Tổng quan về 7 yếu tố thị giác cơ bản trong nghệ thuật và thiết kế

Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật hay một sản phẩm thiết kế, bất cứ người xem nào dường như cũng lập tức có những phản ứng cảm xúc và liên hệ về mặt nội hàm với hình ảnh được xem xét. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều đang bị tác động bởi những yếu tố thị giác vừa tồn tại độc lập vừa kết hợp với nhau trong hình ảnh đó. Người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm nghệ thuật truyền tải câu chuyện của riêng họ và nhà thiết kế truyền thông tạo ra sản phẩm truyền thông thị giác thực hiện công năng truyền thông tin chính xác của nó – khác nhau về mục đích, nhưng công cụ của họ là như nhau: những yếu tố thị giác cơ bản và những công cụ tạo hình. Hiểu về những yếu tố thị giác cơ bản giúp cho người xem “đọc” được một hình ảnh và cách hình ảnh đó tác động tới cảm xúc cũng như suy nghĩ của mình. Đối với nghệ sĩ hay nhà thiết kế, hiểu biết đó là hiểu biết về công cụ mình có, giúp họ có thể hoàn thành một cách hiệu quả nhất mục tiêu cũng như đánh giá được sản phẩm của tác giả khác.

Mini-series 8 phần bao gồm bài tổng quan về 7 yếu tố thị giác và 7 bài đi sâu vào từng yếu tố bước đầu cung cấp cho độc giả kiến thức để phân tích và thưởng thức nghệ thuật và thiết kế ở mặt hình thức của nó.

Jacinta Salvado thủ vai hề (Jacinta Salvado as a Harlequin) (1923) của Pablo Picasso, sơn dầu trên toan

Các yếu tố thị giác cơ bản là nét (line) – hình dạng (shape) – sắc độ (tone) – màu sắc (color) – mô típ lặp/hoạ tiết (pattern) – kết cấu chất liệu (texture) và form (hình khối). Đó là những nền tảng của một bố cục trong nghệ thuật và thiết kế. Khi ta phân tích bất cứ tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, hay thiết kế nào, chúng ta sẽ nghiên cứu từng bộ phận cấu thành này và xem cách chúng kết hợp với nhau để tạo ra hiệu ứng tổng thể của sản phẩm thị giác ra sao.

Các yếu tố thị giác có mối quan hệ với nhau:

  • Hầu hết các hình ảnh bắt nguồn từ những hình vẽ nét (line drawings).
  • Các đường đan xen vào nhau tạo thành hình dạng (shapes).
  • Các hình dạng có thể được lấp đầy bằng sắc độ (tone) và màu sắc (color), hoặc lặp đi lặp lại để tạo ra mô típ lặp/hoạ tiết (pattern).
  • Một hình dạng có thể được kết xuất với một bề mặt không trơn để tạo ra một kết cấu bề mặt (texture).
  • Một hình dạng có thể được phóng chiếu trong không gian ba chiều để tạo thành hình khối (form).

Mỗi yếu tố cũng có thể được sử dụng độc lập để nhấn mạnh vào phẩm chất riêng của chúng trong một tác phẩm.

Các yếu tố khác nhau có thể thể hiện những phẩm chất như chuyển động hoặc nhịp điệu, không gian hoặc chiều sâu, phát triển và cấu trúc, hài hoà và tương phản, ồn ào và tĩnh lặng… và một khoảng rộng các cảm xúc khác nhau mà tạo nên các chủ thể của tác phẩm nghệ thuật vĩ đại hay một sản phẩm thiết kế xuất sắc.

1.Đường nét (Line)

Một nghiên cứu về tượng đài người cưỡi ngựa (A Study for an Equestrian Monument) (1488) của Leonardo da Vinci, chì kim loại trên giấy xanh

Nét là nền tảng của mọi bức phác thảo (drawing). Đó là yếu tố đầu tiên và linh hoạt nhất trong số các yếu tố thị giác của nghệ thuật và thiết kế. Nét có thể được sử dụng theo rất nhiều cách khác nhau. Nó có thể được sử dụng để gợi ra hình dạng, mô típ, hình khối, cấu trúc, độ sâu, sự phát triển, khoảng cách, nhịp điệu, chuyển động, và một loạt các cảm xúc.

Chúng ta có phản ứng tâm lý với các loại đường nét khác nhau như sau:

  • Đường cong tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu.
  • Đường ngang gợi ra khoảng cách và sự bình lặng.
  • Đường dọc gợi ra độ cao và sức mạnh.
  • Đường chéo gợi ra chuyển động và phát triển (thậm chí ra ngoài khung hình).
  • Các đường răng cưa, zích zắc gợi ra bất ổn và lo âu.

