt thép, đá Oya, gạch, thuỷ tinh, gỗ, tấm đồng. Meịi Mura, gần Nagoya, Nhật Bản

Mặt tiền của Khách sạn Imperial kết hợp phong cách Thảo nguyên của Wright với phong cách Hồi sinh Maya, cũng như chịu ảnh hưởng của Nhật Bản. Ở lối vào, một hồ nước phản chiếu, được bao quanh bởi hai bức tượng đá lớn, gợi lên những quảng trường của người Maya. Mô-típ này tiếp tục xuyên suốt, thể hiện qua cặp cột đá dày, ngắn và lối vào giống như ở một ngôi đền, khi du khách bước vào tòa nhà qua một hành lang thấp và tối trước khi đi lên cầu thang tới không gian rộng rãi của sảnh trung tâm. Wright đã tỉ mỉ thiết kế tất cả các yếu tố và đồ đạc của khách sạn, đặc biệt là việc tạo ra những chiếc cột cao, bề mặt của chúng có những lỗ hở có hoa văn để tạo ra ánh sáng, vì vậy chúng được mệnh danh là “những cột ánh sáng”. Do hoa văn của chúng, các cột cũng gợi lên chữ tượng hình của người Maya, đồng thời sự hiện diện tràn ngập ánh sáng của chúng giống như những chiếc đèn lồng nổi của Nhật Bản đã truyền cảm hứng cho Wright.

Chính phủ Nhật Bản đặt hàng Wright tạo ra một khu phức hợp khách sạn thu hút được khách phương Tây. Xây dựng trong một khu vực nổi tiếng với những trận động đất tàn khốc, ông đã thiết kế tòa nhà một cách rất có chuyên môn, sử dụng các cọc bê tông khổng lồ và mặt bằng hình chữ H. Đồng thời, được làm chủ yếu bằng gạch, tòa nhà được xây dựng thủ công, gợi lên phong trào Arts & Crafts. Giống như các nghệ sĩ của phong trào này, Wright đã phối hợp đồ nội thất của khách sạn, bao gồm cả bộ đồ ăn và đồ sứ, với kiến trúc để tạo ra một trong những ví dụ hoàn chỉnh nhất về Gesamtkunstwerk của ông. Vào năm 1968, phần lớn tòa nhà đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho một tòa nhà cao tầng mới trong khi phần trung tâm được di dời và xây dựng lại tại Bảo tàng Meiiji-Mura.

1924: Nhà Rietveld Schröder của Gerrit Rietveld

Bê tông cốt thép, thép, gạch, thạch cao, gỗ, kính. Utrecht, Hà Lan

Nhấn mạnh vào các hình chữ nhật lồng vào nhau, các đường ngang và dọc, và màu xám, đen hoặc trắng trộn với các màu cơ bản, bản tuyên ngôn kiến trúc này minh họa cho cách tiếp cận của De Stijl đối với Gesamtkunstwerk. Được thiết kế với các tấm trượt hoặc xoay, không gian nội thất tạo ra sự mở linh hoạt phản ánh các giá trị cơ bản của sự mở trong các mối quan hệ, thoát khỏi các ràng buộc truyền thống và thứ bậc. Đường nét, màu sắc và bề mặt của các đường thẳng ngoại thất chảy một cách không bị gián đoạn vào không gian nội thất. Mọi chi tiết của thiết kế đều được xem xét cẩn thận, như có thể thấy trong thiết kế cấp tiến của các cửa sổ, mở ra một góc 90 độ, nhấn mạnh hình dạng hình chữ nhật của chúng.

Reitveld đã thiết kế một ngôi nhà mà một số học giả coi là ví dụ đích thực duy nhất của kiến trúc De Stijl. Đó là nơi ở riêng cho bà Truus Schröder-Schräde và ba người con của bà. Gọi ngôi nhà là Di sản Thế giới vào năm 2000, UNESCO tuyên bố, “Với cách tiếp cận triệt để trong thiết kế và sử dụng không gian, Rietveld Schröderhuis chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển của kiến trúc thời hiện đại.

1925-26: Toà nhà Bauhaus của Walter Gropius

Kính, thép, bê tông cốt thép. Dessau, Đức

Tòa nhà mang tính biểu tượng này – với thiết kế hình học, những bức tường bằng kính với lưới kết cấu thép lộ ra ngoài, cách phối màu và ký tự pháp đặc trưng của nó thể hiện tính thẩm mỹ của Bauhaus theo mọi cách. Ở đây, Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện được áp dụng trong tầm nhìn về thiết kế toàn diện kết hợp công nghệ hiện đại và công nghiệp hóa. Khi Bauhaus chuyển từ Weimar đến Dessau, Gropius, bị ảnh hưởng bởi thiết kế của Nhà máy Fagus (1911-13), đã tận dụng cơ hội để thiết kế một khuôn viên phản ánh các nguyên tắc của trường. Sử dụng công nghệ mới của bê tông cốt thép và thép, ông đã thiết kế từng không gian để thể hiện chức năng của nó. Việc sử dụng rèm kính và cửa sổ lớn ở tầng trệt chiếu sáng các xưởng nghề và không gian xưởng, trong khi các bức tường ngăn di động và không gian bên trong được thiết kế cho sự linh hoạt và cởi mở, tăng cường cộng tác cộng đồng. Các sinh viên và nghệ sĩ trong tất cả các khoa của Bauhaus đã tham gia vào việc thiết kế các đồ đạc và phụ kiện nội thất khác nhau, như được phản ánh ở đây trong việc sử dụng phông chữ của Herbert Bayer ở bên ngoài, được phát minh tại Bauhaus.

Gropius cũng thiết kế một khu nhà ở năm tầng dành cho sinh viên và các bậc thầy Bauhaus, tất cả đều phản ánh cùng một cách sử dụng công nghệ xây dựng hiện đại với điểm nhấn là phong cách hình học. Bản thân khuôn viên trường đã đổi mới như nhà phê bình kiến ​​trúc Nikil Saval viết, “Đó là một ngôi trường – không bình thường đối với nước Đức – một khuôn viên: nơi học sinh và giáo viên đến sống. Không gian ấy có ý nghĩa thể hiện cuộc sống mà giáo viên và học sinh của trường được kỳ vọng là sẽ cung cấp cho thế giới“. Gropius đã mô tả tầm nhìn của chính mình, “Mục đích cuối cùng của mọi hoạt động nghệ thuật là xây dựng! Mục đích cuối cùng, nếu xa vời, của Bauhaus là tác phẩm nghệ thuật thống nhất,” một tầm nhìn bao gồm sự kết hợp giữa công nghệ, mỹ thuật và thủ công trong cái mà ông gọi là “kiến trúc toàn diện“. UNESCO đã công nhận địa điểm này, cùng với Bauhaus ở Weimar và Bernau, là Di sản Thế giới vào năm 1999. Công trình của Bauhaus và khái niệm Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện của nó, được Gropius định nghĩa là “thiết kế toàn diện” có ảnh hưởng quốc tế, như xu hướng kiến ​​trúc và nghệ thuật Bauhaus được phát triển ở Hoa Kỳ, Canada, Tây Âu, Úc và Israel.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Rebecca Seiferle; biên tập và hiệu đính bởi Những cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt, minh hoạ và đề tựa tiếng Việt bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Gesamtkunstwerk Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tác phẩm nghệ thuật Toàn diện

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…