Trò chuyện với founder Traqué về ‘sáng tạo bền vững’: Sáng tạo và thủ công là khi nhìn vào mẹ

Hẹn gặp chị Yến Nguyễn – sáng lập của studio thiết kế chuyên về sáng tạo bền vững Traqué vào một sáng Sài Gòn mát mẻ, chúng tôi có buổi trò chuyện không quá dài nhưng thật sự nhiều gợi mở, từ một khởi đầu, mà theo chị mô tả là nghe có vẻ “lãng mạn”, về việc tạo kế sinh nhai bền vững cho người địa phương cho đến những khó khăn rất thực về sản phẩm thủ công bền vững.

Trong suốt những năm làm nghề, chị đã cống hiến hết mình cho hệ sinh thái thủ công và sáng tạo của Việt Nam, tham gia các buổi diễn thuyết để truyền động lực xoay quanh các vấn đề đổi mới, sáng tạo, thiết kế, xây dựng thương hiệu và truyền thông. Chị yêu thích làm việc và cộng tác với nghệ sĩ, nhà thiết kế và nhà sản xuất địa phương để giúp quảng bá thương hiệu địa phương ra thế giới.

1. Traqué là một thương hiệu với những nỗ lực để cống hiến cho hệ sinh thái sáng tạo và thủ công ở Việt Nam. Vậy cơ duyên và động lực nào đã khiến chị tạo lập Traqué?

Năm 2008, có một chương trình của Bộ chính trị là “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, chị được lãnh đạo dự án đó, mang hàng Việt về nông thôn. Chị làm được 4 năm, thấy hàng Việt chính hãng tốt lên, người dân biết được là có hàng tốt và chất lượng. Chị nghĩ trải nghiệm của chị nên dừng ở đây. Và bởi vì chị thấy có một vòng lặp:

Những người ở nông thôn, họ trồng cây, đánh bắt cá. Còn những người con của họ thì rời khỏi, có thể không quay lại, đi làm gửi tiền về. Và họ lấy tiền đó cộng tiền tự làm ra của mình để mua hàng công nghệ phẩm (mì gói, nước mắm…). Đó là vòng lặp cũ của những người rời xa quê mưu sinh do không tạo được sinh kế địa phương để quay về. Chị nghĩ vòng lặp đó hơi sai và muốn thử tìm cách kết nối thị trường với những người địa phương để họ vẫn có sinh kế, vẫn khởi nghiệp bằng tài nguyên bản địa được. Chị lập công ty, lấy sản phẩm thủ công của người địa phương để làm thương mại, tạo sinh kế.

2. Tình yêu thủ công của chị đến từ đâu?

Mẹ chị là thợ may, chị nhớ hồi mười mấy tuổi mẹ hay trả tiền cho chị để đính nút, vắt lai cho khách. Đến chiều ngày 30 Tết vẫn phải đi giao đồ. Chị tự hỏi sao cứ phải làm hoài, chị đau đầu, đau lưng, chị làm không nổi, có trả tiền cũng không chịu làm.

Thế nhưng lại có một nhóm thao tác thủ công đầy đam mê, thông minh, thậm chí là rất thông thái nữa. Chị thấy mẹ chị là người thông thái nhất mà chị từng biết về quản trị. Quản trị mười mấy người thợ, những chuyền, những nhóm thợ thủ công tiếp theo. Sao mà quản lý được như vậy, mà còn có thể mua nhà, được rất nhiều khách thương. Chị thấy mẹ quản lý rất chuyên nghiệp, rất sáng tạo. Hồi đó không gọi là sáng tạo vì mẹ chị nói mình không biết tạo mẫu. Nhưng mà việc xây dựng 1 cái khung làm việc cho tất cả mọi người, vận hành trơn tru đã là sáng tạo rồi! Và thủ công chắc chắn là một phần của sáng tạo bền vững.

3. Phát triển bền vững với chị là gì?

Phát triển bền vững là một chiến dịch lớn của Liên hợp quốc trong tất cả các ngành và lĩnh vực với tận 17 mục tiêu phát triển bền vững. Chị nghĩ đi theo định hướng này sẽ có sự tiến triển cho xã hội và môi trường mình đang sống.

