Thực hành nhiếp ảnh thủ công: Xưa-nay ở Việt Nam và khu vực

Trong bài viết này, độc giả sẽ có cái nhìn cận cảnh hơn về thực hành nhiếp ảnh thủ công tại Việt Nam từ giai đoạn khởi nguồn đến hiện nay. Cùng xem lại một vài dấu mốc quan trọng tạo tiền đề phát triển cho lĩnh vực này và điểm qua các không gian thực hành ở trong nước và khu vực.

Lịch sử hình thành nhiếp ảnh Việt Nam

Khởi nguồn từ sự xâm nhập văn hoá từ các nước đế quốc, Việt Nam tiếp nhận và phát triển nhiếp ảnh từ thể loại ảnh mang tính lưu niệm chủ yếu phục vụ khách hàng phương Tây và một số tiệm chụp ảnh thương mại địa phương phục vụ nhu cầu ảnh chân dung. Cũng trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 này, Việt Nam tiếp nhận kiến thức và đào tạo mỹ thuật kinh viện Tây Phương, do vậy có những cơ hội khai thác nhiếp ảnh như một công cụ nghệ thuật. 

Tuy nhiên, có lẽ, quãng chiến tranh giải phóng đất nước đã khiến nhiếp ảnh Việt Nam bị chậm phát triển và đồng thời tách biệt khỏi dòng chảy phát triển của thế giới. Nhiếp ảnh phi nghệ thuật và nhiếp ảnh nghệ thuật trong giai đoạn này đều gặp khó khăn hiển nhiên về điều kiện thực hành. Ảnh báo chí được thúc đẩy phần nào, nhưng nếu so sánh về số lượng với tác phẩm hội hoạ lại vẫn ít hơn rất nhiều.

Kể từ sau “mở cửa”, Việt Nam phục hồi và đổi mới trên nhiều phương diện từ kinh tế đến hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục…, và nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh. Ngày nay, các nhiếp ảnh gia tại Việt Nam có đủ điều kiện để học tập và thực hành bắt kịp thế giới. Nhiếp ảnh phi nghệ thuật như báo chí và thương mại sử dụng các công cụ kỹ thuật số đặc biệt phát triển và không kém cạnh với tốc độ phát triển chung toàn cầu. Nhưng, không dừng ở đó, nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh thủ công vẫn đã, đang, và sẽ đầy tiềm năng để khai thác.

Du nhập văn hóa từ cuộc xâm lăng

Nhiếp ảnh xuất hiện lần đầu ở Việt Nam vào thế kỷ 19. Những bức ảnh đầu tiên được thực hiện bởi Alphonse Jules Itier (1802-1877) bằng máy ảnh kiểu daguerre (dagurreotype). Ông tới miền Viễn Đông với tư cách là thành viên thuộc phái đoàn thương mại Pháp qua Trung Quốc để chụp ảnh buổi ký kết hiệp ước giữa Pháp và Trung Quốc năm 1844, dừng chân ở Đà Nẵng và chụp vài kiểu ảnh về những người lính Việt Nam vào năm 1845.

Bức ảnh đầu tiên chụp Pháo đài Đà Nẵng (năm 1845) của Alphonse Jules Itier

Sau khi Pháp đô hộ Việt Nam, nhiếp ảnh nhanh chóng lan rộng, một phần là do các nhà quản lý thuộc địa nhận ra tiềm năng của nhiếp ảnh trong việc truyền bá thông tin về Nam Kỳ, Bắc Kỳ và An Nam. Chính vì vậy, ban đầu, các nhiếp ảnh gia thường được giao nhiệm vụ ghi lại các cuộc thăm dò quân sự. Một yếu tố khác góp phần vào sự phổ biến của nhiếp ảnh ở Việt Nam là nền văn hóa và tập tục thờ cúng tổ tiên của Nho giáo, nơi các bức ảnh chân dung gia đình là rất cần thiết. Các tiệm chụp ảnh thương mại dần dần xuất hiện, không chỉ phục vụ cho giới cầm quyền thuộc địa mà còn cả tầng lớp thượng lưu.

