Trường phái vị lai là gì?

“Từ đỉnh cao của thế giới, chúng ta ném sự thách thức của mình đến các vì sao!” là câu kết vang dội đầy quyền lực trong cuốn “Sự hình thành và tuyên ngôn của phái vị lai” của Marinetti.

Quyết liệt, tràn đầy năng lượng và hiếu chiến, những người theo trường phái vị lai (Futurism) đã chủ động dấn thân vào lịch sử năm 1909 cùng với sự xuất bản của cuốn “Sự hình thành và tuyên ngôn của trường phái vị lai“, sáng tác bởi nhà thơ Ý Filippo Tommaso Marinetti trên trang đầu tờ báo Pháp – Le Figaro. Marinetti đã dùng bản tuyên ngôn này để tôn vinh sự hiện đại, tốc độ, bạo lực, chiến tranh và máy móc thiết bị.

Trong một vài năm, Marinetti và những người theo ông đã truyền bá phong trào này thông qua các bản tuyên truyền liên quan đến hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh, thơ, thời trang, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, khiêu vũ, thiết kế kiểu chữ và thiết kế nội thất. Trường phái vị lai sau đó đã sớm sản sinh ra các phe phái quan trọng ở Nga và Anh Quốc.

1. Nguồn gốc của trường phái Vị lai

Năm 1908, vì tránh một người đi xe đạp mà Marinetti và chiếc xe của mình đã bị lật xuống một con mương. Mặc dù chiếc xe bị hư hoàn toàn nhưng trải nghiệm đầy lạ thường này đã trở thành câu chuyện về nguồn gốc bản tuyên ngôn của ông – đưa chiếc xe đạp cũ vào chiếc xe cơ giới hiện đại – phép ẩn dụ phù hợp để diễn tả một phong trào chinh phục nỗi luyến tiếc từ quá khứ và truyền thống. “Từ đỉnh cao của thế giới, chúng ta ném sự thách thức của mình đến các vì sao!” là câu kết vang dội đầy quyền lực trong cuốn “Sự hình thành và tuyên ngôn của phái vị lai” của Marinetti.

idesign chu nghia vi lai la gi 01
Luigi Russolo và trợ lý của ông, Ugo Piatti, trong phòng thu với intonarumori (máy gây tiếng ồn) tại Milan, 1914-1915 “Mashup: Sự ra đời của nền văn hoá hiện đại” tại phòng trưng bày nghệ thuật Vancouver

Vào tháng 1 năm 1910, các nghệ sĩ trẻ Umberto Boccioni, Carlo CarràLuigi Russolo đã đến với Marinetti để tham gia vào phong trào vừa mới manh nha hình thành, mang theo mình một ý nghĩ rằng trường phái vị lai của nhà thơ người Ý có thể phát triển xa hơn các mục tiêu văn chương trước đó. Bộ ba này đã soạn thảo “Tuyên bố của những họa sĩ phái vị lai” (với sự chỉnh sửa của của Marinetti) và gửi nó cho các đồng nghiệp của họ là Gino Severini và Giacomo Balla ký kết, từ đó đánh dấu cột mốc cho một nhóm nghệ sĩ cốt lõi – những người đầu tiên đưa ra một hình thức trực quan cho trường phái vị lai.

Những người trẻ tuổi theo trường phái vị lai đều là những người giỏi giang và có kinh nghiệm với những khám phá tiên tiến nhất về khoa học và triết học, có hứng thú đặc biệt với kỹ thuật hàng không cũng như những tiến bộ trong ngành điện ảnh thuở sơ khai. Các công trình như “Piazza del Duomo” của Carrà (1909-1910) và bức tranh của Boccioni “The City Rises” (1910) nhằm mục đính khám phá những phong cách chuyển động và thay đổi, thể hiện sự say sưa của họ đối với tương lai và những đổi mới có thể đưa họ đến tương lai đó.

