Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật

Với bài viết Sự khác nhau giữa Nghệ thuật và Design đã được từng được Artplas lược dịch, chúng ta đã cùng tìm hiểu đâu là những điểm khác nhau nhằm phân biệt giữa Nghệ thuật và Thiết kế. Nhưng xét cho cùng, Thiết kế có được coi là Nghệ thuật hay không? Suốt thời gian đầu khi Thiết kế hình thành, đây được coi là một môn kỹ thuật khi áp dụng nhiều công nghệ cũng như phương pháp tính toán để hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Cho tới tận những năm 2010, ngành Thiết kế Đồ họa tại Pháp vẫn được gộp vào nhóm ngành Kỹ thuật. Cuộc thảo luận xem Thiết kế, nhất là Thiết kế đồ họa có được coi là nghệ thuật hay không hiện vẫn còn chưa có hồi kết, và chúng ta vẫn tiếp tục đi tìm câu trả lời cho chính bản thân mình.

Ngày hôm nay, Artplas xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết được đăng tải trên trang thông tin của Đại học Marymount về vấn đề này.

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA LÀ NGHỆ THUẬT

Đăng tải trên trang thông tin của Đại học Marymount, chuyên mục Art & Ethics

Thiết kế đồ họa là một hình thức nghệ thuật sử dụng hình ảnh với sự hỗ trợ của máy tính để tạo ra các thiết kế phục vụ cho thị trường thương mại và thị trường tư nhân. Hầu hết các nhà thiết kế đồ họa thực hiện thiết kế những thứ như nhãn, bao bì, và thậm chí cả hình minh họa trên trang phục. Nghệ thuật là một quá trình thiết kế và hoàn thành các tác phẩm nghệ thuật trên khung vẽ, sử dụng các phương tiện hỗn hợp, điêu khắc và nhiếp ảnh. Cả hai hình thức thực hành nghệ thuật đều có thể sử dụng các khía cạnh của nhau (áp dụng các yếu tố nghệ thuật vào thiết kế và ngược lại) để kết hợp tạo nên sản phẩm cuối cùng. Nghệ thuật và thiết kế hẳn có liên quan với nhau, cả hai đều là độc nhất và nguyên bản, nhưng chúng cùng khác nhau theo nhiều cách. Có thể nói rằng Thiết kế đồ họa cũng là nghệ thuật, dù cho vẫn có một vài khác biệt.

Một số người cho rằng thiết kế đồ họa đã bị thương mại hóa quá mức để có thể được coi là một loại hình nghệ thuật. Họ cảm thấy rằng bởi vì đây là một phương pháp thiết kế nhằm hoàn thiện công việc cho một bên thứ hai là khách hàng, nên ấy không được coi là một hình thức nghệ thuật. Với tư cách là một designer, chúng tôi phải đối mặt với lập luận rằng tác phẩm của mình làm ra không thực sự được coi là nghệ thuật, bởi vì tác phẩm thiết kế ấy được dán nhãn là “thương mại”. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng các giải pháp thiết kế được thực hiện hầu như luôn dựa trên các nguyên tắc thiết kế và nghệ thuật được giảng dạy ở khắp mọi nơi. Những gì tôi học được trong môi trường giáo dục nghệ thuật đã giúp tôi nâng cao kỹ năng thiết kế của chính mình. Với tư cách là một designer, tôi bắt đầu lớp hội họa học kỳ đầu tiên của mình bằng việc chọn một mảng màu ngẫu nhiên từ các bức tranh của Picasso rồi biến nó thành một thứ gì sáng tạo. Và tôi chọn vẽ một bức tranh về hai cô gái trẻ, sử dụng bông gòn, tóc thật, kẹo và khăn ăn. Trải nghiệm này đã dạy tôi về cách các nghệ thuật gia sử dụng tài năng của họ để vẽ và về cách các nhà thiết kế suy nghĩ và sáng tạo.

Giả lập trang tạp chí bài viết Art vs. Design (Tạm dịch: Nghệ thuật vs. Design) bởi Craig Elimeliah