Người phụ nữ An Nam (Femme Annamite) (Khoảng 1864-6) của Clément Gillet

Sự ra đời của các tiệm chụp ảnh thương mại

Tiệm chụp ảnh thương mại đầu tiên ở Việt Nam được khai trương trên đường Catinat, Sài Gòn bởi nhiếp ảnh gia Clément Gillet (1863–1867). Vốn là một nhà quay phim dày dạn kinh nghiệm, Gillet có thời gian làm việc cho Bộ Chiến tranh ở Paris. 

Sự độc quyền của Gillet nhanh chóng bị phá vỡ bởi sự thành lập của các tiệm chuyên nghiệp hơn, trong đó tiêu biểu là của nhiếp ảnh gia tài năng Émile Gsell (1838–1879) vào năm 1866.

Người đàn bà An Nam (Sài Gòn) ((Femme Annamite (Saïgon)) (Khoảng 1870) của Emile Gsell

Gsell có bảy năm phục vụ trong quân đội Pháp, sau thời gian này, ông được chọn vào Ủy ban Thăm dò sông Mê Kông (Commission d’exploration du Mekong) (1866-1868). Ông trở nên nổi tiếng sau loạt ảnh chụp tuyệt đẹp về tàn tích Angkor Wat ở Campuchia. Sau chuyến đi, ông đã mở tiệm Nhiếp ảnh Gsell (Gsell Photographie) ở Sài Gòn, rất thành công khi bán các bức ảnh in về Angkor. Gsell cũng là nhiếp ảnh gia đầu tiên chụp chân dung phụ nữ Việt Nam ở khu vực miền Bắc. Trong suốt thời gian hoạt động, ông đã khẳng định được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Sài Gòn, toàn cảnh 3 phần (Saigon, 3-part panorama) (1866) của Émile Gsell

Tiệm chụp ảnh Tân Luân (Pun Lun) khai trương ở Việt Nam vào tháng 5 năm 1867, là chi nhánh của một doanh nghiệp nhiếp ảnh thành công ở Hồng Kông với các tiệm ảnh tại Sài Gòn, Phúc Châu và Singapore. Tiệm của Tân Luân cạnh tranh trực tiếp và là đối thủ lớn nhất của Nhiếp ảnh Gsell. Ông được coi là người tiên phong trong lịch sử nhiếp ảnh Trung Quốc. Thậm chí, có một vài hình ảnh của Tân Luân được cho là xuất hiện trước cả những hình ảnh của Gsell chụp tại Sài Gòn.

Tiệm của Tân Luân ở Sài Gòn, thập niên 1870

Trong số những người tiên phong của nhiếp ảnh ở Sài Gòn cuối thế kỷ XIX, Aurélien Pestel (1855–1897) được xem là người giỏi nhất. Chất lượng ảnh của Pestel đã đưa ông trở thành đại sứ cho Đông Dương tại Triển lãm Thế giới ở Lyon năm 1894. Ở đây, ông trưng bày một bộ sưu tập toàn những bản in ảnh hiếm về miền Nam Việt Nam và Campuchia. Tập hợp này thực sự là một tổng hoà nghệ thuật, thể hiện trong dụng ý về mặt bố cục hay việc người nghệ sĩ sử dụng hình ảnh sơn mài truyền thống một cách khéo léo trong quá trình sáng tác. Đến năm 1900, ảnh của Pestel cũng được in trên các thông báo liên quan đến việc Đông Dương tham gia Hội chợ Thế giới 1900. Sau khi ông qua đời, tiệm ảnh ở số 10 Đại lộ Charner được Négadelle, sau đó là Paullussen, và cuối cùng là Planté sử dụng. Tất cả đều trở thành những nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở Sài Gòn sau đó. 