Kết quả hình ảnh cho "Piazza del Duomo Carra
“Piazza del Duomo” của Carrà

Kết quả hình ảnh cho Boccioni "The City Rises"
“The City Rises” của Boccioni

2. Các nhà lãnh đạo của trường phái vị lai

idesign chu nghia vi lai la gi 02

Filippo Tommaso Marinetti (1876 – 1944)

idesign chu nghia vi lai la gi 03

Umberto Boccioni (1882 – 1916)

idesign chu nghia vi lai la gi 04

Luigi Russolo (1885 – 1947)

idesign chu nghia vi lai la gi 05

Gino Severini (1883 – 1966)

idesign chu nghia vi lai la gi 06

Giacomo Balla (1871 – 1958)

idesign chu nghia vi lai la gi 07

Carlo Carrà (1881 – 1966)

idesign chu nghia vi lai la gi 08

Benedetta (Cappa) (1897 – 1977)

Năm 1912, khi các họa sĩ phái vị lai đến Paris để tham gia trưng bày các tác phẩm hội họa, họ gặp gỡ các họa sĩ theo trường phái lập thể Pháp, từ đó học cách áp dụng những bài học từ những họa sĩ người Pháp này theo cách riêng của họ. Đối với Boccioni, hình học phân mảnh của Pablo Picasso và Georges Braque và “pasage” – một kỹ thuật sử dụng mặt tiếp xúc phẳng và nhỏ của cây cọ vải của Paul Cézanne – một họa sĩ theo trường phái hậu ấn tượng, đã trở thành những nguyên liệu cho sức tưởng tượng của ông khi vẽ tranh. “Dynamism of a Soccer Player” (Sự năng động của một cầu thủ bóng đá) (1913), được vẽ sau khi họa sĩ trở lại Milan đã cho thấy những nét góc cạnh và phân mảnh, điều mà không hề xuất hiện trong những tác phẩm trước đó. Bức vẽ còn mang tính trừu tượng sâu sắc khi tập trung vào thể hiện sức mạnh và cử chỉ của đối tượng trong tranh. Phong cách này trở thành biểu tượng khi trường phái vị lai phát triển hoàn thiện.

Kết quả hình ảnh cho "Dynamism of a Soccer Player"
“Dynamism of a Soccer Player” (Sự năng động của một cầu thủ bóng đá) (1913)

Hai bản tuyên bố năm 1912 gồm “Tuyên ngôn kỹ thuật văn học vị lai” – Marinetti, vốn được lấy cảm hứng trong lúc ông đang ở trên chuyến bay đầu tiên của mình và “Tuyên ngôn kỹ thuật về điêu khắc vị lai” – Boccioni đã thiết lập nền tảng tri thức cho phong cách mới này vượt ra ngoài phạm vi của những bức tranh. Trong tuyên ngôn của mình, Boccioni, nhà điêu khắc đứng đầu nhóm, tuyên bố rằng một tác phẩm điêu khắc không bao giờ là hoàn thiện nếu nó không thể hiện được tất cả các nguồn lực trong môi trường đã tác động lên nó. Lý tưởng này đã dẫn đến sự ra đời của một trong những tác phẩm điêu khắc Ý mang tính biểu tượng của thế kỷ 20.

Trong tác phẩm “Unique Forms of Continuity in Space” (1913), ông đã tạo nên một nhân vật là sự kết hợp giữa 2 trường phái lập thể – vị lai đang trong tư thế đi về phía trước. Nhân vật trong tư thế đứng thẳng này có một đôi chân mạnh mẽ tạo nên những xoáy ốc trong không khí. Không chỉ là một chàng trai thời hiện đại sẵn sàng lao mình vào cuộc chiến, nó cũng có thể được xem như là một câu chuyện ngụ ngôn kể về cuộc tìm kiếm của những người trẻ Ý trên con đường định nghĩa chính mình khi nước Ý đổi thay. Trong bản tuyên ngôn năm 1909, Marinetti đã từng tuyên bố rằng một động cơ xe hơi ồn ào còn đẹp hơn cả tác phẩm cổ “Winged Victory of Samothrace” (khoảng năm 190 TCN), và “Unique Forms” thường được xem là một cách để phân biệt làn sóng phản đối lại tính truyền thống.

