Tân tạo hình (Phần 3)

Trước khi tìm hiểu về các tác phẩm nổi bật của trào lưu Tân tạo hình, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về các ý niệm, phong cách, và xu hướng của chủ nghĩa – cụ thể là trong kiến trúc, nội thất, và trong mối tương quan với chủ nghĩa Nguyên tố. Sau đó, chúng ta tìm hiểu các ảnh hưởng hậu trào lưu.

Chủ nghĩa Tân tạo hình và kiến trúc

Ngay từ đầu thì chủ nghĩa Tân tạo hình đã biện hộ rằng thẩm mỹ mới của nó có nghĩa là, như Mondrian viết, “kiến trúc và hội họa có thể hợp nhất… và có thể trung hoà lẫn nhau.” Ông tiếp tục khẳng định, “Trong khi chủ nghĩa Tân tạo hình hiện đã có giá trị nội tại của riêng nó, như hội họa và điêu khắc, đó có thể được coi là sự chuẩn bị cho kiến trúc trong tương lai.

Chính tác phẩm của Mondrian trong việc đưa các nguyên tắc của chủ nghĩa Tân tạo hình vào không gian đã giúp ông tạo ra bối cảnh sân khấu cho vở kịch Phù du là vĩnh cửu (The Ephemeral is Eternal) (1926) của nhà phê bình nghệ thuật Michel Seuphor. Sau đó, ông sử dụng các bản vẽ cho một dự án được đề xuất cho thư viện của Ida Biernet vào năm 1926. Thiết kế của ông sử dụng phương pháp hộp mở của bố cục hình ảnh và lưới trực giao để xác định mối quan hệ của màu sắc và đường nét.

Sân khấu mẫu cho vở kịch Phù du là vĩnh cửu (The Ephemeral is Eternal) (1926)  Michel Seuphor của Piet Mondrian

Một số kiến ​​trúc sư nổi tiếng đã tạo ra các tòa nhà Tân tạo hình. Năm 1923, Vilmos Huszár và Gerrit Rietveld đã tạo ra Không gian – Màu sắc – Bố cục (Space-Color-Composition) cho Triển lãm Nghệ thuật không có ban giám khảo Berlin (Berlin Juryfreie Kunstschau), nơi khách tham quan được dẫn đi bởi các mặt phẳng màu và các đường dọc màu đen trên tường và sàn nhà qua hai phòng thông nhau. 

Không gian – Màu sắc – Bố cục của Vilmos Huszár và Gerrit Rietveld

Năm 1925, J.J.P. Oud trở nên nổi tiếng khi mặt tiền mà ông tạo ra cho quán Cafe de Unie ở Rotterdam gây ra tranh cãi với thiết kế màu sắc, bất đối xứng, ngang và dọc của nó. Cùng năm đó tại Paris, kiến ​​trúc sư người Áo, Frederick Kiesler, đã tạo ra tác phẩm sắp đặt Thành phố trong không gian (City in Space) cho Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí và Công nghiệp Hiện đại. Cấu trúc lơ lửng ban đầu được dùng để làm bối cảnh cố định nhưng đã phát triển thành nguyên mẫu cho một thành phố Tân tạo hình mới. 

Cafe de Unie (tái hiện từ nguyên bản)
Thành phố trong không gian của Kiesler

Ví dụ nổi tiếng nhất về kiến ​​trúc Tân tạo hình là Ngôi nhà Rietveld-Schröder (Rietveld-Schröder House) năm 1924, được liệt kê là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2000 và được ủy ban tán tụng là “một biểu tượng của Phong trào Hiện đại trong kiến ​​trúc… [mà] chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển của kiến ​​trúc thời hiện đại.

Theo van Doesburg đã viết, “Kiến trúc như một phương pháp xây dựng … tổng hợp mọi công năng của cuộc sống con người,” và cảm thấy rằng cửa sổ kính màu là một cách để chuyển dịch từ hội họa sang kiến trúc, như đã thấy trong tác phẩm Tân tạo hình Bố cục kính màu IV (Stained-Glass Composition IV) năm 1917 của ông, được tạo ra cho Ngôi nhà De Lange ở Alkmaar. 