Giá trị sẽ xoay vòng để cuối cùng giúp con người phát triển, giúp thế hệ tiếp theo phát triển và thế hệ bây giờ không xài lấn vào những gì của tương lai thì đó là bền vững. Chị rất thích triết lý phát triển bền vững của cô Vũ Kim Hạnh (GĐ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA) là “Quan niệm ‘phát triển bền vững’ được mong muốn thay thế hoàn toàn cho quan niệm phát triển truyền thống (phát triển kinh tế bằng mọi giá không quan tâm đến môi trường) khi nó nhấn mạnh đến khả năng đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo.”

4. Bền vững không có một công thức cố định, có những kết quả hoặc hậu quả phát sinh bởi giải pháp của mình thì sao?

Mình có câu YOLO mà, mình phải thử thôi. Nếu mà có vấn đề thì mình sửa, hoặc có người cùng nhau tham gia để sửa. Chị nghĩ là vậy. Chứ từ đầu nghĩ mình sẽ tạo ra nhiều lỗi thì thôi mình đừng làm, còn không thì mình sửa tiếp. Nhưng mà phải thấu hiểu trước. Bền vững thì phải đi từ bên trong, phải biết mình đang ở mức độ nào, đừng có ráng nếu không mình sẽ bị đuối, tự nhiên mọi thứ nó sẽ sắp xếp ổn.

5. Sáng tạo bền vững là gì? Tại sao chị lại chọn phát triển sáng tạo bền vững làm kim chỉ nam cho thương hiệu Traqué?

Chị nghĩ sáng tạo bền vững là mình biết là đủ, là vừa phải. Chọn sáng tạo bền vững là mình kể những câu chuyện từ việc thấu hiểu sản phẩm, thấu hiểu người dùng. Họ có cần sản phẩm đó không? Nó nên ở chừng mực nào? Thiết kế cần phải hiểu được sản phẩm và chỉ nên truyền tải đúng mức mà không làm quá.

Khi chọn làm một studio thiết kế theo hướng phát triển bền vững là chị chọn quay lại cách nhìn của chúng ta về sáng tạo, cách chúng ta đã sử dụng sáng tạo để điều hướng người dùng như thế nào. Tận dụng thiết kế để kể một câu chuyện rất hay về sản phẩm bằng cách nào đó cũng sẽ thao túng được hành vi của người mua. Nếu mà mình hiểu rõ được quyền năng của sáng tạo mình sẽ điều hướng được thị trường.

Đỉnh cao của sáng tạo là cải tiến. Chị thường yêu cầu các bạn thiết kế khi nhìn vào sản phẩm phải tìm được tính kế thừa của thương hiệu, đặc biệt với những đội ngũ doanh nghiệp lớn hay thương hiệu đã trường tồn. Người đi sau phải nắm được cái thần của thương hiệu chứ không phải thấy xấu rồi làm lại hoàn toàn mới. Để kế thừa được bạn phải bắt chước, phải nắm được cái thần của nó, rồi sau đó tái sáng tạo lại một phiên bản mới.

6. Vậy thủ công đóng vai trò như thế nào với định hướng phát triển bền vững của thương hiệu Traqué?

Thủ công là khi mình nhận diện được trong một chuỗi giá trị từ “không có gì cả” đến một sản phẩm trên tay người tiêu dùng, con người tham gia vào phần nào trong đó. Đôi khi mình chỉ thấy được marketing, người bán hàng, còn muốn hiểu được tính nhịp điệu của dây chuyền sản xuất thì chúng ta phải có mẫu. Chính những người thủ công tạo ra cái khuôn mình để nhân rộng và làm thủ công mới biết được có bao nhiêu được nỗ lực bên trong đó.

Chị chọn theo đuổi thủ công nhưng mà nó phải bền vững, tức là phải tạo ra năng lượng, giá trị tiếp theo, có đội ngũ kế thừa, nhân rộng được, phải có thu nhập tái đầu tư cho nhóm này và đội ngũ của mình. Chứ không phải làm thủ công là chỉ mãi làm thủ công hoài.

