Tái hiện Hát bội trong đa diện ánh sáng qua dự án ‘má ơi đừng đánh con đau. để con hát bội làm đào má coi’

“Ánh sáng trên sân khấu là ánh sáng của kịch nghệ. Còn ánh sáng khi đèn đã tắt, khi chuẩn bị cho vở diễn hay khi chỉ là khe sáng hắt qua cánh gà, mình thấy nó đời hơn và dễ tạo cảm xúc cho mình hơn.” – Rồng Phạm

Rồng Phạm là họa sĩ mình họa đến từ Vườn Illustration hiện đang là sinh viên ngành Sơn mài của Trường đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. “má ơi đừng đánh con đau. để con hát bội làm đào má coi” của Rồng Phạm là tập hợp những tác phẩm vẽ về hát bội trong chuyến thực tế ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định, nguyên là Nhà hát Tuồng cổ Đào Tấn. Bên cạnh đó, đây cũng là những bức ký họa khi quan sát Đoàn nghệ thuật Hát bội TP. Hồ Chí Minh. Bởi “Hát bội là cảm hứng, và cũng là trách nhiệm mà mình lựa chọn quàng lên người”, Rồng Phạm luôn muốn tái hiện loại hình nghệ thuật này dưới nhiều cách thức khác nhau.

Cùng trò chuyện để hiểu hơn về “má ơi đừng đánh con đau. để con hát bội làm đào má coi” và hiểu hơn về tình yêu với hát bội luôn âm ỉ trong Rồng Phạm nhé!


Rồng Phạm có thể chia sẻ về ý tưởng, lý do bạn thực hiện những tác phẩm về đề tài hát bội trong “má ơi đừng đánh con đau. để con hát bội làm đào má coi” ?

Hồi năm 2018, được bạn bè rủ vẽ về hát bội (triển lãm Vẽ về Hát bội), mình thấy ai cũng vẽ nên ham vui vẽ theo thôi. Rồi sau đó bắt đầu quá trình tìm hiểu, mình mới thấy hát bội đẹp quá, mình lại làm nghề tìm đến cái đẹp, cái gì đẹp thì mình mê mẩn thôi. Từ phục trang, trang điểm, diễn xuất, đến những màn trình diễn ánh sáng, cái gì mình cũng thích. Rồi mình được trò chuyện nhiều hơn với các nghệ sĩ, mình từ từ thấy rõ đời sống sau cánh gà của họ.

Đây cũng là lần đầu tiên mình được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hát bội trên một sân khấu thật, được nghe những tâm tình của các cô chú anh chị nghệ sĩ và được vỗ tay trong xúc động khi một trích đoạn Tuồng kết thúc.

Sự tương phản đó làm mình thấy rõ ngọn lửa yêu nghề hừng hực bốc cháy trong con người họ và muôn phần nể phục họ hơn. Mình thích nhìn những con người đầy đam mê cật lực lao động, chảy từng giọt mồ hôi cống hiến cho công việc mà họ yêu thích.

Đến khi thi đỗ vào đại học, hát bội là đề tài mình đã muốn theo đuổi từ những ngày đầu mới bước chân vô giảng đường. Mãi đến năm 3, khi chính thức bước chân vào chuyên ngành Sơn mài, tụi mình mới được tự do chọn đề tài để nghiên cứu và địa điểm để đi thực tế (hai năm trước đều đi theo sắp xếp của trường). Mình cùng một số bạn học quyết định lựa chọn sẽ đến Bình Định, mình nghĩ ở đó hát bội từng có đời sống khá rực rỡ. Ngoài mình ra thì trong trường còn một số bạn khác cũng lựa chọn đề tài này, nhưng họ ở lại thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu. Tụi mình đã cùng nhau trao đổi tư liệu của hai nơi để có nhiều kí họa phong phú hơn.

“má ơi đừng đánh con đau. để con hát bội làm đào má coi” – một tựa đề khá đặc biệt. Rồng Phạm có thể chia sẻ thêm lý do chọn một tựa đề dài như vậy cho những tác phẩm lần này của bạn? Có câu chuyện nào ẩn giấu trong tác phẩm để bạn đặt tựa đề này không?

Lúc đăng lên Facebook, mình định đặt tên khác cơ, nhưng ông anh cùng nhà thấy được, ổng chê sến quá, nên gợi ý mình đặt tên này, tuy hơi dài, nhưng mà lạ và thu hút hơn. Mình cũng chưa thật sự hiểu ý nghĩa hai câu thơ này đâu, mình đã thử tra cứu trên Google, nhưng thấy mỗi chỗ nói một kiểu, nhưng có một giả thuyết mà mình thích nhất như thế này:

Được biết Rồng Phạm đã theo đuổi đề tài hát bội rất lâu, lý do cho việc theo đuổi này là gì? Và với những tác phẩm trong “má ơi đừng đánh con đau. để con hát bội làm đào má coi” có điểm gì khác biệt so với những tác phẩm về hát bội trước của bạn không?

