Từ A - Z các thuật ngữ nghệ thuật có thể bạn chưa tỏ tường (phần 2)

Việc nắm được một số thuật ngữ là điều cần thiết khi tìm hiểu và học hỏi về các kiến thức nghệ thuật, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho các tác phẩm cá nhân cũng như có thêm nguồn cảm hứng vô tận từ những điều đã có sẵn trong lịch sử thế giới.

iDesign xin giới thiệu với bạn đọc một số thuật ngữ (theo thứ tự từ A-Z) có thể bạn đã nghe qua nhưng chưa thật sự hiểu rõ, từ đó nới rộng hơn tầm hiểu biết trong kiến thức về lịch sử nghệ thuật đầy thú vị này!



D

*

Diaspora – Nghệ thuật của những kẻ xa xứ

một tác phẩm gốm của nghệ sĩ người Mĩ gốc Đài Loan Stephanie H. Shih

Diaspora là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự chuyển dịch của dân số ở quốc gia này sang quốc gia khác và thường được trích dẫn trong các cuộc thảo luận về bản sắc (identity).

Trong nghệ thuật, thuật ngữ diaspora được sử dụng để nói về các nghệ sĩ di cư từ nơi này sang chốn nọ (hoặc có lịch sử di dân trong gia đình), và dành cho những người biểu lộ sự đa dạng trong kinh nghiệm về văn hóa và bản sắc ở các tác phẩm họ thực hiện. Nó cũng thường dùng để thể hiện các cách tường thuật thay thế (alternative narratives), và thách thức những ý tưởng lẫn cấu trúc của thế giới nghệ thuật đã được thiết lập.

Một góc triển lãm ‘when they grow up…’ (2016) của họa sĩ gốc Jamaica, Ebony G.Patterson

Nhà lý luận văn hóa và xã hội học người Jamaica, Stuart Hall, được biết đến rộng rãi là ‘cha đỡ đầu của chủ nghĩa đa văn hóa’, đã xuất bản một bài tiểu luận quan trọng có tên Cultural identity and Diaspora năm 1990.

Trong đó, ông đề cập đến các vấn đề về bản sắc liên quan đến tập quán văn hóa và sản xuất, giải thích những thứ được người xa xứ trải qua là một phần của sự hỗn loạn, dịch chuyển và lai tạo (sự pha trộn giữa kinh nghiệm và văn hóa). Thông qua các cuộc nghiên cứu cá nhân và kinh nghiệm của cộng đồng xa xứ người Caribbe, ông đã đi đến kết luận rằng các cá nhân có nhiều hơn một bản sắc: một là dựa trên sự tương đồng và sự thống nhất xuất phát từ một nền văn hóa được chia sẻ; và một bản sắc khác dựa trên quá trình tích cực xác định danh tính, là sự đáp ứng những khác biệt và do đó luôn phát triển thông qua “vai trò luân phiên của lịch sử, văn hóa và quyền lực“.

Điều này đã trở thành một chủ đề mạnh mẽ trong nghệ thuật và có thể liên quan đến các phong trào như relational aesthetics (nghệ thuật lấy cảm hứng từ mối quan hệ và ngữ cảnh xã hội) và altermodern (nghệ thuật tạo ra nhằm đi ngược lại với các chuẩn mực và chủ nghĩa thương mại thông thường trong bối cảnh toàn cầu hóa).



Drypoint – kĩ thuật in khắc lõm bằng ngòi khô

Drypoint là quy trình sản xuất bản in mà trong đó, bản thiết kế được vẽ trên tấm kim loại bằng một dụng cụ sắc bén tựa như mũi kim nhọn.

Francisco Goya,
Tampoco (Nor This Time), 1808-1812
sử dụng kĩ thuật etching, aquatint và drypoint


Thuộc kỹ thuật intaglio* (in khắc lõm), drypoint thường được thực hiện trên các miếng đồng vì nó mềm hơn những loại khác nên thường phù hợp với kỹ thuật này.

*Intaglio hay được đề cập đến trong bất kỳ quy trình sản xuất in ấn nào liên quan đến việc tạo ra các nét rạch hoặc vết lõm trên tấm kim loại; do đó khi mực được bôi và sau đó lau sạch, chúng vẫn bị mắc lại trong các rãnh và từ đó, tạo ra hình ảnh.