 Bố cục kính màu IV của van Doesburg

Trong suốt sự nghiệp của mình, van Doesburg đã hợp tác trong nhiều dự án thiết kế kiến trúc và nội thất, bao gồm Dự án của Oud cho Tổ hợp nhà ở công nhân ở Rotterdam từ năm 1920-1923, mặc dù nhiều dự án chưa bao giờ hoàn thành. Thành tựu kiến trúc đáng chú ý nhất của ông là cùng Jean Arp và Sophie Taeuber-Arp tạo ra quán cà phê L’Aubette, nơi thiết kế thể hiện chủ nghĩa Nguyên tố.

Chủ nghĩa Tân tạo hình và đồ nội thất/thiết kế nội thất

Các nghệ sĩ của Tân tạo hình đã xem thiết kế nội thất và đồ nội thất là một phần trong tổng thể của việc tạo ra không gian. Mọi nguyên tố đều quan trọng, thể hiện qua việc Theo van Doesburg thiết kế gạt tàn cho quán Cafe L’Aubette.

Ví dụ nổi tiếng nhất của thiết kế đồ nội thất Tân tạo hình là chiếc Ghế Đỏ và Xanh được Rietveld tạo ra vào năm 1923 và được đặt trong ngôi nhà Rietveld-Schröder. Tuy nhiên, quan điểm sáng tạo của ông về thiết kế đồ nội thất đã vấp phải những lời chỉ trích rằng chiếc ghế của ông không thoải mái. Rietveld đáp lại những lời chỉ trích mình, nói rằng, “Bạn hoàn toàn đúng. Tôi đã bị thương ở mắt cá chân của mình do những phần nhô ra. Nhưng mặt khác, nó không thực sự là một chiếc ghế: đó là một bản tuyên ngôn.” 

Một trong các thiết kế ghế của Rietveld: ghế zig-zag

Đối với Rietveld, điều quan trọng hơn cả chức năng của chiếc ghế là cách mà chiếc ghế cấu trúc không gian nơi nó được đặt, chiếc ghế trở thành một tác phẩm điêu khắc, một tác phẩm nghệ thuật.

Bước đột phá của Mondrian vào việc tạo ra một không gian Tân tạo hình là xưởng của chính ông, một tổng thể được xem như một tác phẩm nghệ thuật. Mondrian đã cân nhắc kỹ lưỡng về màu sắc và cách sắp xếp các cấu trúc vật lý của xưởng cũng như đồ nội thất và các đồ vật khác trong không gian. Ông muốn cái trừu tượng trở thành thực tại, và để làm như vậy, ông nhấn mạnh các khía cạnh phẳng của không gian thay vì tính ba chiều của nó.

Xưởng của Piet Mondrian, Paris (1929)

Chủ nghĩa Nguyên tố và chủ nghĩa Tân tạo hình

Chủ nghĩa Nguyên tố (Elementarism) được coi là là một “kiểu con” của chủ nghĩa Tân tạo hình, được phát triển vào khoảng năm 1925 bởi Theo van Doesburg, với mong muốn tạo ra một nghệ thuật hình học nhiều năng lượng và kịch tính hơn. Tuyên ngôn Chủ nghĩa Nguyên tố (Manifesto of Elementarism) đã được công bố trong các số in vào khoảng 1926-1927 của tạp chí De Stijl.

Chủ nghĩa Nguyên tố là đỉnh điểm của một số ảnh hưởng trước đó tới van Doesburg. Trong khi quảng bá De Stijl khắp châu Âu, ông giảng dạy tại Bauhaus từ 1921 đến 1923 và ở đó, ông gặp El Lissitzky, nhà kiến tạo người Nga, người có ý tưởng về việc kết hợp kiến trúc và nghệ thuật đã ảnh hưởng đến ông, như có thể thấy trong bài luận năm 1924 của van Doesburg và Cor van Essteren tên Về phía một công trình công cộng (Towards a Collective Construction). 

Một tác phẩm từ sự kết hợp của van Doesburg và Cor van Essteren

Tại đây, các nghệ sĩ khẳng định, “Chúng tôi đã thiết lập vị trí thực sự của màu sắc trong kiến trúc và chúng tôi tuyên bố rằng hội họa mà không có sự kiến tạo mang tính kiến trúc… thì chẳng có lý do nào để tồn tại.” Theo đó, những đổi mới quan trọng nhất của chủ nghĩa Nguyên tố là sự kết hợp giữa hội họa và kiến trúc, như trong quán cà phê L’Aubette, nơi Van Doesburg hợp tác với các nghệ sĩ theo chủ nghĩa Dada là Jean Arp và Sophie Taeuber-Arp để tạo ra một phòng khiêu vũ theo các nguyên tắc của chủ nghĩa.

