Theo van Doesburg (Phần 1)

Người ta thường gắn liền De Stijl với Piet Mondrian. Nhưng, chắc chắn, không có van Doesburg và sự kiên trì đến cứng đầu của ông thì không thể nào có De Stijl cũng như tất cả những ảnh hưởng vô cùng lớn của nó. Khi không được mời vào giảng dạy chính thức tại Bauhaus (mặc dù đã nỗ lực chuyển tới sinh sống tại Weimar chỉ để thuyết phục ban lãnh đạo trường), van Doesburg thậm chí đã tự mở lớp ở ngay… bên cạnh trường để truyền dạy những gì ông cho là đúng đắn. Qua đời sớm ở tuổi 47, van Doesburg đã để lại một di sản lớn với tư cách một nghệ sĩ, một nhà thiết kế kiến trúc – nội thất – đồ hoạ – và hơn thế nữa, một tác gia, một nhà xuất bản, và một nhà tổ chức triển lãm hoạt động đầy năng suất. Chúng ta sẽ tìm hiểu về ông qua loạt bài hai phần.

Tóm lược về Theo van Doesburg

Theo van Doesburg cùng với Piet Mondrian là những thành viên sáng lập và nhà lý luận hàng đầu của nhóm De Stijl, bắt nguồn từ Hà Lan và phát triển thành một trong những phong trào lớn trong thời chiến. Phong trào đi theo lối thẩm mỹ hình học, đơn giản, và mang tính tiêu giảm trong nghệ thuật thị giác. Luận điểm chính của trào lưu cho rằng hội họa, thiết kế, và kiến trúc nên được thống nhất hoàn toàn. Dựa vào lý thuyết thẩm mỹ của De Stijl và kết hợp với ý tưởng cá nhân, van Doesburg đã sáng tác nhiều bức tranh trừu tượng, thiết kế các tòa nhà, kính màu, đồ trang trí nội thất, đồ nội thất, và đồ gia dụng. Ông cũng viết nhiều bài tiểu luận và luận án về De Stijl và tính hình học trong phong cách trừu tượng, xuất bản các tạp chí, tổ chức các buổi trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ De Stijl và các phong trào liên quan.

Theo van Doesburg sinh ngày 30/08/1883 tại Utrecht, Hà Lan và mất 07/03/1931 tại Davos, Thuỵ Sĩ – khi mới 47 tuổi. Ông đã hoạt động nghệ thuật từ đầu những năm 1900 cho tới khi qua đời.

Thành tựu

  • Phiên bản De Stijl của cá nhân van Doesburg có tên là Chủ nghĩa Nguyên tố, nhấn mạnh vào sự dịch chuyển sắc độ một cách tinh tế, các hình vuông và hình chữ nhật được xoay góc so với mặt phẳng hình ảnh, cho phép các đường ngang dọc được có màu, với độ dài được linh hoạt, và tách biệt với nhau.
  • Van Doesburg muốn De Stijl của mình trở nên đa dạng hơn, năng động hơn chủ nghĩa Tân tạo hình – phiên bản riêng về trào lưu của Piet Mondrian. Sự khác biệt này tuy nhỏ nhưng lại là vấn đề mấu chốt dẫn đến sự chia rẽ giữa hai nghệ sĩ vào năm 1924.
  • Van Doesburg cho rằng nghệ thuật phải là một trải nghiệm gây thu hút, đồng thời tạo cảm giác về không gian và môi trường xung quanh. Vì vậy ông tạo ra các thiết kế kiến ​​trúc, kính màu, trang trí nội thất, đồ đạc và các vật dụng hàng ngày khác, tất cả đều được liên kết với nhau để có thể lắp đặt thành bộ nhằm mang đến một trải nghiệm toàn diện. Rất nhiều mẫu trong số này chưa bao giờ được lên kế hoạch chế tạo hay sản xuất.
  • Van Doesburg nhận thấy sự trừu tượng ẩn chứa giá trị có một không hai. Đó là khả năng đạt được trạng thái ổn định, tính hài hòa về mặt tổng thể kết hợp với những mảng hình học có hệ thống, trật tự và màu sắc rực rỡ, tương phản. Ông cũng cho rằng phương pháp tối giản của bản thân có những giá trị nâng cao về mặt tinh thần và đạo đức. Người xem có thể thấy được góc nhìn trừu tượng cùng với nguồn cảm hứng của ông về nghệ thuật này qua bộ tác phẩm Dancers.