Vija Celmins – Ocean Surface, 1983

Quá trình chạm khắc trong drypoint tạo ra những phần thô ráp hơi gồ lên ở các đường rạch, được gọi là gờ (burr). Khi lau sạch phần mực, cả đường rạch và cụ thể là phần gờ nhận được mực (bị tụ lại ở các góc), tạo cho các đường nét đã in dấu mực trông mượt mà một cách đặc biệt. Do tính chất tinh xảo của các gờ, drypoint thường được dùng để tạo các phiên bản in ấn nhỏ, được dừng lại trước khi gờ bị nghiền bởi áp lực của máy ép intaglio. Drypoint thường được kết hợp với các kỹ thuật intaglio khác, chẳng hạn như etching (khắc a-xít).


Decadence (hay Chủ nghĩa Suy đồi) – ví dụ điển hình cho ‘Nghệ thuật vị nghệ thuật’

Félicien Rops, Pornokratès, 1878

Phong trào Decadence thường được xem như một biểu hiện cực đoan của Chủ nghĩa Tượng trưng (Symbolism) xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 và nhấn mạnh đến tâm linh, bệnh tật và sự khiêu dâm, đi theo một hệ thẩm mỹ của sự dư thừa và giả tạo.

Thuật ngữ này được sử dụng vào những năm 1880, chẳng hạn, cho tạp chí Le Décadent của Pháp xuất bản năm 1886.

Những người theo phong trào này được truyền cảm hứng một phần bởi cảm giác ghê tởm với sự bại hoại và chủ nghĩa duy vật tràn lan của thế giới hiện đại, một phần liên quan đến mong muốn thoát khỏi nó để đi vào cõi duy mỹ, huyễn hoặc, khiêu gợi hoặc mang đầy tín ngưỡng.

A Decadent Girl, tranh bởi Ramón Casas, 1899

Trong nghệ thuật, nó có thể được coi là có ảnh hưởng lớn đến tác phẩm của Dante Gabriel Rossetti và sau đó là Edward Coley Burne-Jones ở Anh và cả Aubrey BeardsleySimeon Solomon. Một số nghệ sĩ khác đi theo phong trào bao gồm Khnopff, Moreau Rops.

Những tác phẩm văn học chủ chốt bao gồm A Rebours của HuysmansDorian Gray của Oscar Wilde.

Phong trào Symbolism (Phong trào Tượng trưng) thường bị nhầm lẫn với phong trào Decadence. Một số nhà văn trẻ đã bị báo chí gọi một cách chế nhạo là “những kẻ suy đồi” (theo nghĩa đen của từ ‘decadence’) vào giữa những năm 1880. Trong khi một số ít nhà văn chấp nhận thuật ngữ này thì hầu hết đều tránh nó. Mặc dù tính thẩm mỹ của Chủ nghĩa Tượng trưng Chủ nghĩa Suy đồi có thể được xem là trùng lặp trong một số lĩnh vực, nhưng cả hai vẫn có sự có sự khác biệt nhất định.


E

*

Ephemeral art – Nghệ thuật của những điều phù du

Ephemeral art là nghệ thuật của những điều chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Dù có nhiều loại, từ điêu khắc đến trình diễn, nhưng thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả một tác phẩm nghệ thuật chỉ xuất hiện một lần; giống như một sự kiện đang xảy ra và không thể được thể hiện trong bất kỳ vật thể tồn tại lâu dài nào cho việc trưng bày trong bảo tàng hoặc các phòng triển lãm.

Ephemeral art lần đầu tiên nổi lên vào những năm 1960 với nhóm cộng đồng nghệ sĩ liên ngành Fluxus, khi các nghệ sĩ như Joseph Beuys quan tâm đến việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tồn tại bên ngoài cấu trúc phòng trưng bày và bảo tàng và không mang lại giá trị tài chính.

Các hoạt động diễn ngẫu (happenings), nghệ thuật trình diễn (performances) và tác phẩm điêu khắc âm thanh (sound sculptures) đều là một phần của ephemeral art.


Engraving – Kĩ thuật khắc chạm trổ

Engraving là một kỹ thuật in bao gồm tạo các vết rạch trên một tấm kim loại để giữ mực và tạo thành hình ảnh in.

William Hogarth
The Enraged Musician, 1741


Các thiết kế được cắt thủ công thành một tấm khắc bằng cách sử dụng burin, hay dao khắc – công cụ như một chiếc đục rất tinh xảo với đầu hình thoi. Burin tạo ra các vết rạch vào kim loại ở nhiều góc độ khác nhau và với áp suất khác nhau, điều này quyết định lượng mực mà các nét khắc có thể giữ – do đó có sự thay đổi về độ rộng và độ tối khi in.