Mình tối ưu được hành động thủ công bằng cách quan sát xem đoạn nào tốn nhiều giờ, nhiều thời gian thì suy nghĩ làm sao để cắt bớt. Còn để tối ưu được mô hình kinh doanh thủ công thì chính chị là người chăm sóc khách hàng, giá sẽ cao hơn, phân luồng lại mô hình kinh doanh để cân bằng mô hình. Chuyện này không khó.

7. Thủ công gây bất lợi về giá, vậy đây có phải là điểm yếu của Traqué?

Nó chỉ là điểm hơi bất lợi chứ không phải là cái yếu thế, vì mình đang làm một điều khá đẹp đẽ. Chị muốn thay đổi được hành vi của người mua, khi người ta tiếp nhận đồ thủ công bền vững và hiểu. Trước mắt là hiểu, có thể không chọn.

Chị đã gặp nhiều khách, vì giá cao nên họ giới thiệu người khác có khả năng hơn. Nên nếu chị giữ tiêu chí của mình thì tuy bất lợi về giá nhưng vẫn có lợi thế về việc “rèn giũa” cho thị trường. Nếu mình chọn phân khúc thấp hơn là những người tiêu dùng nhanh thì họ sẽ không nỗ lực để thay đổi chính hành vi của mình. Có thể món này hơi nhiều tiền, phải mất 3 – 4 ngày để suy nghĩ chọn hay không, nhưng sau khi suy nghĩ xong thì khái niệm về bền vững đã bắt đầu “dính” trong đầu. Họ bắt đầu thay đổi hành vi từ từ, tới lúc quyết định mua sản phẩm bền vững thì họ cũng cảm thấy tự hào và truyền cho những người khác.

8. Tương lai sáng sủa nào cho phát triển sáng tạo thủ công bền vững ở Việt Nam?

Câu này chị đã suy nghĩ nhiều lắm rồi! Traqué giống như là một thử nghiệm của chị, kinh doanh là kinh doanh nhưng khi nhìn thấy dự án có doanh thu, có tương tác hành vi thì mình lắng nghe thị trường. Ở Việt Nam dự án phát triển theo hướng bền vững vẫn còn đang rất co cụm. Không phải lỗi ở người làm, không phải lỗi của người giàu chịu ủng hộ, mà mình hoàn toàn có thể kết nối sản phẩm làm ra với thị hiếu của thị trường. Và lực lượng ở giữa là nhóm sáng tạo, kinh doanh phải móc nối, thương mại để cùng tạo ra một sản phẩm phù hợp.

9. Chị nghĩ sao và có gì muốn nói với các bạn trẻ yêu thích công việc thủ công?

Chuyện mình thích làm thủ công không phải là chuyện gì đó xấu. Đối với một số người, họ muốn con mình làm những cái gì rất là to lớn, chứ tại sao mà đi khâu sổ hay in lụa. Có những cái là thú vui, sở thích nhưng có cái là nghề, người ta lựa sở thích làm nghề. Đối với những bạn thích là thủ công thì chị thấy tốt, nếu món đó mua được, bán được chị sẽ tham gia vào chuỗi đó để các ban xoay vòng. Nếu không ủng hộ thì các bạn đâu có nguồn vốn để có thể làm tiếp, có thể sáng tạo tiếp.

iDesign cảm ơn chị đã cùng trò chuyện, tâm tình về sứ mệnh đẹp đẽ mà chị đang theo đuổi. Chúc chị mãi vững tin và hạnh phúc nhiều hơn trên con đường tạo dựng những giá trị nhân bản, mở rộng hơn nữa trường tác động tích cực về phát triển và sáng tạo bền vững trong tương lai đến với cộng đồng.

Bài viết: Y.ink
Thiết kế: Uyên Nguyễn

Cùng tác giả

#Tag

iD interview idesign signature phát triển bền vững traqué studio Yến Nguyễn

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
“Lumina Dice Poker là thành phẩm được đúc kết sau 2 năm thử nghiệm với 20 công thức màu resin, hơn 20 mẫu phôi và rất nhiều bộ khuôn.” Theo…
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Bát Tràng Museum là bảo tàng tư nhân đầu tiên được chính phủ cho phép trong làng Bát Tràng, do Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Đức Thắng sáng lập.…