Ngày bé mình sợ xem hát bội lắm, mình chỉ thấy đó là những đoạn hát ồn ào rùng rợn, những khuôn mặt tô vẽ kì dị nhăn nhó, những điệu bộ ước lệ khó hiểu, mỗi lần ba bật hát bội trên tivi là mình cáu bẳn đòi đổi sang kênh khác liền. Nhưng càng lớn, đọc và nghiên cứu nhiều hơn, mình lại cảm thấy yêu mến và hứng thú với bộ môn nghệ thuật sân khấu cổ truyền này hơn.

Ở thời điểm tham gia Vẽ về Hát bội , mình mạnh thể hiện ở chất liệu digital. Còn với những sản phẩm mới đây, mình khai thác đề tài hát bội bằng sự đa dạng của các chất liệu khác. Ngoài những chất liệu quen thuộc như chì, màu nước, mình còn thử nghiệm với chất liệu màu poster, acrylic, mực tàu, than, bút brush, chì màu, digital, và xé dán giấy, thêm cả sơn mài nữa.

Kì tình mà nói những bức tranh mình đăng lên Facebook mới chỉ dừng ở bước phác thảo nghiên cứu tìm ý, chứ chưa phải là những sản phẩm hoàn chỉnh. Toàn bộ đều là thành quả sau hơn 1 tháng ăn dầm nằm dề cạnh nhà hát Bình Định, sắp tới mình có thể sẽ lên 3 bức tranh sơn mài về đề tài này.

Những tác phẩm được vẽ ở nhiều địa điểm khác nhau, giống như một hành trình thực tế của bạn tìm hiểu về hát bội, bạn có thể chia sẻ thêm về nó không?

Mình có một kỷ niệm khó quên đó là bị Giám đốc Nhà hát Bình Định từ chối cho vào sau hậu trường để tác nghiệp. Được thư giới thiệu từ thầy giáo ở trường, mình đến nhà hát xin phép được theo sau quan sát và ghi chép về đời sống của nghệ sĩ sau và trên sân khấu, các chú diễn viên thì rất hồ hởi và nhiệt tình, nhưng khi lên xin chú giám đốc thì mình bị từ chối. Chú nói nhà hát đã bỏ rất nhiều tiền ra để mời nghệ sĩ lớn từ Hà Nội, sợ mình vô làm phiền họ. Ban đầu mình cũng bối rối và hoang mang lắm, vì đã dự định chỉ theo đuổi đề tài này thôi, giờ bị cấm thế này không biết phải xoay sở thế nào.

Rồi mình thưa chuyện với chú trưởng đoàn, may mắn thay, được chú “dung túng” cho len lén vô ngồi coi ở một góc, hứa là không được làm ảnh hưởng đến kế hoạch luyện tập và không làm phiền diễn viên nếu họ không muốn. Trời ơi, mình mừng như bắt được vàng ấy! Trong quá trình lẻn vào xem các anh chị tập tuồng, mình làm quen được với nhiều nghệ sĩ hơn, thấy họ tốt bụng và nhiệt tình lắm. Mình còn vẽ tặng một số anh chị nữa.

Nhưng khi vở diễn diễn ra thì lại thấy hơi buồn, vì có vẻ như thông tin về vở diễn không đến được với người dân hay sao đó, mà hôm ấy cá nhân mình thấy là hơi ít khán giả. Mình không phải là thành viên đoàn diễn mà cũng đôi chút thấy chạnh lòng, không biết các nghệ sĩ đã phải tập quen với những cảm xúc như thế này tự bao giờ.

Rồng Phạm đã sử dụng ngôn ngữ hội họa như thế nào để thực hiện những tác phẩm này?

Ở những bức ký họa này, mình muốn tập nhìn mọi thứ theo mảng hình lớn. Vì đặc trưng của ký họa là ghi chép với tốc độ nhanh, nếu quá trưng trổ tỉa tót thì sẽ không bắt kịp thần sắc, hoặc hoạt động của người diễn viên. Dù hát bội có rất nhiều chi tiết, về hóa trang và trang phục, nhưng nếu mình nhìn được theo hình lớn, sáng tối lớn thì mình vẫn sẽ làm chủ được bức kí họa và không bị yếu tố tiểu tiết làm phân tâm, đồng thời vẫn hoàn thành nhiệm vụ của 1 bức kí họa. Thêm một yếu tố nữa mà mình để ý nhiều hơn, đó là ánh sáng. Ánh sáng đẹp sẽ làm bức tranh có giá trị hơn rất nhiều.

