TRE Typeface: ‘Mình cảm thấy hình ảnh cây tre có đủ chiều sâu và nhiều thứ để khai thác’

Hình ảnh cây tre từ lâu đã hiện hữu và gắn bó trong tâm thức của người Việt. Ở những thế hệ trước, tre xuất hiện nhiều qua những vần thơ, câu hát, để mỗi người nghe tự mường tượng cho mình một hình ảnh biểu trưng riêng. Ở thời điểm hiện tại, tre xuất hiện thêm ở những hình thái tiếp cận thị giác khác, mang tính cá nhân hóa hơn và có vẽ rõ ràng cụ thể hơn, trong đó “TRE typeface” là một minh chứng cụ thể.

“TRE Typeface” là đồ án tốt nghiệp lấy cảm hứng từ hình ảnh cây tre, do Trần Đức Thắng, sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn thực hiện. Hiện tại, Thắng đang là một Graphic Design/Social media và định hướng tương lai sẽ theo đuổi 3D Modeling.

Với Thắng, cây tre là một trong những biểu tượng của lịch sử Việt Nam, đây cũng chính là lý do font chữ ra đời, nhằm tôn vinh hình ảnh cây tre đã trải qua bao thăng trầm cùng người Việt Nam, từ thuở chiến tranh đến ngày hòa bình.

Liệu rằng chất liệu “tre” có dễ dàng để khai thác? Cùng chúng mình trò chuyện với Thắng để xem bạn ấy đã nhào nặn chất liệu này như thế nào nhé!

Chào Thắng! Ý tưởng về cây tre Việt Nam đã len lỏi vào những thiết kế typeface của bạn như thế nào?

Lúc vừa bắt đầu thực hiện đồ án thì mình cũng chưa biết sẽ chọn hình ảnh cây tre làm cảm hứng. Lần đầu làm về phông chữ và cũng là đồ án lớn nên mình cũng phải mất một ít thời gian để tìm hiểu. Sau đó, mình được thầy hướng dẫn gợi ý về một vài ý tưởng và sau khi tìm hiểu thêm thì thấy phông chữ về tre rất ít người làm, nếu có thì cũng chưa được chỉn chu lắm (theo góc nhìn của mình). Bên cạnh đó, hình ảnh cây tre cũng đã gắn liền với lịch sử lâu đời của Việt Nam ta nên mình cảm thấy hình ảnh này có đủ chiều sâu và nhiều thứ để khai thác.

Vì sao bạn chọn thể loại typeface (kiểu chữ) để làm đồ án tốt nghiệp?

Thật ra trước khi chọn thể loại typeface thì mình khá thích về thiết kế bao bì. Lúc đó, mình định làm bao bì về nhân sâm của Việt Nam nhưng tìm hiểu thì thấy chi phí khá cao nên mình mới đổi hướng. Đồ án trước mình cũng có làm một label (tem nhãn) cho bìa sách, rồi tự tạo ra một typeface mới từ một font có sẵn, sau đó cũng nhận được lời khen nên lấy động lực từ đó. 

Mình cũng nhận thấy ít người trong trường làm về typeface, nên tỉ lệ bị so sánh bài có thể sẽ ít căng thẳng hơn. Ngoài ra thì mình cũng muốn làm một bộ chữ mang nét đặc trưng của Việt Nam, vì trong lúc tìm hiểu về typeface mình đã xem một số mẫu typeface đậm chất Việt Nam do chính người Việt mình tạo ra như của anh Đỗ Trọng Đạt, nên mình cũng muốn làm ra một phông chữ mang dấu ấn của riêng mình, mang cả nét đẹp của văn hóa Việt.

Quá trình research (nghiên cứu) đã diễn ra như thế nào? Bạn đã làm gì để phân loại những kết quả tìm kiếm và tạo ra một hệ thống nội dung phù hợp – có trật tự cho đồ án “TRE Typeface”?