Tiểu sử Theo van Doesburg

Thời thơ ấu và học vấn

Theo van Doesburg sinh ra ở Utrecht, Hà Lan. Ông là con trai của Wilhelm Kupper và Henrietta Catherina Margadant. Tên khai sinh của ông là Christian Emile Marie Kupper, và khi bắt đầu sự nghiệp hội họa, ông đã lấy nghệ danh là Theodorus Doesburg, dựa theo tên của người cha dượng mà ông coi như cha ruột của mình. Van Doesburg gia nhập quân đội Hà Lan trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (từ năm 1914 đến năm 1916), đóng quân gần Tilburg. Ông đã trải qua bốn lần kết hôn: ba lần đầu tiên chấm dứt bằng ly dị và cuộc hôn nhân cuối cùng kéo dài đến hết cuộc đời.

Nelly van Doesburg, người vợ cuối cùng của van Doesburg

Trước khi quyết định theo nghiệp họa sĩ, ông đã được đào tạo về ca hát và diễn xuất, nhờ vậy những sự quan tâm đa dạng vẫn là một dấu ấn trong sự nghiệp của ông. Ông tổ chức buổi triển lãm đầu tiên vào năm 1908, và từ năm 1912, ông tham gia viết bài cho các tạp chí để hỗ trợ cho chính hội hoạ của mình. Cho đến năm 1913, ông tiếp cận hội họa đại diện truyền thống, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Vincent Van Gogh và các phong cách tượng hình hiện đại hơn sau đó.

Sau khi đọc xong Rückblicke (TD: Hồi cố) – tác phẩm tự truyện của Wassily Kandinsky, ông có một mặc khải về bản chất của hội họa và mối liên hệ của hội họa với tâm linh. Ông bắt đầu nghiên cứu Thông Thiên Học, và nó đã ảnh hưởng lớn đến những hình dung của ông về sự hòa hợp mang tính nghệ thuật. Quan điểm cho rằng hội họa bắt nguồn từ tâm trí con người đã khiến ông thay đổi phong cách, vì vậy ông bắt đầu theo đuổi phong cách trừu tượng mang tính biểu hiện cá nhân và nhiều tính hội hoạ hơn. Năm 1915, ông tham dự buổi triển lãm của Piet Mondrian khi đang thực hiện nhiệm vụ viết bài đánh giá cho một tạp chí. Sau sự kiện này, ông đặc biệt không còn nhiệt tình với những tư tưởng và phong cách hội họa của Kandinsky như trước.

Đào tạo ban đầu

Chân dung van Doesburg hồi còn trẻ

Năm 1916, van Doesburg bắt tay vào việc xây dựng biến thể De Stijl của riêng mình. Ông cho rằng hội họa, kiến ​​trúc và thiết kế nên được tích hợp hoàn toàn với nhau và bên cạnh đó, nghệ thuật không chỉ là trải nghiệm về thị giác mà còn là một phần của môi trường không gian và vật chất lớn hơn, bao trùm hơn. Tháng 10 năm 1917, ông cùng với Piet Mondrian, Bart van der Leck, và J.J. Oud thành lập phong trào De Stijl, đồng thời cũng cho phát hành tạp chí về trào lưu này. Có thể nói Van Doesburg là người đóng góp nhiệt tình nhất, vừa biên tập vừa xuất bản cho đến số cuối cùng vào năm 1931, góp phần truyền bá thông điệp của De Stijl trên toàn châu Âu. De Stijl là biến thể Hà Lan của trừu tượng hình học đã phát triển khắp châu Âu thời đó. Nét đặc trưng của trào lưu là các đường thẳng đen, dài cấu thành nên các hình vuông và hình chữ nhật được phủ kín bằng trắng, xám hoặc ba màu cơ bản.

Ngoài việc viết bài và biên tập cho De Stijl, van Doesburg còn tham gia xuất bản các ấn phẩm khác nhau nhằm quảng bá những lý thuyết của mình và nhiều ý tưởng của các nghệ sĩ khác. Ông từng là cộng tác viên của Mécano, tạp chí xuất bản năm 1922-1923 và thiên về Dada, một phong trào nghệ thuật mà ông cũng rất hứng thú. Việc van Doesburg di chuyển khắp châu Âu, bao gồm cả những lần ghé thăm Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha, giúp ông tiếp cận với nhiều người cùng thời cũng như các tác phẩm và ý niệm của họ. Trong thời gian này, ông đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm cho các nghệ sĩ Bauhaus, De Stijl, Kiến tạo, thậm chí có cả một số nghệ sĩ Dada. 