Trong bài viết “Art vs. Design” của mình, Craig Elimeliah thảo luận về cách thiết kế được tính toán tỉ mẩn và định hình chi tiết. Elimeliah nói, “Một nhà thiết kế giống với một kỹ sư ở cách họ tuân thủ sự tỉ mẩn ấy, bên cạnh đó, họ không chỉ đơn thuần phải để ý tới màu sắc hay phong cách thiết kế mà còn phải đảm bảo các chi tiết phức tạp phục vụ cho chức năng sản phẩm để đáp ứng mục tiêu của dự án. Từ ‘thiết kế’ tự đưa ra một gợi ý rằng có một cá nhân hay một điều gì đã cẩn thận hoàn thiện ‘thứ’ này và họ đã đưa vào sản phẩm này nhiều tính toán cũng như suy nghĩ để tạo ra hình ảnh hay vật liệu phục vụ dự án.” (Elimeliah, p.1). Thiết kế cần hết sức cẩn thận và chính xác, và những nhà thiết kế cần sử dụng đến kế hoạch chiến lược để làm việc, nhưng điều này không có nghĩa là khía cạnh nghệ thuật hoàn toàn bị gạt ra khỏi thiết kế. Mọi khía cạnh của thiết kế đều vô cùng nghệ thuật. Dù nghệ thuật và thiết kế có những điểm khác nhau nhưng chúng vẫn có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Ví dụ như, những nhà thiết kế và các nghệ thuật gia đều tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, và họ đều sử dụng những ý tưởng nguyên bản của chính mình. Elimeliah muốn tin rằng, bởi thiết kế gần với kỹ thuật hơn, nên nó không có tính nguyên bản và không có tính nghệ thuật.

Nhưng người ta có thể nhìn vào những thứ được tạo ra bởi các nhà thiết kế và đánh giá xem họ tài năng về mặt nghệ thuật như thế nào. Có nhiều khi, một nhà thiết kế đồ họa và một nghệ sĩ sẽ làm việc cùng nhau để tạo ra một tác phẩm thiết kế đồ họa cho một nhạc sĩ. Điều tương tự áp dụng vào thiết kế hình ảnh in lên áo thun và nhiều nữa. Elimeliah đã quy đây là một điểm đánh dấu sự khác biệt giữa nghệ thuật và thiết kế, bằng việc nêu lên cách nghệ thuật ảnh hưởng thế nào tới cảm xúc con người, về việc sáng tạo không cần theo quy luật, và tạo tác để bày tỏ cảm xúc qua những chất liệu và cách phối màu (Elimeliah, p.1). Có người tin rằng Elimeliah đã đúng khi nói rằng nghệ thuật có thể khác biệt, nhưng lại nói, nghệ thuật và thiết kế có nhiều tương đồng về mặt ý tưởng. Những nhà thiết kế đồ họa phải tuân theo nhiều quy tắc và giới hạn yêu cầu bởi khách hàng, nhưng họ vẫn có thể thoải mái lựa chọn về màu sắc, bộ cục, và chủ đề thiết kế. Có người tin rằng thiết kế giống với nghệ thuật, hơn nhiều so với kỹ thuật như lời phỏng định của Elimeliah.

Hình chụp tại khuôn khổ triển lãm Graphic Design in America: A Visual Language History
(Tạm dịch: Thiết kế đồ hoạ tại Mỹ: Lịch sử Ngôn ngữ Hình ảnh)

Một số thiết kế có thể được sử dụng để triển lãm trong viện bảo tàng như các tác phẩm được đề cập trong bài “Review Graphic Design; If It’s Commercial, Is It Really Art?” của Andy Grundberg. Bài viết thảo luận về việc thiết kế đồ họa đã chuyển sang triển lãm trong các viện bảo tàng như thế nào và định nghĩa về nghệ thuật đã thay đổi như thế nào. Trong bài, Grundberg nói, “Ở nơi mà hội họa và điêu khắc từng chiếm ưu thế trong sự cô lập lộng lẫy, giờ đây, một loạt các loại hình nghệ thuật thu hút sự chú ý tương đương từ các phòng trưng bày và bảo tàng: kiến trúc, phim, biểu diễn, nhiếp ảnh, video và đặc biệt nhất là thiết kế đồ họa.” (Grundberg, p.1). Đấu trường nghệ thuật đã thay đổi để có thể bao gồm nhiều thứ mà trước đây không được coi là nghệ thuật, và bây giờ thiết kế đồ họa đã được thêm vào danh sách này. Grundberg nói về cách thiết kế đồ họa được đưa vào triển lãm thông qua việc đề cập tới buổi triển lãm “Graphic Design in America: A Visual Language History” – quy tụ hơn năm trăm tác phẩm nghệ thuật thiết kế đồ họa đã được thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử.

Theo Mildred Friedman, người tổ chức triển lãm và là người phụ trách thiết kế lâu năm tại Trung tâm Nghệ thuật Walker ở Minneapolis và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, thiết kế đồ họa là một thứ nghệ thuật vô hình đối với hầu hết công chúng. Họ chẳng thèm bận tâm tới nghệ thuật đóng gói của một hộp ngũ cốc, hay biển báo ngay trên xa họ, họ cũng chẳng coi ấy là nghệ thuật. Dù vậy, nhiệm vụ của triển lãm này không phải là chỉ ra rằng đây chính là nghệ thuật, mà chỉ đơn thuần mang đến cho mọi người cơ hội tự quyết định về giá trị của hình thái nghệ thuật này. Grundberg tin rằng cuộc triển lãm các sản phẩm thiết kế đồ họa khái quát một lịch sử theo trình tự thời gian của cả thiết kế tốt và xấu. Kết luận mà Grundberg rút ra là, thiết kế đồ họa là một hình thức nghệ thuật sử dụng các yếu tố của thiết kế thương mại để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật lâu dài cho cộng đồng toàn cầu. Thiết kế đồ họa là nghệ thuật, nhưng vì nó hướng đến mục tiêu thương mại nên hầu hết mọi người không chú ý đến những thiết kế đồ họa ở khắp quanh ta. Nghệ thuật ở ngay trên hộp ngũ cốc, trên bình nước và cả trong thứ âm nhạc mà họ vẫn thường nghe. Thiết kế đồ họa ở khắp mọi nơi.