idesign chu nghia vi lai la gi 09
Umberto Boccioni – “Unique forms of continuity in space” (1913), Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

idesign chu nghia vi lai la gi 10
Fortunato Depero – Heart Eaters (Mangiatori di cuori) (1923), Bảo tàng Guggenheim

Balla đã nắm lấy thời cơ khi công nghệ phát triển và đưa nó đi một bước xa hơn bằng cách thiết kế quần áo cho những người theo chủ nghĩ Vị lai. Vào tháng 9 năm 1914, sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng phát, ông đã giới thiệu bộ trang phục dành cho nam giới với màu chủ đạo là màu cam sáng, được trang trí các hình dạng hình học, đặc biệt phù hợp với nhu cầu của “cuộc chiến tranh cấp bách và khẩn cấp”. Năm 1915, cùng với đội ngũ tuyển dụng mới của Fortunato Depero, ông tuyên bố sẽ không kém hơn tổng thể “Futurist Reconstruction of the Universe“, một sáng kiến để đưa mỹ học vị lai vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống như một cách để giáo dục và khuyến khích một thế hệ những người đàn ông có khả năng bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của cuộc sống hiện đại.

Kết quả hình ảnh cho Balla costume
Thiết kế trang phục dành cho nam giới với màu chủ đạo là màu cam sáng của Balla

3. Trường phái vị lai và Chủ nghĩa phát xít

Marinetti hy vọng rằng sự can thiệp của Ý trong cuộc chiến tranh vĩ đại sẽ cho phép nước này giành được sự tín nhiệm ở châu Âu – một khái niệm mang ý nghĩa được nhiều quốc gia quan tâm trong Thế chiến I. Như tuyên ngôn đầu tiên, ông đã khẳng địng rằng “chúng ta có xu hướng ca ngợi chiến tranh như là cách duy nhất làm sạch thế giới, là trường phái quân phiệt, chủ nghĩa yêu nước, hành động mang tính hủy diệt của những kẻ vô chính phủ”.

Trên thực tế, Marinetti tích cực kích động nước Ý tham gia Thế chiến I, ông cùng với Boccioni, và những người khác đã nhanh chóng đăng ký nghĩa vụ quân sự. Nhưng hiển nhiên chiến tranh đã không mang lại sự cứu rỗi mà những người vị lai tìm kiếm. Năm 1916, Boccioni qua đời trong một buổi tập luyện, để lại một khoảng trống về mặt nghệ thuật và lý luận trong thuyết vị lai hậu thế chiến. Và mặc dù Ý đã giành được chiến thắng trong chiến tranh nhưng họ đã không nhận được lãnh thổ được hứa hẹn nếu tham gia vào liên minh với ba thành viên là Nga, Pháp và Anh.

Thất bại của Ý trong chiến tranh thế giới thứ nhất đã biến thành huyền thoại về một chiến thắng khốc liệt trong trí tưởng tượng của nhiều người. Điều này tạo nên một bầu không khí chính trị mà sau này Benito Mussolini đã thao túng nó, kiến cho người dân dân Ý trải qua hai thập kỷ dưới chế độ độc tài phát xít. Trường phái vị laichủ nghĩa phát xít có nhiều điểm tương đồng về văn chương (như sự ca ngợi chiến tranh và bạo lực, tính ưu việt của con người nước Ý), và dưới thời Mussolini, Marinetti chủ trương thúc đẩy thuyết vị lai như một phong trào tiền phát xít với mong muốn nhận được hoa hồng cho người nghệ sĩ chính thức từ đảng phát xít.