Theo bạn “Một trong những yếu tố không thể thiếu để tạo nên vẻ kinh diễm, tráng lệ của hát bội chính là ánh sáng”. Điều này khá mới mẻ vì khi nhắc đến hát bội mọi người chỉ thường tập trung vào yếu tố trang trí của mặt nạ Tuồng. Vậy bạn đã thể hiện yếu tố ánh sáng của hát bội như thế nào trong tác phẩm của mình?

Nếu chỉ vẽ lại cách trang điểm của người nghệ sĩ thì cá nhân mình thấy hơi chán, vì mình cũng đã làm khá nhiều lần rồi. Lần này mình muốn tái hiện cả ánh sáng hiện diện trên và sau sân khấu. Ánh sáng trên sân khấu là ánh sáng của kịch nghệ. Còn ánh sáng khi đèn đã tắt, khi chuẩn bị cho vở diễn hay khi chỉ là khe sáng hắt qua cánh gà, mình thấy nó đời hơn và dễ tạo cảm xúc cho mình hơn. Series chân dung nghệ sĩ là một số chân dung nhân vật mình vẽ trong những nguồn sáng khác nhau, khi trên sân khấu, khi sau cánh gà, khi thì của 1 đoàn diễn lớn, có tấm lại là trong nguồn sáng leo lét của 1 đoàn diễn lưu động

“Hát bội là cảm hứng, và cũng là trách nhiệm mà mình lựa chọn quàng lên người.” vậy Rồng Phạm đã có dự định nào cho hát bội trong thời gian sắp tới?

Hồi năm vừa rồi tham gia 1 triển lãm về Tết, mình có làm quen với 1 người anh, là hoạ sĩ Hưng Trần Sơn Ca. Hỏi ra mới biết ảnh cũng theo đuổi đề tài hát bội trong nhiều năm rồi. Ảnh có ấp ủ 1 triển lãm riêng về đề tài này và gửi lời mời mình cùng thực hiện.

Bên cạnh đó, mình sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài này, cố gắng sáng tác và cập nhật liên tục. Sự theo dõi và tương tác của các bạn, đặc biệt là những người trẻ, cho mình thấy Hát bội đang có cơ hội trỗi mình trở dậy. Đây chính là thành công lớn nhất của mình trên con đường này.

Rồng Phạm tự đánh giá chỉ dừng ở mức tìm hiểu, chưa phải thực sự là một sản phẩm hoàn chỉnh thì những tác phẩm trong “má ơi đừng đánh con đau. để con hát bội làm đào má coi” đã đưa người nhìn tiếp cận hát bội ở một góc nhìn mới mẻ hơn nhiều. Ở góc nhìn đó, vừa đủ đầy chi tiết, đa sắc của thường thấy khi nghĩ về hát bội, lại vừa ước lệ, mờ tỏ nhân vật, điệu bộ dưới hiệu ứng ánh sáng.

Chính cái gọi là “chưa phải thực sự là một sản phẩm hoàn chỉnh” có lẽ cũng là một cách hoàn thiện tuyệt vời. Bằng cách trao quyền cho người nhìn cơ hội tự vẽ những nét cuối cùng trong tâm trí của chính họ, những tác phẩm trong “má ơi đừng đánh con đau. để con hát bội làm đào má coi” đã khơi gợi tưởng tượng mãnh liệt không ngừng. “Có thể bức phác họa của một tác phẩm khiến ta hài lòng đến vậy là bởi ai cũng hoàn thiện nó theo cách của riêng mình.” – Eugène Delacroix

Lắng nghe những câu chuyện nho nhỏ, ngắm nhìn những góc sáng lạ trong tranh của Rồng Phạm, tôi cũng vẽ lên bằng trí tưởng tượng thơ mộng riêng mình. Trong không gian ồn ã của phòng tập tuồng, có một tôi ở góc tối bí mật lén nhìn những người nghệ sĩ ấy. Dưới ánh sáng có lúc rực rỡ, có lúc leo lắt, sống một đời rất khác, chìm đắm từng câu thoại, in hằn từng biểu cảm, uyển chuyển từng nét hình,…

Cùng thưởng thức nhiều hơn những tác phẩm của Rồng Phạm tại đây nhé!

Bài viết: Y.ink
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

hát bội iD interview idesign signature illustration minh hoa rồng phạm vietnam artist

iDesign Must-try

Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Đến hẹn lại lên, thời khắc chuyển giao năm cũ, chào đón năm mới là dịp để các artist Việt tham gia vào cuộc chơi “Vẽ linh vật của năm”.…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…