Tổng quan nghệ thuật Mỹ (Phần 1)

Khái niệm “nghệ thuật Mỹ”, đặc biệt là trong con mắt các nhà học giả lục địa, chỉ toàn bộ nghệ thuật tại Mỹ từ các nền văn hoá bản địa tồn tại trước khi thực dân châu Âu đổ bộ cho tới sau thế chiến II khi xu hướng toàn cầu hoá trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Trong loạt bài ba phần, chúng ta sẽ nhìn tổng quan toàn bộ tiến trình này – từ nước Mỹ với nghệ thuật bản địa và dân gian, đến thời kỳ noi theo văn hoá nghệ thuật châu Âu, và cuối cùng là trở thành cái nôi tiếp theo của nghệ thuật Hiện đại.

Sơ lược về Nghệ thuật Mỹ

Nền lịch sử nghệ thuật phong phú của Hoa Kỳ trải dài từ sớm nhất là các nền văn hoá bản địa cho đến quá trình toàn cầu hoá của nghệ thuật đương đại gần đây. Nhiều thế kỷ trước những khi thực dân châu Âu đầu tiên đặt chân tới châu lục này, người Mỹ bản địa đã chế tác những đồ vật có tính nghi lễ lẫn tiện dụng, phản ánh môi trường tự nhiên và tín ngưỡng của họ. Sau khi người châu Âu cập bến quốc gia này, các nghệ sĩ đi theo những xu hướng về vẽ chân dung và phong cảnh lục địa để sáng tác những tái hiện về một vùng đất mới, nhưng phải đến giữa thế kỷ 19 với Trường phái Sông Hudson, các nghệ sĩ Mỹ mới được nhìn nhận là đã tạo ra một trào lưu riêng có tính liên kết. 

Trong suốt đầu thế kỷ 20, các nghệ sĩ vẫn lấy ý tưởng từ những nhóm châu Âu tiền tiến, nhưng gia tăng sự tập trung vào cư dân của các trung tâm đô thị Mỹ và vùng Trung Tây có có phần nông thôn hơn. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nghệ sĩ đại diện phong trào chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đã gây được tiếng vang quốc tế – lần đầu tiên, ảnh hưởng nghệ thuật Mỹ lan rộng ra khỏi biên giới của quốc gia này, với sự nối tiếp của chủ nghĩa Tối giản và Pop Art cũng có tác động mạnh mẽ đến thế giới nghệ thuật. Sau đó, với nhiều trung tâm nghệ thuật toàn cầu và những kết nối quốc tế, giờ đây khó có thể chỉ ra một xu hướng nghệ thuật Mỹ cụ thể, mặc dù người ta vẫn có thể lập biểu đồ sức ảnh hưởng của những nghệ sĩ Mỹ trong giới nghệ thuật toàn cầu.

Ý tưởng chính và thành tựu

  • Mặc dù ban đầu không được công nhận bởi thực dân châu Âu, những sáng tạo nghệ thuật của các bộ lạc thổ dân Mỹ bản địa là rất đa dạng và được lưu giữ từ lâu đời. Mang rất nhiều những phương tiện và phong cách khác nhau, nghệ thuật của người Mỹ bản địa có các chức năng trang trí, sử dụng, và dùng trong lễ nghi. Kết hợp các phong cách và chất liệu châu Âu vào thế kỷ 19, những nghệ sĩ Mỹ bản địa chuyển hoá các chủ đề và quy trình truyền thống để kể những câu chuyện của họ và tiếp tục làm như vậy cho đến ngày nay.
  • Khi lãnh thổ Hoa Kỳ mở rộng trong suốt thế kỷ 19 do sự sáp nhập đất đai, cả hội hoạ và nhiếp ảnh đã thúc đẩy những ý tưởng của Vận mệnh hiển nhiên (Manifest Destiny) của chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ (American exceptionalism) và những quan niệm lãng mạn về bản sắc dân tộc. Những bức tranh phong cảnh đồ sộ mô tả miền Tây nước Mỹ đã ghi lại sự trác tuyệt của cảnh quan tự nhiên, và trong một số trường hợp, nhiếp ảnh góp phần vào việc tạo ra các công viên quốc gia. 
  • Thông thường, đối với nhiều nhà sử học nghệ thuật, chỉ định “Nghệ thuật Mỹ” chấm dứt vào Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sau khi chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng được thế giới công nhận, thế giới nghệ thuật ngày càng trở nên toàn cầu hoá và lan tỏa với những phong cách và xu hướng được áp dụng khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng nghiên cứu gần đây lại tập trung vào các cuộc đối thoại xuyên quốc gia đang diễn ra và truy tìm nguồn gốc của chúng để đạt được sự am hiểu phong phú hơn về nghệ thuật của Hoa Kỳ.