Dòng sự kiện:

  • 1909: “Sự hình thành và tuyên ngôn của trường phái vị lai” của nhà thơ Ý Filippo Tommaso Marinetti được xuất bản trên trang đầu của tờ báo Pháp – Le Figaro.
  • 1910: Các buổi biểu diễn đầu tiên của Futurist được diễn ra; Boccioni, Carrà, Russolo, Severini, và Balla tham gia phong trào và xuất bản “Manifesto of Painters”.
  • 1912: Marinetti xuất bản “War, the Only Hygiene of the World”, cổ vũ cho chiến tranh như là một động lực thúc đẩy con người tiến bộ.
  • 1915: Marinetti kích động chiến tranh, đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự trong Thế chiến I cùng với những người theo chủ nghĩa vị lai khác.
  • 1916: Boccioni chết trong một buổi tập luyện, để lại một khoảng trống về mặt nghệ thuật và lý thuyết trong thuyết vị lai hậu chiến tranh.
  • 1917: Thời kỳ chủ nghĩa vị lai “thứ hai” hình thành và phát triển dưới chủ nghĩa phát xít, tiếp tục thúc đẩy ý tưởng về một “Rome thứ ba” với công nghệ tiên tiến.
  • 1919: Marinetti và một số người theo chủ nghĩa vị lai tham gia phong trào Phát xít.
  • 1944: Marinetti chết vì một cơn đau tim bên hồ Como.
Kết quả hình ảnh cho Mussolini
Benito Amilcare Andrea Mussolini – thủ tướng độc tài cai trị phát xít Ý

Trong số ba nhà độc tài liên chiến lớn (một bộ ba khét tiếng bao gồm Adolf Hitler và Josef Stalin), Mussolini nổi bật hơn cả vì không sẵn lòng chỉ định một phong cách nghệ thuật chính thức: nếu chủ đề của tác phẩm được dùng để tôn vinh nước Ý và trường phái phát xít, Il Duce (cách gọi khác của Mussolini – người dịch) không bận tâm về tính thẩm mỹ của nó. Như vậy, “Vị lai thứ hai” – một cách gọi để phân biệt với chủ nghĩa vị lai trong giai đoạn “anh hùng” 1909-1916 – là một trong những phong cách vị lai hiện đại đã phát triển trong giai đoạn chủ nghĩa phát xít, từ đó tiếp tục thúc đẩy lí tưởng về một “Rome thứ ba” với công nghệ tiên tiến cho đến tận khi Marinetti qua đời vào tháng 12 năm 1944.

Trong khi thuyết vị lai thứ hai đã bị bác bỏ nhiều thập kỷ sau khi các học giả không muốn viết về nghệ thuật tuyên truyền của những năm 1920 và 1930 để ủng hộ chế độ của Mussolini, những người theo trường phái vị lai đã tiếp tục gợi lên những ý tưởng mới thú vị. Bản tổng hợp về truyền thông hàng không (1933-1934), một phần của chu kỳ bích họa gồm năm phần vốn được ủy nhiệm cho một tòa nhà công cộng và được vẽ bởi vợ của Marinetti, Benedetta, là một ví dụ về “aeropittura”, hay còn được biết đến như một hình thức “vẽ tranh trên không“. Aeropittura – khía cạnh chính của thuyết vị lai hậu chiến tranh thế giới thứ nhất – đã đưa tính hiện đại lên một tầm cao mới – vẽ lại những cảnh quan địa hình rộng lớn trên một chiếc máy bay ở một độ cao và vận tốc lớn.

untitled 1
Hai tác phẩm “Vẽ từ trên không” của trường phái Aeropittura.

4. Di sản của trường phái Vị lai

Vì những chính kiến gai góc của trường phái vị lai mà chỉ gần đây các học giả mới có thể làm rõ được sự phát triển và lý tưởng của phong trào. Một ví dụ điển hình là mặc dù có những lời hùng biện chống lại nữ quyền, trường phái vị lai vẫn có nhiều nhà thơ và nghệ sĩ nữ hơn bất kỳ phong trào đương đại nào khác, một phần cũng bởi Marinetti cũng là người vận động đấu tranh cho quyền được từ chối vai trò “nữ” truyền thống của những người phụ nữ.

idesign chu nghia vi lai la gi 11
Umberto Boccioni – “Tính năng động của một cầu thủ bóng đá”, 1913, Bảo tàng de Young