Quán cà phê L’Aubette (1926) ở Strasbourg, Pháp

Trong thời gian ở Bauhaus, van Doesburg, bị ảnh hưởng bởi phong trào nghệ thuật Dada, bắt đầu sử dụng bút danh I.K. Bonset và thành lập tạp chí Dada, Mecano, khi ông trở lại Hà Lan vào năm 1923. Cảm thấy rằng các loại hình nghệ thuật mới, năng động hơn là cần thiết để tạo ra một thế giới mới sau sự tàn phá của Thế chiến thứ nhất, ông đã viết các bài báo với tư cách là Bonset phê bình chủ nghĩa Tân tạo hình và các nghệ sĩ De Stijl khác. Trong thời gian này, những ý tưởng của van Doesburg về kiến trúc cũng bắt đầu thay đổi, gây ra nhiều bất đồng với Mondrian. Theo nhà sử học nghệ thuật Carel Blotcamp, Van Doesburg cảm thấy rằng “’kiến trúc màu’ là biểu hiện cụ thể của sự liên tục không gian thời gian” mới của ông và nhấn mạnh trải nghiệm khi cá nhân đó di chuyển trong không gian.

Bìa Mecano số 3, 1922

Trong khi chủ nghĩa Tân tạo hình nhấn mạnh sự cân bằng được tạo ra bởi mối quan hệ giữa các đường thẳng đứng và ngang tương phản cùng các màu cơ bản, van Doesburg tin rằng “Mối quan hệ cân bằng không phải là kết quả cuối cùng“, về cơ bản xóa bỏ sự khăng khăng của chủ nghĩa Tân tạo hình về các cặp đối lập. Van Doesburg đã viết, rằng bản chất của chủ nghĩa Nguyên tố là “không trái cũng chẳng phải, không đối xứng, cũng không tĩnh, cũng không phải là duy nhất Ngang-Dọc.” Chủ nghĩa Nguyên tố thay vào đó ủng hộ việc sử dụng các đường chéo như một cách để loại bỏ các cặp này trong các thuật ngữ tượng hình.

Phản bố cục V (Counter composition V) (1924) của Theo van Doesburg

Do đó, van Doesburg gọi tác phẩm mới của mình là Phản bố cục (Counter-Compositions), bắt đầu sử dụng đường chéo trong các bức tranh của mình. Do sự ủng hộ của van Doesburg đối với các đường chéo và do bất đồng triết học sâu sắc với các nguyên lý của chủ nghĩa Nguyên tố (đặc biệt là liên quan đến kiến trúc), Mondrian rời nhóm De Stijl vào năm 1925, và tình bạn của ông với van Doesburg chấm dứt. Một số thành viên của De Stijl đã thực hành Chủ nghĩa Nguyên tố, ngay cả khi chỉ là nhất thời, bao gồm Bart van der Leck, nghệ sĩ Friedrich Vordemberge-Gildewart, nhà điêu khắc Georges Vantongerloo, và các kiến trúc sư Gerrit Rietveld và J.J.P. Oud. Cả De Stijl và Elementarism đều kết thúc vào năm 1931 với cái chết của van Doesburg.

Những phát triển sau này – Hậu Tân tạo hình

Ảnh hưởng của chủ nghĩa Tân tạo hình, rộng khắp trong nghệ thuật, kiến trúc và văn hóa, thường đồng nghĩa với Mondrian, nhà lý thuyết và nhà thực hành nổi tiếng nhất của nó. Như Stephen Bayley, nhà sử học thiết kế đã nói, “Mondrian có nghĩa là Chủ nghĩa Hiện đại. Tên của ông và tác phẩm của ông tổng hợp toàn bộ lý tưởng của chủ nghĩa Hiện đại Cao cấp.” Trong thời của nó, phong trào đã ảnh hưởng đến một số nghệ sĩ Hà Lan như Jan Sluijters và Jacoba van Heemskerck, nghệ sĩ người Anh Marlow Moss, Carl Buchheister người Đức, và các kiến trúc sư theo chủ nghĩa Hiện đại như Walter Gropius, Ludwig Mies van der Rohe, và Le Corbusier.