Tuyển tập 8 Poster cho IBM bởi Paul Rand (1978-1991)

Nếu xã hội quan sát kỹ càng và chú tâm hơn, họ sẽ nhận ra rằng thứ nghệ thuật thiết kế phức tạp ở khắp nơi xung quanh họ. Grundberg cảm thấy rằng triển lãm thiết kế đồ họa lần ấy có vẻ hơi bất cẩn, nhưng ông tin rằng những nhà thiết kế vĩ đại như Lester Beall và Paul Rand đã đặt tên cho ngành thiết kế, và ảnh hưởng phong cách của họ khiến cho thiết kế trở nên giá trị hơn chỉ là một loại hình nghệ thuật. Grundberg nói, “Những bậc thầy về phong cách như Beall và Rand, là những người có thể đặt dấu ấn cá nhân của họ vào các dự án. Điều này lý giải tại sao họ lại giảm thiểu in ấn những ấn phẩm quảng cáo – những sản phẩm được coi là ví dụ phổ biến nhất về văn hóa thương mại thị giác trong thế kỷ này.” (Grundberg, p.2). Có người đồng tình rằng Beall và Rand biến thiết kế đồ họa thành một loại hình nghệ thuật hơn là kỹ thuật. Ngày nay, thiết kế đồ họa vẫn sử dụng rất nhiều công nghệ khác nhau để hoàn thiện một thiết kế phục vụ các chuyên gia trong ngành. Ví dụ, những bảng vẽ wacom có thể khiến việc vẽ tay trở nên dễ dàng hơn đối với một nghệ sĩ đồ họa, bởi họ có thể sử dụng bảng vẽ để phác thảo trực tiếp trên phần mềm chuyên ngành.

Nói tóm lại, nhiều người tin tưởng rằng thiết kế đồ họa là nghệ thuật, ngay cả khi các nhà thiết kế đồ họa làm việc phục vụ mục đích thương mại và có sự trợ giúp của công nghiệp, họ vẫn sử dụng khả năng nghệ thuật của bản thân để tạo ra những thiết kế đẹp đẽ mang đầy tính nghệ thuật trong ấy. Nghệ thuật bao gồm rất nhiều lĩnh vực, mà chủ yếu là hội họa, điêu khắc và sáng tạo từ cảm xúc, nhưng nghệ thuật và thiết kế không khác nhau đến thế. Sự khác biệt thực sự duy nhất là nghệ sĩ thường làm việc một mình, trong đó một nhà thiết kế đồ họa làm việc cho một công ty và là một phần của một đội nhóm hoạt động. Lợi thế của một nhà thiết kế chính là việc làm thành viên của một đội nhóm và sử dụng khả năng sáng tạo của nhiều người nhằm kiến tạo một ý tưởng để rồi hiện thực hóa nó thành tác phẩm nghệ thuật thiết kế đồ họa chính. Các nhà thiết kế đồ họa cũng phải làm việc trong một môi trường có nhịp độ nhanh, và thực hiện thiết kế làm sao để chúng sẵn sàng trong thời gian quy định mà khách hàng đưa ra. Đây là lý do tại sao hầu hết công việc được thực hiện với sự hỗ trợ của máy tính. Nhưng ngay cả khi đó, vẫn có những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra thông qua quá trình thiết kế.

Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: Graphic Design is Art

Cùng tác giả

#Tag

art Artplas design nghệ thuật paul rand Series Nghệ thuật và ? thiết kế đồ hoạ

iDesign Must-try

Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Với mong muốn chia sẻ tất thảy những gì mình biết về nghệ thuật và sáng tạo, để mọi người được truyền cảm hứng và tạo nên những điều xinh…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Đó là năm 1858. Cezanne mới mười tám. Người bạn thân nhất của cậu, Emile Zola, vừa rời đi Paris, bỏ cậu ở lại Aix-en-Provence.
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 5)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 5)
Các nhà khoa học thần kinh hiện biết rằng những gì chúng ta nhìn thấy bị ảnh hưởng rất nhiều bởi một thứ gọi là quá trình xử lý từ…