Trưng bày của các tác phẩm De Stijl trong triển lãm do van Doesburg tổ chức ở Landesmuseum Weimar năm 1923-24

Năm 1921, ông có bài diễn thuyết về những quan điểm của De Stijl tại Bauhaus. Năm tiếp theo, ông chuyển đến Weimar để cố gắng gây ấn tượng với vị hiệu trưởng trường là Walter Gropius. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ được các nhà lãnh đạo Bauhaus mời gia nhập đội ngũ giảng viên của trường vì họ đánh giá ý tưởng của ông quá độc đoán và hạn hẹp. Mặc dù vậy, van Doesburg vẫn vô cùng ngoan cố. Ông mở lớp ngay cạnh khuôn viên trường, giảng dạy cho những sinh viên có hứng thú về chủ nghĩa Kiến ​​tạo, Dada và De Stijl.

Trong những ngày tháng quảng bá cho De Stijl, đầu năm 1918 van Doesburg đã cộng tác với các kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế, đặc biệt là những dự án được làm việc cùng các kiến ​​trúc sư J.J. Oud, Gerrit Rietveld và Cornelis van Eesteren. Các công trình kiến ​​trúc của họ thể hiện rõ chủ ý của De Stijl là tích hợp nghệ thuật, kiến ​​trúc và đồ họa. Bản vẽ của “Maison Particulière” mà ông tham gia cùng van Eesteren cho thấy van Doesburg đã đem tính hình học và màu sắc của những tác phẩm De Stijl ra khỏi khung tranh và đặt lên kết cấu kiến ​​trúc ấy. 

Mô hình Maison Particulière 

Cũng trong năm 1918, van Doesburg tham gia thiết kế cửa sổ kính màu cho ngôi nhà mà Oud đang xây dựng, cũng như cửa sổ và đồ trang trí nội thất cho các tòa nhà chung cư ở Rotterdam mà Oud xây dựng từ năm 1918 đến năm 1920. Tuy nhiên, sự hợp tác lý tưởng này không kéo dài được lâu, mâu thuẫn đã gây chia rẽ các nghệ sĩ cùng các kiến ​​trúc sư theo đuổi phong trào này. Nguyên nhân là do bất đồng về cách thức thiết kế và cân đối trong việc sử dụng hội họa hay nghệ thuật trang trí để bổ trợ và làm nổi bật kiến trúc.

Ngoài lĩnh vực kiến ​​trúc, van Doesburg còn dấn thân vào ký tự pháp để học hỏi thêm về kết cấu theo một hướng nhìn khác. Năm 1919, ông đã thiết kế một mẫu chữ mang tính hình học và tiêu giảm, sử dụng trên các áp phích, bảng hiệu, trang trí và kiến ​​trúc của De Stijl. Thế nhưng niềm hứng thú ấy của ông chỉ bùng nổ trong vỏn vẹn vài năm. Vào những năm 1920, ông đã hợp tác cùng Kurt Schwitters và Kate Steintz xuất bản một bộ sách dành cho trẻ em và tuyển tập truyện cổ tích có sử dụng kiểu chữ ấy. Ông cũng tham gia thiết kế bìa sách và áp phích, mà ký tự pháp trên đó được biến hóa theo ý đồ của bản thân.

Kiểu mẫu phông chữ điển hình của van Doesburg
Cuốn Con bù nhìn (Die Scheuche) của van Doesburg và Kate Steintz

Minh chứng thêm nữa cho sự đa dạng về mối quan tâm đa dạng của van Doesburg là sự kích thích của Dada đối với ông. Ông giao du với nhiều nghệ sĩ Dada, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật Dada ngay từ năm 1920. Ông nhận ra có những lợi ích nhất định về mặt thẩm mỹ và bộc lộ cảm xúc khi chuyển hướng hoàn toàn qua phong cách mới. Dẫu vậy, việc tiếp xúc Dada quá mật thiết vẫn khiến ông hơi e dè, có lẽ ông cảm thấy góc nhìn mỉa mai, châm biếm và bi quan của Dada mâu thuẫn quá gay gắt với những ý tưởng lý tưởng không tưởng của De Stijl. Ông viết thơ Dada dưới bút danh “I.K. Bonset,” có nghĩa “Tôi là một kẻ ngốc” theo tiếng Hà Lan. Ông đã gửi bài thơ cho tạp chí De Stijl, cũng như cho tạp chí về Dada Mécano. Hầu hết bạn bè của ông đều không biết van Doesburg chính là “I.K. Bonset” mãi đến khi ông qua đời. Thậm chí ông còn bắt người vợ Nelly đeo bộ ria mép giả, hút thuốc lào, đội mũ và kính phi công sao cho giống với “I.K. Bonset”. Cả hai vợ chồng đều tham gia các buổi trình diễn của Dada, bao gồm cả chuyến lưu diễn Dada tại Hà Lan với Kurt Schwitters.