Kỹ thuật khắc kim loại có niên đại từ xa xưa như một phương pháp trang trí đồ vật. Tuy nhiên, phải đến khoảng năm 1430 ở Đức, các tấm khắc mới bắt đầu được sử dụng để làm bản in. Photoengraving là một quá trình sử dụng axit để khắc một hình chụp lên tấm kim loại mà sau đó ảnh có thể được in ra từ đó.

Giống như etching aquatint, engraving là một kỹ thuật in khắc lõm (intaglio).


Etching – Kĩ thuật khắc bằng axit

Etching là một kỹ thuật in sử dụng tác động hóa học để tạo ra các rãnh chìm trên một tấm in kim loại có khả năng giữ mực đã bôi và tạo thành hình ảnh.

Cách thực hiện etching

Tấm giấy kim loại trước đây thường làm từ đồng nhưng hiện nay đã đổi sang kẽm, được chuẩn bị trên một bề mặt che phủ có thể chịu được axit. Các đường nét được vẽ xuyên qua bề mặt che phủ làm lộ ra tấm kim loại. Sau đó, tấm kim loại này được ngâm trong axit và phần kim loại bị lộ nét sẽ tiếp tục bị bào mòn, tạo ra các rãnh chìm. Axit mạnh hơn và thời gian tiếp xúc lâu hơn tạo ra các vết cắt sâu hơn. Phần che phủ tiếp đến sẽ được loại bỏ và mực được áp vào các đường chìm, nhưng được xóa sạch khỏi toàn bộ bề mặt tấm kim loại. Tiếp theo, tấm kim loại này được đặt phía dưới giấy và được đưa qua máy in với áp lực lớn để chuyển mực từ các đường lõm lên mặt giấy. Đôi khi mực có thể còn sót lại trên bề mặt tấm kim loại để tạo tông màu nền.

Etching được sử dụng để trang trí kim loại từ thế kỷ thứ 14, nhưng có lẽ không được sử dụng nhiều cho việc in ấn cho đến đầu thế kỉ 16. Kể từ đó, nhiều kỹ thuật khắc đã được phát triển, chúng thường được sử dụng kết hợp với nhau.


F

*

Fauvism – Trường phái Dã thú

Fauvism là tên áp dụng cho tác phẩm của một nhóm nghệ sĩ (bao gồm Henri Matisse André Derain) thực hiện từ khoảng năm 1905 đến năm 1910, được đặc trưng bởi màu sắc mạnh mẽ và đường nét táo bạo.

Cái tên les fauves (‘những con thú hoang’) được nhắc đến bởi nhà phê bình Louis Vauxcelles khi ông nhìn thấy tác phẩm của Henri Matisse André Derain trong một cuộc triển lãm ở Paris vào năm 1905.

André Derain, vẽ bởi Henri Matisse (1905)

Các bức tranh mà Derain Matisse trưng bày là kết quả của một mùa hè làm việc cùng nhau ở Collioure, miền Nam nước Pháp và được tạo ra bằng cách sử dụng màu sắc đậm, phi tự nhiên (thường được lấy trực tiếp từ tuýp màu) và những mảng màu lỏng. Hình thức thể hiện của đối tượng tranh cũng được đơn giản hóa khiến tác phẩm của họ trở nên khá trừu tượng.

Các nghệ sĩ cùng chí hướng khác có liên quan đến Fauvism bao gồm Georges Braque, Raoul Dufy, Georges RouaultMaurice de Vlaminck.

André Derain – Trois Arbres, l’Estaque, 1906

Các nghệ sĩ đi theo Fauvism quan tâm đến các lý thuyết màu sắc khoa học được phát triển vào thế kỷ 19 – đặc biệt là những lý thuyết liên quan đến các màu bổ sung (complementary colours). Màu bổ sung là các cặp màu xuất hiện đối diện nhau trên các mô hình khoa học như vòng tròn màu (colour wheel) và khi được sử dụng cùng lúc trong một bức tranh sẽ làm cho nhau trông tươi sáng hơn.

Waterloo Bridge, vẽ bởi Andre Derain (1906)

Fauvism có thể được coi là sự mở rộng cực độ của chủ nghĩa Hậu Ấn tượng (Post-impressionism) của Van Gogh kết hợp với chủ nghĩa Tân ấn tượng (Neo-impressionism) của Seurat. Ảnh hưởng của những phong trào trước đó đã truyền cảm hứng cho Matisse và những người theo ông từ chối đón nhận không gian ba chiều truyền thống và thay vào đó, sử dụng các vùng màu phẳng hoặc các điểm màu để tạo ra một không gian hình ảnh mới.