Quá trình research của mình sẽ chia làm hai phần. Thứ nhất là tìm kiếm cảm hứng về cây tre qua những hình ảnh, bài viết về tre. Thứ hai là tìm kiếm tài liệu về phông chữ tre của những designer khác đã làm, cùng với một số phông chữ tạo cảm hứng khác. Mình sẽ gom tất cả lại trong một folder và bắt đầu chia nhỏ ra để phân tích. Vì mình cũng chưa từng dùng qua phần mềm thiết kế font nên cũng phải tự lên mạng tìm hiểu phần mềm nào thích hợp và mò mẫm từ từ để có thể chuyển thiết kế chữ sang dạng chữ đánh máy được. 

Về những hình ảnh, bài viết về tre, mình đọc để tìm ra cảm hứng dẫn chứng từ đâu mà Tre typeface được hình thành, vì với mình, mọi thứ khi được giới thiệu nếu có một câu chuyện, một quá trình thì sẽ hấp dẫn người khác hơn. 

Về phần tài liệu phông chữ, mình sẽ phân tích những phông chữ tre khác để tìm ra cái đẹp và cái chưa đẹp của những phông chữ đó và rút kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra, mình sẽ xem thêm một số typeface khác để tìm những đường nét mà các nhà thiết kế khác đã dùng để ứng dụng vào typeface của mình. Mình cũng tìm hiểu về cấu tạo cơ bản của một con chữ và cách đưa thiết kế vào phần mềm để xuất ra được sản phẩm cuối cùng là một bộ font hoàn chỉnh.

Vì sao bạn thiết lập 4 họ phông cho bộ typeface của “TRE Typeface”? Mảnh Khảnh, Tầm Thước, Vạm Vỡ, Truyền Thống đại diện cho những đặc điểm nổi bật nào mà nó đại diện?

Lý do có 4 cái tên họ phông này là do mình nghĩ khi tạo một phông mang nét đặc trưng văn hóa Việt thì cũng nên có một tên gọi nghe Việt Nam một chút, tạo điều khác lạ để thu hút thầy cô và mọi người hơn. 

“Mảnh Khảnh, Tầm Thước, Vạm Vỡ là đại diện tiếng Việt cho Thin, Regular, Bold trong tiếng Anh, mình chọn 4 cái tên đó để mang một chút gì đó thuần Việt trong bộ chữ của mình. Còn ‘Truyền Thống’ là đại diện cho font đặc biệt của bộ font TRE, thêm một số chi tiết khác ví dụ như lá tre cách điệu để tạo điểm nhấn cho bộ font.”

Trần Đức Thắng

Chất liệu mà bạn sử dụng cho bộ typeface của mình, mà cụ thể là cây tre có dễ dàng để khai thác? Bạn có gặp khó khăn nào trong quá trình lột tả chất liệu này không?

Tất nhiên là làm một thứ gì đó mới mà mình chưa từng làm trước đây thì sẽ không hề dễ dàng rồi. Với chất liệu tre khi đưa vào phông chữ thì sẽ có những đường nét thẳng và cứng nhắc. Nếu dùng cho một số chữ như B, C,D,… những chữ có nét cong thì sẽ rất khó để diễn đạt một cách mềm mại và hợp lý nhất. Mình đã tốn khá nhiều thời gian để đưa các nét dọc ngang của bộ chữ vào một hệ thống nhất mà mình cho là ổn nhất.

Phần minh họa bằng hình ảnh cũng đã góp phần không nhỏ tạo ra hiệu ứng thị giác bắt mắt của dự án “TRE Typeface”. Bạn đã sử dụng các chất liệu hình ảnh như thế nào để thể hiện sâu sát nhất ý tưởng mà bạn muốn truyền tải?

Phần minh họa cho dự án “TRE Typeface” này mình đã dùng hình ảnh chữ 3D kết hợp với 2D vẽ tay. Mình cũng là người khá thích về 3D, vì theo mình nó thể hiện được chiều sâu và thực thế nhất, cùng với đó là vẽ tay minh họa (Thực ra mình vẽ minh họa cũng không tốt lắm, cũng phải xem rất nhiều các sản phẩm của các bạn, anh chị đi trước để tạo ra được cảm hứng và nét vẽ cho bản thân).