Nghệ thuật Mỹ (từ sơ khai – 1900)

Nghệ thuật Mỹ bản địa 

Trước khi người châu Âu xâm chiếm Bắc Mỹ, những truyền thống nghệ thuật phong phú và phức tạp đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều bộ lạc bản địa – những người đã phát triển vốn từ vựng hình ảnh mang tính cách điệu cao, sử dụng những hoa văn hình học phức tạp và những hình thức gần như trừu tượng mà vừa gợi lên thế giới tự nhiên, vừa tượng trưng cho các câu chuyện tổ tiên và thần thoại. Các đồ vật thường tiện dụng và đồng thời mang ý nghĩa nghi lễ. Tuy nhiên, những người thực dân mới đến ở miền Đông Hoa Kỳ chủ yếu xem những truyền thống đó chỉ như những món đồ kỳ lạ hoặc đồ thủ công, trong khi khao khát các truyền thống mỹ thuật và giá trị văn hoá của Anh Quốc. Các nghệ sĩ Mỹ bản địa tiếp thu những nguyên vật liệu và kỹ thuật mới do những người thực dân mang đến, bao gồm thêu thùa, xâu chuỗi hạt, và rèn bạc.

Ba người Iroquois trong những bộ trang phục đa dạng (Three Iroquois in Diverse Costumes) (khoảng 1827) của David Cusick tiếp nhận chủ nghĩa Hiện thực châu Âu để khắc hoạ người Mỹ bản địa.

Đồng thời, một số nghệ sĩ bản địa đã phát triển một phong cách châu Âu để khắc họa những chủ đề bản xứ. David Cusick (khoảng 1780 – 1840), một nghệ sĩ người Tuscarora, đã xuất bản cuốn Những phác thảo về lịch sử cổ đại của Lục Quốc (Sketches of Ancient History of the Six Nations) vào năm 1828, và, cùng với người em trai của mình là Dennis (khoảng 1800-1824), một nghệ sĩ vẽ màu nước, thành lập nên Trường phái Hiện thực Iroquois (Iroquois Realism School). Phong trào nghệ thuật đầu tiên của người Mỹ bản địa gồm hơn 25 nghệ sĩ Iroquois dùng tranh vẽ và tranh in để mô tả đức tin, lịch sử, thời trang và lối sống của bộ tộc họ, một cách chân thực.

Edmonia Lewis, người gốc Mississauga Ojibwe và gốc Phi, được quốc tế biết đến với những tác phẩm điêu khắc Tân cổ điển của bà, ví dụ như Cái chết của Cleopatra (The Death of Cleopatra) (1876), được trưng bày tại hội chợ triển lãm Centennial (Centennial Exposition) ở Philadelphia. Vào đầu những năm 1900, nghệ thuật Mỹ bản địa bắt đầu nhận được chú ý từ khắp cả nước và quốc tế. Các nghệ sĩ Kiowa Six, Spencer Asah, James Auchiah, Jack Hokeah, Stephen Mopope, Lois Smoky, và Monroe Tsatoke, được tôn vinh vì những bức vẽ Ledger của họ (lối vẽ tường thuật trên giấy hoặc vải) mà ứng dụng những mảng phẳng có màu rực sợ và đường viển rõ nét. Nhóm đã trưng bày tại Triển lãm nghệ thuật quốc tế đầu tiên (First International Art Exposition) vào năm 1928 ở Prague và Venice Biennale năm 1932. 

Nghệ thuật dân gian

Phần lớn nghệ thuật dân gian của Mỹ mang bản chất thực dụng, như những tác phẩm điêu khắc chủ yếu là bù nhìn cho tàu thuyền, chong chóng gió, và bia mộ chạm khắc, nhưng những bức tranh thêu đóng khung và tranh nhung cũng được làm để trang trí tường. Những hoạ sĩ dân gian người Mỹ đầu tiên được gọi là những limners (TD: hoạ công), từ thuật ngữ limning, có nghĩa là “phác thảo với chi tiết rõ ràng, sắc nét”. Các hoạ công, thường là tự học, đi từ thị trấn này sang thị trấn khác để kiếm sống bằng cách đề nghị vẽ bất cứ thứ gì, từ bảng hiệu cho những thương nhân địa phương đến dụng cụ làm nông và xe ngựa. 