Cách chúng ta vẽ các đường có thể truyền tải các chất lượng biểu cảm khác nhau:

  • Các đường vẽ tay tự do thể hiện năng lượng và tâm trạng cá nhân của nghệ sĩ.
  • Các đường cơ học máy móc thể hiện một sự kiểm soát chặt chẽ.
  • Các đường liên tục có thể dẫn mắt đi một vài hướng nhất định.
  • Các đường đứt đoạn thể hiện sự phù du, nhất thời hoặc không bền vững.
  • Các đường dày thể hiện sức mạnh.
  • Các đường mảnh thể hiện sự tinh tế.

2. Hình dạng (Shape)

Cái quạt xanh (The Blue Fan) (1922) của Francis Campbell Boileau Cadell, sơn dầu trên toan

Hình dạng có thể tự nhiên hoặc nhân tạo, bình thường hoặc bất thường, phẳng (2 chiều) hoặc khối (3 chiều), mang tính đại diện hoặc trừu tượng, hình học hoặc hữu cơ, trong suốt hoặc mờ, âm hoặc dương, mang tính trang trí hoặc mang tính biểu tượng, có hoặc không chứa màu, hoạ tiết, hoặc kết cấu chất liệu.

Phối cảnh của hình dạng: Góc độ và đường cong của hình dạng có vẻ thay đổi tuỳ thuộc vào góc nhìn của chúng ta. Kỹ thuật ta sử dụng để mô tả thay đổi này được gọi là vẽ phối cảnh.

Các hành vi của hình dạng: Các hình dạng có thể được sử dụng để kiểm soát cảm xúc trong một bố cục nghệ thuật:

  • Hình vuông và hình chữ nhật có thể được dùng để khắc hoạ sức mạnh và sự ổn định.
  • Hình tròn và hình ê-líp có thể đại diện cho sự chuyển động không ngừng.
  • Hình tam giác có thể hướng mắt đi theo một chuyển động lên trên.
  • Hình tam giác lộn ngược có thể tạo ra một cảm giác về sự mất cân bằng và sự căng thẳng.

3. Sắc độ (Tone)

Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (Girl with the Pearl Earring) (1665) của Johannes Vermeer, sơn dầu trên toan

Sắc độ là mức độ sáng tối của một màu sắc. Giá trị sắc độ của một tác phẩm có thể được điều chỉnh để thay đổi tính chất biểu cảm của nó. Sắc độ có thể được dùng để:

  • Tạo ra độ tương phản giữa sáng và tối.
  • Tạo ra ảo giác về hình khối.
  • Tạo ra một bầu không khí kịch tính hoặc tĩnh lặng.
  • Tạo ra một cảm giác về độ sâukhoảng cách.
  • Tạo ra một nhịp điệu hoặc hoạ tiết trong một bố cục.

4. Màu sắc (Color)

Phong cảnh mùa thu bên những con tàu (Autumn Landscape with Boats) (1908) của Wassily Kandinsky, sơn dầu trên bìa cứng

Màu sắc là yếu tố thị giác tạo ra hiệu ứng mạnh nhất tới cảm xúc của chúng ta. Chúng ta sử dụng màu sắc để tạo ra tâm trạng hay bầu không khí cho một tác phẩm. Có rất nhiều cách tiếp cận đối với việc sử dụng màu sắc, như là:

  • Ánh sáng
  • Sắc độ
  • Mô típ
  • Hình khối
  • Biểu tượng
  • Chuyển động
  • Hài hoà
  • Đối lập
  • Tâm trạng

5. Hoạ tiết (Pattern)

Thành phố trong mơ (Dream City) (1921) của Paul Klee, màu nước và sơn dầu

Hoạ tiết hay mô típ lặp được tạo ra bằng cách lặp lại hoặc vọng lại những yếu tố của một tác phẩm để truyền đi một cảm giác về sự cân bằng, hài hoà, đối lập, nhịp điệu hoặc chuyển động.

Có hai mẫu mô típ chính trong nghệ thuật: tự nhiên và nhân tạo. Cả hai đều có thể thông thường hoặc bất thường, hữu cơ hoặc hình học, mang tính cấu trúc hoặc trang trí, âm hoặc dương và lặp lại hay ngẫu nhiên.