 

idesign chu nghia vi lai la gi 12
Benedetta (Cappa Marinetti) – Tổng hợp của Aerial … Bảo tàng Guggenheim

Cùng với việc đưa ra bản tuyên ngôn đầy chất thơ, trường phái vị lai còn tạo ra một phong cách mới đầy quyết liệt trong việc diễn giải thơ ca, góp phần định hình nghệ thuật biểu diễn của thế kỷ 20, về sau được làm lại bởi Dada tại Cabaret Voltaire, Antonin Artaud với tác phẩm “Theatre of Cruelty” và những màn kịch dữ dội trong những năm 1970. Cũng giống như vậy, “polimaterialismo” (đa hình đa nguyên) – tác phầm thứ 2 của Enrico Prampolini – một người theo chủ nghĩa vị lai, là một sự đột phá mạnh mẽ nhằm vào các tác phẩm được pha trộn giữa các phương tiện truyền thông hỗn hợp và các thực tiễn máy móc của trường phái siêu thực, báo trước về một loại hình nghệ thuật truyền thông đa phương tiện đa dạng nhất ngày nay.

Và, có lẽ cuối cùng, bản tính khoe khoang công khai của Marinetti – và cách mà ông vận động và tham gia vào các phương tiện thông tin đại chúng đã thay đổi cách các nghệ sỹ hình thành mối quan hệ của họ với thế giới nghệ thuật và nền văn hoá đại chúng. Ông đã từng tuyên bố đầy cứng rắn vào năm 1915 trong một bản tuyên ngôn mang tên “Phong trào Chính trị vị lai” rằng: “Với hàng triệu bản tuyên ngôn, sách và tờ rơi viết bằng bất kì ngôn ngữ nào, với nhiều cú đấm và cái tát, với hơn tám trăm bài giảng, triển lãm và các buổi hòa nhạc, chúng tôi đã áp đặt sự vượt trội về khả năng sáng tạo thiên tài của người Ý lên những nhà sáng tạo tài năng của các chủng tộc khác trên khắp thế giới“.

 

 

Tác giả: Jon Mann
Dịch giả: Thảo Tăng
Nguồn: artsy

Cùng tác giả

#Tag

Benedetta (Cappa) Boccioni Carlo Carrà Futurism Giacomo Balla Gino Severini Kiến thức lịch sử thiết kế Luigi Russolo Marinetti trường phái vị lai vị lai

iDesign Must-try

Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Sự rung cảm trước cái đẹp, cách mà con người thưởng thức hay những câu chuyện di sản – đời sống – con người làm cho Hiếu Y có những…
Nghệ sĩ Vị lai vĩ đại nhất: Umberto Boccioni (Phần 2)
Nghệ sĩ Vị lai vĩ đại nhất: Umberto Boccioni (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối cùng của loạt bài về Umberto Boccioni, nghệ sĩ Vị lai vĩ đại nhất, chúng ta tìm hiểu về các tác phẩm…
Chủ nghĩa Vị lai (Phần 1)
Chủ nghĩa Vị lai (Phần 1)
Chủ nghĩa Vị lai (Futurism), thể hiện ngay trong tên gọi của nó – hoàn toàn hướng về thời đại hiện đại, ca tụng nó, say mê nó (“một chiếc…
Kanban - Nghệ thuật tinh tế từ những bảng hiệu quảng cáo của người Nhật
Kanban - Nghệ thuật tinh tế từ những bảng hiệu quảng cáo của người Nhật
Có gì ở nghệ thuật truyền thống Kanban ở Nhật Bản? Vì sao nét đẹp này từng suýt bị quên lãng?
Gamification trong thiết kế và những điều bạn cần biết! (Phần 2)
Gamification trong thiết kế và những điều bạn cần biết! (Phần 2)
Ở phần 1, chúng ta đã có bức tranh tổng thể về Gamification (Game hóa) mà ngày nay không ít doanh nghiệp sử dụng, giúp thu hút nhiều người dùng…