Khi các thuộc địa phản ánh các giá trị văn hoá của Anh vốn xem các bức chân dung là một dấu hiệu của địa vị xã hội, những nhà hoạ chân dung mỹ thuật sinh ra ở Pháp như Henrietta Johnston, người đã di cư đến Charleston, Nam Carolina vào khoảng năm 1705, bị thu hút bởi những thành phố lớn, trong khi những hoạ công khiến việc được vẽ chân dung trở nên khả thi với những người bình thường trong những thị trấn nhỏ. Được phác hoạ và tô màu rực rỡ mà không có dựng hình hay đổ bóng, những bức chân dung nghệ thuật dân gian thường gần gũi, miêu tả người mẫu với một vài đồ vật mang ý nghĩa cá nhân. Bắt đầu sự nghiệp như một hoạ công, Edward Hicks trở nên nổi tiếng với bức Vương quốc bình an (The Peaceable Kingdom) (1829-31), một tác phẩm thể hiện những giá trị Quaker của ông (Quaker là những người thuộc về một nhóm giáo phái theo đạo Tin lành được gọi là Hội tôn giáo Tín hữu) theo một phong cách dân gian năng động. Nghệ thuật dân gian cũng dựa trên những truyền thống của người Mỹ gốc Phi; trong những năm 1880, Harriet Powers, một cựu nô lệ, bắt đầu trưng bày những chiếc chăn bông của mình, mô tả những tường thuật đầy sức mạnh bằng màu sắc mạnh bạo cũng như những hình dạng và hoa văn hình học. 

Vương quốc bình an (1829-31) của Edward Hicks, bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Sơn dầu trên toan
Chăn ghép Kinh thánh (Bible Quilt) (1885-86) của Harriet Powers, một tấm chăn độc đáo minh hoạ những cảnh trong kinh thánh

Kiến trúc Mỹ

Sau Chiến tranh Cách mạng, khi quốc gia còn non trẻ đang xây dựng bản sắc của mình, kiến trúc Mỹ sơ khai đã lấy cảm hứng từ kiến trúc Anh và Tân cổ điển. Phát triển dựa trên công trình và lý thuyết của của kiến trúc sư thời phục hưng ở Venetian, Andrea Palladio, chủ nghĩa Tân cổ điển là phong cách kiến trúc chủ đạo ở châu Âu thế kỷ 18. Thomas Jefferson, vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, cũng là một kiến trúc sư tân tiến, và thiết kế của ông cho Monticello (1772-1809), ngôi nhà của ông ở Virginia, tiêu biểu cho phong cách Tân cổ điển, sử dụng một mái hiên Palladian với bốn cột trụ có màu. Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình, những ý tưởng của ông cũng hình thành các thiết kế của Benjamin Henry Latrobe về toà nhà quốc hội Hoa Kỳ, ra mắt cái được gọi là phong cách Liên bang, được ưa chuộng cho những tòa thị chính.

Ngôi nhà Monticello (tiếng Ý có nghĩa là “ngọn núi nhỏ”) của Thomas Jefferson thiết kế là hiện thân của những lý tưởng Tân cổ điển của một quốc gia mới.

Phát triển vào khoảng năm 1830 trong bối cảnh Tân cổ điển, kiến trúc Beaux-Arts đã bác bỏ hình thức của Tân cổ điển để kết hợp các yếu tố từ kiến trúc Phục Hưng, Baroque và Gothic mạt kỳ. Tại Mỹ, phong cách Beaux-Arts, được dẫn dắt bởi Richard Morris Hunt, được biết đến với tên gọi “Phục hưng Mỹ” hay “chủ nghĩa Cổ điển Mỹ”. Hunt tích cực thúc đẩy phong cách phổ biến này, vốn được sử dụng trong các thiết kế biệt thự tư nhân và các tòa nhà công cộng, bao gồm Điền trang Biltmore (1889-95) được xây dựng cho ông trùm George Vanderbilt. Vào thế kỷ 20, các kiến trúc sư Beaux-Arts của Mỹ trở lại với những thiết kế ít trang trí và cổ điển hơn, điển hình là Tượng đài Lincoln (1914-22) của Henry Bacon và Daniel Chester.