Thời kỳ trưởng thành

Năm 1923, van Doesburg tạm biệt Weimar và chuyển đến Paris để gần gũi Mondrian hơn. Thật không may, cả mối quan hệ cá nhân và mối quan hệ đồng nghiệp của hai người đều sớm kết thúc. Trước đây, họ chỉ trao đổi qua thư từ. Tính cách của họ khác biệt nhau rõ ràng: van Doesburg hướng ngoại và khoa trương, trong khi Mondrian là người hướng nội. Những khác biệt này xảy ra vào năm 1924, dẫn đến sự rạn nứt với Mondrian. Lý do thực sự dẫn đến sự chia rẽ đã gây tranh cãi trong giới sử học nghệ thuật, nhưng nhiều người lại cho rằng vì các tư tưởng nghệ thuật đối lập nhau – chủ yếu là Mondrian không muốn sử dụng các đường chéo, ngược lại van Doesburg một mực khẳng định đó là yếu tố không thể thiếu. Sau khi chia tay, Van Doesburg tiếp tục phát triển phong cách nghệ thuật của mình, sáng tác nhiều tác phẩm tập hợp thành loạt tác phẩm Phản bố cục

Phản bố cục trong sự nghịch âm 16 (Counter-Composition in Dissonance 16)

Những bức tranh này phản ánh về Chủ nghĩa Nguyên tố (Elementarism) của ông ngày càng tiến bộ, đó chính là biến thể của cá nhân ông đi từ phong cách Tân tạo hình của Mondrian. Như đã biết về nguyên nhân gây chia rẽ Mondrian và Van Doesburg, ông cảm thấy phong cách này bị hạn chế và quá cứng nhắc khi liên tục sử dụng cấu trúc tuyến tính ngang, dọc cũng như chỉ kết hợp độc nhất màu trắng và các màu cơ bản. Giờ đây chủ nghĩa sơ bộ chấp nhận các đường xiên và hình tam giác, khiến các hình khối trở nên đa dạng, chồng chéo và tương tác với nhau hơn trong bố cục cơ bản vẫn thuộc không gian hai chiều. Các tông màu phân cấp từ màu cơ bản kết hợp cùng các sắc độ của màu xám tạo ra sự phong phú về mặt màu sắc, về các mảng sáng và tối. Năm 1924, trong một lần tình cờ gặp nhau tại một quán cafe ở Paris, hai nghệ sĩ đã nhanh chóng làm hòa với nhau.

Trong khoảng thời gian khủng hoảng với Mondrian, van Doesburg đã cùng van Easteren hợp tác về thiết kế kiến trúc, một số trong đó đã được đem trưng bày nhưng chưa có dự án nào được khởi công. Những thiết kế này liên quan đến các mặt phẳng hình học rộng với các màu cơ bản gợi ý hoặc chỉ ra sự phân chia không gian phẳng mà không tạo ra các bức tường và trần nhà được xác định rõ ràng nhưng hạn chế. Năm 1926, Hans và Sophie Tauber Arp mời van Doesburg cộng tác với họ để thiết kế lại tòa nhà Aubette ở Strasbourg, để mở quán cà phê, vũ trường và rạp chiếu phim. 

Café Aubette ngày nay được sử dụng làm không gian tham gian, thu hút nhiều khách tới thăm

Tất cả các hạng mục mới của tòa nhà, từ cách thiết kế phòng cho đến bàn ghế hay những đồ nội thất nhỏ nhặt đều do ông đảm nhiệm. Trong dự án này ông đã áp dụng lối tư duy theo Chủ nghĩa sơ bộ được phát triển gần đây của mình. Nhưng mặc cho quá trình tái thiết kế mang tính đột phá, dự án không những không được công chúng đón nhận khi tòa nhà mở cửa trở lại vào năm 1929, mà còn nhanh chóng bị thay thế bằng những đồ trang trí và thiết kế theo lối cũ.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi CM Ngô. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Theo van Doesburg

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…