Trẻ em mang giỏ hàng ra chợ (Children Bringing Baskets of Goods to Market), bưu thiếp hình ảnh của Aurélien Pestel.
Những người phụ nữ bán trái cây gần chợ Sài Gòn cũ (Women Selling Fruit Near the Old Saigon Market), bưu thiếp ảnh của Aurélien Pestel
Hoàng đế Đồng Khánh (Emperor Dong Khanh) (1885) của Charles-Édouard Hocquard. Đây là bức ảnh chụp một vị hoàng đế Việt Nam sớm nhất được biết đến.

Một trong số nhiếp ảnh gia thương mại gốc Việt giai đoạn đầu là Nguyễn Đình Khánh (1884-1946) hay còn gọi là Khánh Ký. Tiệm của ông mở trên phố Hàng Da, Hà Nội năm 1893, là tiệm ảnh thứ hai do người Việt làm chủ. Trước đó, hãng ảnh Cảm Hiếu Đông ra đời tại phố Thanh Hà, Hà Nội năm 1869 chuyên cung cấp dịch vụ chụp ảnh chân dung. Khác với người tiền nhiệm, Khánh Ký không chỉ chụp ảnh mà còn cho thuê và đào tạo thợ chụp. Bắt đầu từ năm 1917, ông trở thành người chụp chân dung cho tất cả các viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương, giống như ông đã làm cho các hoàng đế Việt Nam và các vị vua của Campuchia và Lào. 

Quảng cáo cho cơ sở Sài Gòn của Khánh Ký, những năm 1930
Chân dung một người Pháp (1920) của Khánh Ký

Trỗi dậy của báo ảnh và sự phát triển sau này

Sự bùng nổ của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) và Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1955-1975) khiến các hoạt động chụp ảnh thương mại giảm đi đáng kể và dần thay thế bằng phóng sự ảnh, nhằm ghi lại các sự kiện lịch sử để phổ biến hình ảnh chiến tranh với quốc tế. Sau hiệp định Geneva 1954, đất nước bị chia cắt theo vĩ tuyến 17, đồng thời cơ cấu tổ chức của các hãng thông tấn cũng bị ảnh hưởng dẫn đến nhiều khác biệt. Phóng viên chiến trường miền Bắc có xu hướng tập trung vào khía cạnh đời sống của người dân trong thời chiến, hơn là những cảnh bạo lực trong chiến tranh. 

Trong khi đó, phóng viên chiến trường miền Nam ít được nhắc đến hơn, do ưu tiên vai trò của nhiếp ảnh gia từ miền Bắc để phản ánh câu chuyện chính trị về việc giải phóng miền Nam của quân đội miền Bắc. Một cách giải thích khác, là do những đóng góp của nhiếp ảnh gia miền Nam bị lu mờ bởi các đồng nghiệp đến từ Âu Mỹ. Những cái tên tiêu biểu của mặt trận miền Nam Việt Nam có thể kể đến là Nguyễn Ngọc Hạnh (1927-2017), Nguyễn Mạnh Dân (sinh năm 1925) và Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1925), điểm chung của họ đều là những nhiếp ảnh gia đã thành danh.

Bác Hồ bế cháu Nguyễn Minh Phương tại Nam Định của Đinh Đăng Định. Ông trở thành nhiếp ảnh gia riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1945.
Bác Hồ đọc báo Nhân dân số 1 (1951) của Đinh Đăng Định