Điền trang Biltmore
Tượng đài Lincoln với bức tượng nức tiếng

Bắt đầu từ năm 1980 và chịu ảnh hưởng bởi phong trào Arts & Crafts của Anh và chủ nghĩa Nhật bản, phong trào Art Nouveau với tầm tác động lớn làm nổi bật các mô-típ hữu cơ, hoa lá, bồng bềnh. Những kiến trúc sư theo trường phái Art Nouveau xem tòa nhà, những không gian bên tron, và các chi tiết của nó như một thể thống nhất. Louis Comfort Tiffany, Louis Sullivan, và Frank Lloyd chịu ảnh hưởng bởi Art Nouveau. Tòa nhà Wainwright (1891) của Sullivan đã sử dụng một bức phù điêu với hoạ tiết trang trí gồm những tán lá cần tây, những mắt cửa mang tính trang trí, và một cửa ra vào cầu kỳ. Những mô-típ kiến trúc như vậy trở nên nổi tiếng đối với các tòa nhà chọc trời và tòa nhà cao tầng, như đã thấy ở Toà nhà Decker (1982) của New York. Sau đó, vào thế kỳ 20, Art Deco được du nhập vào những dự án Công trình Công cộng và các toà nhà mang tính biểu tượng như tòa nhà Chrysler (1930) của William Van Alen.

Phù điêu trang trí của toà nhà Wainwright
Mặt tiền của toà Decker
Tòa nhà Chrysler (1930) phỏng theo kiến trúc Art Deco, tạo ra một phong cách hiện đại, được sắp xếp hợp lý.

Bắt đầu từ năm 1914, Phong cách Quốc tế nhấn mạnh vào việc sử dụng thép, thuỷ tinh và bê tông. Nổi lên sau hậu quả của Chiến tranh Thế giới thứ nhất, và được xem là sự phản ánh thời hiện đại, nó thường được sử dụng làm nhà ở hậu chiến. Kiến trúc sư người Áo Richard Neutra và R.M. Schindler đã giới thiệu phong cách này khi họ chuyển đến Mỹ vào năm 1910 và làm việc với Frank Lloyd Wright. Mặc dù cả hai người đàn ông đã cho ra đời những thoà nhà mang Phong cách Quốc tế đáng chú ý, như Ngôi nhà Lovell Health (1929) của Neutra, thẩm mỹ này đã không thật sự phát triển ở Hoa Kỳ cho đến sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi việc mở rộng kinh doanh dẫn đến sự bùng nổ trong xây dựng các tòa nhà cao chọc trời. 

Ngôi nhà Lovell Health của Richard Neutra trưng bày việc sử dụng thép, thủy tinh và bê tông của Phong cách Quốc tế (International Style)

Những kiến trúc sư hàng đầu thế giới, bao gồm Walter Gropius, Marcel Breuer, và Ludwig Mies van der Rohe, đã đến Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu chiến và trở thành thầy của một thế hệ kiến trúc sư mới ở Mỹ, đồng thời thiết kế những tòa nhà đáng chú ý. Ví dụ, Mies van der Rohe đã xây dựng tòa Seagram (1954-58) ở New York và khuôn viên của Viện Công nghệ Illinois ở Chicago (hoàn thành vào năm 1956). Phong cách Quốc tế, với cửa kính xếp trượt và xây dựng công nghiệp, cũng được sử dụng cho các nhà hàng thức ăn nhanh và trạm xăng khi Mỹ tiến hành xây dựng các tiểu bang mới, kết nối đất nước từ bờ biển này sang bờ biển khác.