Phong trào này đã ảnh hưởng đến phong cách Hội họa Cạnh cứng của nhiều người Mỹ, như đã thấy trong tác phẩm của Ellsworth Kelly, và Op Art hình học của Bridget Riley. Donald Judd, những người theo chủ nghĩa Tối giản, đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Tân tạo hình như được thể hiện trong bài luận của ông là “Một số khía cạnh của màu sắc nói chung và màu đen, màu đỏ nói riêng“, và nhà Biểu hiện Trừu tượng Ad Reinhardt thừa nhận tầm quan trọng của phong trào này trong tác phẩm của riêng ông. Nghệ sĩ người Anh, Keith Milow, trong năm 2001-2003 đã thực hiện một loạt các bức tranh dựa trên tác phẩm của Mondrian. 

Không gian triển lãm Những bức hoạ xanh (Blue Paintings) của Ad Reinhardt

Kiến trúc tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phong trào này, như có thể thấy trong Môi trường sống (Habitat) của Moshe Sadfie năm 1967. Kiến trúc sư nổi tiếng, Cesar Pelli, đã thiết kế bản mở rộng Cánh Tây năm 1984 của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại được gọi là “Da Mondrianesque” mặt ngoài bằng thủy tinh nhiều màu trong lưới Tân tạo hình. Năm 2014, Hiroshi Sugimoto đã thiết kế quán trà thủy tinh “Mondrian” của mình, được trưng bày tại Triển lãm kiến trúc nhị niên Venice (Venice Architecture Biennale).

Habitat 67 của Moshe Sadfie
Quán trà thuỷ tinh “Mondrian” (2014) thiết kế bởi Hiroshi Sugimoto

Chủ nghĩa Tân tạo hình cũng đã có tầm ảnh hưởng văn hóa rộng rãi. Thiết kế nguyên tố của nó có thể dễ dàng sao chép bởi phần mềm đồ họa tiếp tục ảnh hưởng đến thiết kế chương trình máy tính, trò chơi điện tử và thiết kế web. Một số ngôn ngữ lập trình được đặt tên theo Mondrian, và kể từ những năm 1970, một số nhóm nhạc, bao gồm Silverchairs, The Apples in Stereo và White Stripes đã có bìa album theo phong cách Tân tạo hình. 

Các nhà thiết kế thời trang cũng đã cảm nhận được sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Tân tạo hình. Lola Prusac đã tạo ra những chiếc túi Hermes với thiết kế Tân tạo hình vào những năm 1930. Nhà thiết kế thời trang, Yves Saint Laurent đã ra mắt “Bộ sưu tập Mondrian” rất thành công vào năm 1965 và tuyên bố, “Kiệt tác của thế kỷ 20 là Mondrian.” 

Yves Saint Laurent, các bộ váy trong “Bộ sưu tập Mondrian” của Yves Saint Laurent, được thể hiện bên cạnh bức tranh của Mondrian (1966)

Ngay cả trong thế kỷ 21, Nike đã sản xuất giày tennis với thiết kế Tân tạo hình vào năm 2008, và gần đây hơn, các bộ sưu tập của nhà mốt thời trang cao cấp Alexander McQueen đã phản ánh tầm ảnh hưởng của phong trào này, như có thể thấy trong những đôi giày ba lê năm 2014 của hãng. Trước mối bận tâm của Mondrian rằng chủ nghĩa Tân tạo hình không trở thành một kỹ thuật đơn thuần hay chỉ mang mục đích trang trí, sự phong phú của hàng hóa đương đại từ cốc cà phê đến nam châm tủ lạnh có thiết kế Tân tạo hình là một bằng chứng hoàn toàn ngược lại cho ảnh hưởng không ngừng của phong trào này.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Rebecca Seiferle; biên tập và hiệu đính, với tóm tắt và bổ sung bởi Valerie Hellstein. Dịch sang tiếng Việt bởi Tố Uyên; đề tựa tiếng Việt và minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tân tạo hình

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…