Khi kết hợp hai điều này thì hình ảnh con người minh họa cùng với phần chữ 3D mang nét đặc trưng của cây tre sẽ luôn hiện hữu song song với nhau, thể hiện qua 3 poster tượng trưng cho hình ảnh cây tre Việt Nam luôn gắn liền với người Việt từ xưa đến nay qua bao thăng trầm (Tre gắn liền với tuổi thơ – Tre giúp ta chống lại quân thù – Tre ở hiện tại vẫn đóng góp một giá trị văn hóa không hề nhỏ). Chữ mang hình ảnh cây tre thì không có gì đặc biệt, nhưng khi đưa một câu chuyện liên quan đến tre vào bộ chữ để truyền tải thì mọi người sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn.

Phần Typography trong dự án cũng được bạn chăm chút rất kỹ lưỡng. Là một graphic design, bạn quan niệm như thế nào về tầm quan trọng giữa việc kết hợp phần hình và phần chữ trong một thiết kế?

Theo mình thì trong thiết kế phần hình và phần chữ không thể thiếu được, hai thứ này sẽ luôn bổ trợ cho nhau. Quan trọng là chúng ta sử dụng hình ảnh và chữ một cách hợp lý và có tính toán sẽ tạo được một thiết kế đẹp mà không bị vô nghĩa.

Ngoài hình ảnh, câu chuyện dường như là phần khiến Thắng quan tâm không kém trong đồ án tốt nghiệp của mình? Bạn đã chọn lọc các câu chuyện để mang vào dự án của mình như thế nào?

Nếu một dự án, một đề tài có câu chuyện đại diện thì sẽ dễ thu hút được người khác hơn. Mình chọn lọc câu chuyện để đưa vào dự án, thể hiện qua 3 poster là một phần theo góc nhìn của mình, qua những thông tin mình đã được học và tìm hiểu. May mắn là tuổi thơ của mình cũng đã gắn liền với cây tre, mà cụ thể là qua những món đồ chơi từ tre mà mình đã từng có và thấy được. Cây tre cũng xuất hiện trong sách và các bài thơ, bài hát liên quan đến lịch sử hào hùng cha ông ta. Trải qua bao năm tháng ấy, hình ảnh cây tre vẫn luôn giữ được giá trị văn hóa của mình. Hiện tại, qua các hình ảnh, thông tin mình tìm hiểu được là có những show diễn xiếc tre mang giá trị văn hóa nghệ thuật rất cao.

Ở thời điểm hiện tại, bạn nhận thấy đồ án của mình có điểm gì cần được cải thiện thêm không? Vì sao?

Theo mình thì bộ “TRE Typeface” này vẫn cần được cải thiện thêm về hình thức độ dày chữ, spacing, kerning và một số điểm khác. Vì mình chỉ có 2 tháng để hoàn thành bộ chữ và đồ án nên dự án sẽ có một số lỗi. Kiến thức về typography của mình cũng tay ngang nên sẽ chưa thể nào tạo ra một bộ Font hoàn chỉnh nhất được.

Thắng có kế hoạch gì cho dự án “TRE Typeface” trong thời gian sắp tới không?

Hiện tại thì mình đang khá bận với công việc nên chắc sẽ không thể hoàn thành bộ “TRE Typeface” này một cách chỉn chu nhất, nhưng tương lai gần chắc hẳn mình sẽ hoàn thành bộ Font và chia sẻ tới mọi người yêu thích bộ font này của mình.

Bạn có thể chia sẻ một chút với các độc giả của iDesign về dự án hoặc kế hoạch trong tương lai của bạn?

Hiện tại mình thấy mình còn khá “non” trong nghề nên trong tương lai mình vẫn sẽ cố gắng trau dồi thêm kiến thức và tìm những hướng đi mang cảm hứng cho mình thôi. Còn kế hoạch tương lai thì chắc mình sẽ chuyển hướng sang tìm hiểu 3D chuyên sâu, vì mình đang có cảm hứng với nó và 3D hiện cũng là mảng thiết kế khá hot. Hãy chờ những sản phẩm tiếp theo của mình nhé! Cảm ơn các bạn đã xem, cảm ơn iDesign đã quan tâm và tạo cơ hội cho mình chia sẻ về đồ án này đến với mọi người.

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

may TRE Typeface typeface typography

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…