Seagram của Ludwig Mies van der Rohe

Bắt đầu từ năm 1950, chủ nghĩa Thô mộc (Brutalism), còn được gọi là Thô mộc mới (New Brutalism), là một phong cách kiến trúc đồ sộ chủ yếu sử dụng bê tông đúc sẵn chưa hoàn chỉnh. Phong cách này trở nên phổ biến với các tòa nhà trong khuôn viên trường đại học, địa điểm nghệ thuật biểu diễn, thư viện, toà nhà chính phủ, và những văn phòng công ty trên khắp Hoa Kỳ. Paul Rudolph là người đầu tiên đề xuất phong cách như đã thấy trong Toà nhà Kiến trúc và Nghệ thuật Yale (1958) của ông. Trước sự hứng thú của người Mỹ dành cho phong cách này, các kiến trúc sư châu Âu cũng áp dụng phong cách này trong những đơn đặt hàng thiết kế lớn; Le Corbusier cùng với Oscar Niemeyer, Wallace Harrison, và Max Abramovitz đã thiết kế Trụ sở Liên Hợp Quốc (1963-68). Marcel Breuer làm việcv với nhiều nhóm kiến trúc sư Mỹ để thiết kế Toà thị chí Boston (1963-68). Toà nhà Breuer (1966) của Breuer và Hamilton Smith, nơi từng là địa điểm của Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney và sau đó là một phần mở rộng của Bảo tàng Metropolitan, cũng là một thiết kế theo trường phái Thô mộc dẫn đầu xu hướng.

Trường phái Hudson River (1826-70)

Trường phái Hudson River, dẫn dắt bởi Thomas Cole, người sinh ra ở Anh nhưng di cư đến Hoa Kỳ năm mười bảy tuổi, là phong trào nghệ thuật đầu tiên được công nhận của Mỹ. Tập trung ở thượng bang New York, lúc đó còn là vùng hoang dã, các nghệ sĩ gắn liền với phong trào đã làm nổi bật vẻ đẹp hùng vĩ và độc đáo của phong cảnh nước Mỹ. Chịu ảnh hưởng bởi khái niệm về cái trác tuyệt của chủ nghĩa Lãng mạn và sự chú trọng của chủ nghĩa Tự nhiên vào chi tiết được quan sát chính xác, các bức phong cảnh của Cole như Thượng thác Kaaterskill (Kaaterskill Upper Fall), Những dãy núi Catskill (Catskill Mountains) (1825) và Hồ Dunlap với những cái cây khô (Dunlap Lake with Dead Trees) (1825) mô tả khung cảnh của Mỹ để gợi lên những khả năng vô hạn của một lãnh thổ mới. 

Hồ Dunlap với những cái cây khô của Thomas Cole – bảo tàng Nghệ thuật Allen Memorial, Oberlin, Ohio, Mỹ. Sơn dầu trên toan

Sau cái chết của Cole năm 1848, Asher B.Durand, chịu ảnh hưởng từ trường phái Barbizon của Pháp, đã dẫn lối hướng đến một hội hoạ theo chủ nghĩa tự nhiên hơn. Những nghệ sĩ Frederic Edwin Church, Albert Bierstadt, John Frederick Kensett, George Inness, và Thomas Moran đã thành lập thế hệ thứ hai. Các tác phẩm của họ trở nên vô cùng nổi tiếng, vì triển lãm chỉ với một bức tranh toàn cảnh có thể thu hút hàng ngàn người xem. 

Bức tranh Giữa vùng Sierra Nevada, California (Among the Sierra Nevada, California) (1868) của Albert Bierstadt là một trong nhiều bức tranh giúp định hình hình ảnh nước Mỹ thế kỷ 19 như một miền đất hứa.

Vào những năm 1960, khi thuyết Vận mệnh hiển nhiên với lời kêu gọi đi về phía Tây trở thành lực lượng thống trị quốc gia, Bierstadt và Moran chuyển sự chú ý của họ sang những bức tranh toàn cảnh về phong cảnh ấn tượng của phương Tây, và, cùng với William Keith và Thomas Hill, đôi khi được gọi là Trường phái Núi Đá (Rocky Mountain School). Các tác phẩm của họ cũng đã truyền cảm hứng và để lại thông tin cho phong trào để bảo tồn các kỳ quan thiên nhiên của Mỹ, bao gồm Công viên Yellowstone và Grand Tetons. Ngoài ra, quy mô và cảm giác gần gũi trong các tác phẩm của George Inness như Thung lũng Delaware (The Delaware Valley) (khoảng 1963), và mô tả ánh sáng phản chiếu trên các vùng nước của John Frederick đã đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển cái sau này được gọi là Luminism. 

 Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Valerie Hellstein biên tập và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Olivia Ha dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê idesign Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tổng quan nghệ thuật Mỹ

iDesign Must-try

Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 - 2024
Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 - 2024
Tổng quan về Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 – 2024 Giới thiệu về Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023-2024 Hanoi Grapevine’s Finest Reviews là cuộc thi viết cảm…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…