Đến năm 1965, Lâm Tấn Tài (1935-2001) và Đinh Đăng Định (1920-2013) đã thành lập Hiệp hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam (VAPA). Hội đã tổ chức các cuộc triển lãm thời kỳ đầu và đặt nhiếp ảnh “nghệ thuật” và “tư liệu” của Việt Nam lên bàn cân để so sánh. VAPA là đại diện cho tính chính thống của nhiếp ảnh tại Việt Nam, với sứ mệnh sử dụng nhiếp ảnh để ủng hộ cách mạng theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn sau đổi mới (1986-nay), xã hội mở rộng quyền tự do sáng tác nghệ thuật cho các nhiếp ảnh gia. Các cơ hội cũng được tạo ra để thúc đẩy giao lưu văn hoá quốc tế qua các cuộc triển lãm và chương trình học bổng. Với nhu cầu nghiên cứu và phổ biến thông tin về nhiếp ảnh Việt Nam, Lâm Tấn Tài đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nhiếp ảnh vào năm 1997. Ngay sau đó, trung tâm này đã hình thành Khoa Nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1998. Điều này dần lan toả dẫn đến sự ra đời các khoa nhiếp ảnh ở các trường đại học khác trên khắp cả nước.

Tới nay, nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung đã dần bắt kịp sự phát triển chung của thế giới. Bên cạnh sự thông dụng của nhiếp ảnh thương mại và báo chí, nhiếp ảnh nghệ thuật cũng bắt đầu phát triển rõ rệt trong vài năm gần đây. Đặc biệt, các phương pháp tạo ảnh thủ công vẫn được nhiều nhà thực hành lựa chọn dù có vẻ là con đường khó khăn hơn.

Các không gian thực hành nhiếp ảnh thủ công ở Việt Nam và khu vực hiện nay

Trong giai đoạn đầu, nhiếp ảnh Việt Nam chủ yếu phát triển theo xu hướng tư liệu ghi lại chân thực cảnh sinh hoạt đời thường của người dân, các khung cảnh chiến tranh và chân dung quan chức thuộc địa hay vua chúa. Dần dần, nghệ sĩ thực hành ngày càng ý thức rõ nét về tính trọng yếu của sáng tác nghệ thuật trong nhiếp ảnh.

Đại diện cho bức tranh toàn cảnh của khu vực, nhiếp ảnh Việt Nam thể hiện xu hướng phát triển chung của nhiếp ảnh Đông Nam Á. Với mật độ dân số đông đúc, đây là vùng đất tập hợp của đa sắc tộc, ngôn ngữ, tín ngưỡng đã nuôi dưỡng một nền văn hóa đa dạng và phong phú. Chính vì vậy, nơi đây tràn đầy tiềm năng sáng tác cho tất cả lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh thủ công. Cùng điểm qua một số không gian thực hành nhiếp ảnh thủ công tiêu biểu của Đông Nam Á hiện nay.

After Dark Room Studio, Singapore

Hình ảnh chụp tại studio của After Dark Room

After Dark Room là studio nhiếp ảnh thủ công thử nghiệm duy nhất tại Singapore. Với mong muốn vượt qua các ranh giới của nhiếp ảnh nói chung và đặc biệt là nhiếp ảnh thủ công để tạo ra các bản in có một không hai từ lúc bấm máy đến khi thao tác trong phòng tối. Studio cũng thường tổ chức các buổi workshop tìm hiểu kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh đen trắng và kỹ thuật in ảnh trong phòng tối.

The DuckRoom, Malays

Một nhóm nhiếp ảnh gia đồng sáng lập The Duckroom vào cuối năm 2019, trở thành một trung tâm, tụ điểm và cộng đồng dành cho những người chụp ảnh phim. The Duckroom là một cách nói lái đi từ phòng tối (darkroom) trong tiếng anh, được trang bị những thiết bị chuyên nghiệp phục vụ quá trình rọi ảnh trong phòng tối. The Duckroom là tập hợp những người đam mê và có sở thích, sự tò mò muốn khám phá những phương thức mới, cũng như mang lại sức sống cho các phương pháp cũ.

Bên cạnh dịch vụ xử lý phim, The Duckroom cung cấp một studio chụp ảnh, khuyến khích các nhiếp ảnh gia đến trải nghiệm toàn bộ quá trình từ bấm máy chụp ảnh đến thao tác xử lý phim trong phòng tối để tăng cảm nhận trong quá trình thực hiện.   