Tự nhiên: Các mô típ trong nghệ thuật thường được dựa vào cảm hứng ta có từ việc quan sát các mô típ tự nhiên tức là tìm thấy được trong tự nhiên. Chúng ta có thể nhìn thấy chúng trong hình dạng của một cái lá hay những cành cây của một cái cây, cấu trúc của một miếng pha lê, vòng xoắn của một vỏ ốc, sự đối xứng của một bông tuyết hay các kiểu mô típ nguỵ trang và truyền tín hiệu của động vật, cá và côn trùng.

Nhân tạo: Mô típ trong nghệ thuật được dùng cho cả mục đích cấu trúc và trang trí. Ví dụ, một nghệ sĩ hay nhà thiết kế có thể đặt nền tảng cấu trúc của một tác phẩm bằng một mô típ được bố cục bằng các đường nét và hình dạng. Nội trong toàn bộ tác phẩm ấy, cô ấy hay anh ấy có thể phát triển các yếu tố thị giác của nó bằng cách tạo ra một mô típ mang tính trang trí cao hơn của màu sắc, sắc độ, và kết cấu bề mặt chạy khắp tác phẩm.

6. Kết cấu chất liệu (Texture)

Chi tiết của Bó hoa trong một cái vạc (Bouquet of Flowers in an Urn) (1724) của Jan van Huysum, sơn dầu trên toan

Kết cấu bề mặt chất liệu được thể hiện qua chất lượng bề mặt của một tác phẩm – từ thô ráp đến mịn màng của chất liệu mà nó được làm. Chúng ta sẽ trải nghiệm điều này bằng hai cách: quang học (qua mắt nhìn) và vật lý (qua sờ chạm trực tiếp).

Kết cấu quang học: Một nghệ sĩ có thể sử dụng kỹ thuật vẽ điêu luyện của mình để tạo ra ảo giác về kết cấu bề mặt chất liệu. Ví dụ, trong chi tiết của một bức tĩnh vật truyền thống của Hà Lan thấy ở hình ảnh minh hoạ phía trên, chúng ta có thể thấy được sự giống y như thật đáng chú ý từ những con côn trùng và giọt nước đọng trên bề mặt mượt như lụa của những cánh hoa.

Kết cấu vật lý: Một nghệ sĩ có thể sử dụng cọ pháp biểu cảm để tạo ra những kết cấu bề mặt truyền tải năng lượng của vật liệu và xúc cảm của cả người nghệ sĩ lẫn đối tượng của tác phẩm. Họ có thể sử dụng kết cấu tự nhiên của vật liệu để gợi ra những chất lượng độc đáo riêng của chúng như là vân của gỗ, độ sạn của hạt cát, sự bong tróc của bề mặt gỉ sét, sự thô ráp của vải, và vết của màu sơn từ cọ.

Kết cấu không bền vững: Có một loại kết cấu thứ ba mà có hình khối phù du có thể thay đổi như mây, khói, lửa, bong bóng, và chất lỏng.

7. Hình khối (Form)

Tindaro Screpolato (Tyndareus nứt vỡ) (Tindaro Screpolato (Tyndareus Cracked)) (1998) của Igor Mitoraj, đồng

Hình khối là thể tích vật lý của một hình dạng và không gian mà nó chiếm. 

  • Khối có thể mang tính đại diện hoặc trừu tượng.
  • Khối thường liên hệ tới điêu khắc, thiết kế 3D và kiến trúc nhưng cũng có thể liên quan tới ảo ảnh 3D trên một bề mặt 2D.

Hình khối ba chiều có thể được tạo dựng bằng cách nặn (modelled/added form), khắc (subtracted form), và xây dựng (built from). Nó có thể được tạo ra từ những vật liệu mang tính điêu khắc như đất sét, sáp, thạch cao, gỗ, đá, bê tông và kim loại, nhựa, resin, thuỷ tinh, và đa chất liệu. Nó cũng có thể chuyển động (kinetic), bao gồm ánh sáng và chuyển động được tạo ra bởi các phương tiện thiên nhiên, cơ khí, và điện tử. Gần đây nhất, quy trình in 3D CAD đã được thêm vào danh sách những phương pháp điêu khắc.

Hình khối hai chiều xây dựng nên ảo giác về 3D trong phương tiện 2D bằng cách thao túng các yếu tố thị giác một cách khéo léo. Vẽ phối cảnh, đánh lừa thị giác (trompe l’oeil), các chương trình đồ hoạ máy tính và ảnh nổi (hologram) 3D là ví dụ của hình khối 2D.

Dịch và Biên tập: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Miniseries 7 yếu tố thị giác căn bản trong nghệ thuật và thiết kế

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…