Noirfoto Darkroom Studio-Gallery, Việt Nam

Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery được thành lập năm 2017, tọa lạc tại Thảo Điền, Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành không gian sáng tác, giao lưu và trao đổi kiến thức, cũng như kỹ năng nhiếp ảnh. Noirfoto chú trọng nuôi dưỡng và phát triển các giá trị của nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh thủ công, dưới hình thức một loại hình nghệ thuật, cả về chuyên môn và và khía cạnh xã hội. 

Không gian tại Thảo Điền của Noirfoto vận hành phòng tối chuyên nghiệp mở đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm này. Nơi đây dành cho việc nghiên cứu và đào tạo chuyên nghiệp các kỹ thuật tạo và in ảnh thủ công, trong đó có bao gồm: in bạc gelatine (ảnh đen trắng thủ công), cyanotype, máy ảnh lỗ kim, hiệu ứng sabatier, in nắng trên giấy ảnh đen trắng (lumen print), in muối (salt print)…

Ngoài ra, Noirfoto thường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức các cuộc thi ảnh, cũng như các buổi nói chuyện, bài giảng và hội thảo chuyên sâu về lĩnh vực nhiếp ảnh. Bên cạnh các hoạt động thúc đẩy thực hành và giáo dục, Noirfoto cũng khởi xướng dự án An Exhibition by Noirfoto nhằm tổ chức triển lãm chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật thị giác nói chung và nhiếp ảnh nói riêng. Vừa qua, Noirfoto đã khai mạc thành công triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật – hồi tưởng của nghệ sĩ Tom Hricko: Alternate Existence/s. Đây là một triển lãm rất đặc biệt, trưng bày những tác phẩm nhiếp ảnh được nhiếp ảnh gia sáng tác trong suốt 40 năm sự nghiệp. Triển lãm mở cửa từ 9h – 20h ngày 19/11 – 10/12/2022 tại TOONG, lầu 6-11-14, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3, TP HCM.

Thực hiện: Tố Uyên


Chủ mục Mini series “Nhiếp ảnh thủ công: Thấu kính nghệ thuật độc đáo dẫn tới những thế giới khác” – Tố Uyên (1998), là nhà thiết kế đồ họa tự do, đồng thời là một tín đồ nhiệt thành của nghệ thuật. Cô hiện đang theo học tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab chuyên ngành 2D Design & Motion Graphic. Uyên bắt đầu làm việc với con chữ một cách khá tình cờ khi có cơ hội làm CTV dịch thuật và viết bài cho mục Lịch sử Thiết kế đồ họa của iDesign, cũng như hỗ trợ những sự kiện của Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery.

Cùng tác giả

#Tag

Miniseries Nhiếp ảnh thủ công: Thấu kính nghệ thuật độc đáo dẫn tới những thế giới khác nhiếp ảnh nhiếp ảnh nghệ thuật nhiếp ảnh thẳng thắn Nhiếp ảnh thủ công Tố Uyên

iDesign Must-try

Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Những tấm vải tuyn thanh tao với chuyển động ma mị trên đồng cỏ và dưới những tán cây được ghi lại trong những bức ảnh mới nhất của Thomas…
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
Ngày 30/09/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội sẽ diển ra buổi thảo luận về chủ đề “Haiku thị giác” từ hai…
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Lớn lên trong một cộng đồng biệt lập, nhiếp ảnh gia Brendon Burton đã phát triển khả năng quan sát cách các tòa nhà đổ nát nép mình vào cảnh…
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam và Matca xin hân hạnh giới thiệu triển lãm ảnh “Rạp chiếu phim – Teatros” của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert. Bộ ảnh…
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Lần đầu tiên, sau 10 năm miệt mài theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên…
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Nhiếp ảnh thường được quảng cáo là một trong những phương tiện dân chủ và dễ tiếp cận nhất, khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người…