Chủ nghĩa Fauvism cũng có thể được coi là một hình thức của Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism) của Đức trong việc sử dụng màu sắc rực rỡ và những nét vẽ ngẫu hứng, một phong trào xuất hiện cùng thời điểm và cũng được truyền cảm hứng từ những phát triển của chủ nghĩa Hậu Ấn tượng.


Formalism – Chủ nghĩa Hình thức

Formalism hay Chủ nghĩa Hình thứcviệc nghiên cứu nghệ thuật chỉ dựa trên sự phân tích về hình thức của tác phẩm – cách nó được tạo ra và trông thế nào.

Trong Formalism thì khía cạnh quan trọng nhất của một tác phẩm nghệ thuật là hình thức của nó – cách được tạo ra và các khía cạnh hình ảnh thuần túy – chứ không phải là nội dung được tường thuật hoặc mối quan hệ của nó với thế giới hữu hình. Do đó, trong hội họa, một nhà phê bình theo trường phái này sẽ đặc biệt tập trung đánh giá chất lượng của màu sắc, cách điều tiết cọ, hình thức, đường nét bố cục.

The Gardener Vallier thực hiện bởi Paul Cézanne (1906),
cũng là một trong những tác phẩm cuối cùng của ông

Formalism được cho là ra đời để đối phó với chủ nghĩa Ấn tượng (Impressionism) và Hậu Ấn tượng (Post-Impressionism) – đặc biệt là bức tranh phía trên của Cézanne – khi mà ở Formalism có sự chú trọng chưa từng có đối với các khía cạnh hình ảnh thuần túy của tác phẩm.

Năm 1890, họa sĩ và nhà văn theo trường phái Hậu ấn tượng, Maurice Denis, đã xuất bản một tuyên ngôn có tiêu đề Định nghĩa về Chủ nghĩa Tân truyền thống (Definition of Neo-Traditionism) , nơi ông nhấn mạnh rằng niềm vui thẩm mỹ được tìm thấy trong bản thân bức tranh chứ không phải chủ thể của nó. Tuyên ngôn này đã trở thành một trong những văn bản được trích dẫn rộng rãi nhất trong lịch sử nghệ thuật hiện đại:

Hãy nhớ rằng một bức tranh, trước khi là một tác phẩm mô tả cảnh ngựa chiến, người phụ nữ khỏa thân, hay là một câu chuyện nào đó thì về cơ bản, nó vẫn là một bề mặt phẳng được phủ màu có sự sắp xếp theo một trật tự nhất định.

Ở Anh, lý thuyết nghệ thuật về chủ nghĩa Hình thức được phát triển bởi họa sĩ kiêm nhà phê bình ở Bloomsbury, Roger Fry và nhà văn Clive Bell. Trong cuốn sách mang tên Art năm 1914 của mình, Bell đã hình thành khái niệm về hình thức quan trọng – hình thức tự nó có thể truyền đạt cảm giác.

Piet Mondrian – Composition with Yellow, Blue, and Red

Tất cả điều này đã nhanh chóng dẫn đến nghệ thuật Trừu tượng, một thứ nghệ thuật của hình thức thuần túy. Formalism đã thống trị sự phát triển của nghệ thuật hiện đại cho đến những năm 1960, khi nó đạt đến đỉnh cao trong cái gọi là sự phê bình mới như nhà phê bình người Mỹ Clement Greenberg, đặc biệt là trong các tác phẩm viết về colour field painting (tranh trường màu) và Hậu Trừu tượng (post-painterly abstraction). Chính vào thời điểm đó, chủ nghĩa Hình thức bắt đầu bị thách thức bởi chủ nghĩa Hậu Hiện đại (postmodernism).


Biên tập: Lệ Lin
Tranh và lời: Tổng hợp từ Tate và nhiều nguồn khác

Cùng tác giả

#Tag

art history art terms engraving ephemeral art etching Fauvism formalism Heirstory Lệ Lin lịch sử nghệ thuật Từ điển Nghệ Thuật định nghĩa

iDesign Must-try

Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Nghệ thuật hiện đại và những trường phái trong giai đoạn nghệ thuật này
Nghệ thuật hiện đại và những trường phái trong giai đoạn nghệ thuật này
Nghệ thuật hiện đại nổi tiếng với nhiều tính thẩm mỹ tiên phong và được tôn vinh là phong trào nghệ thuật có tư duy tiến bộ. Phát triển trong khoảng…
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mặc dù cuộc đời của ông ngắn ngủi một cách đáng buồn, nhưng những bức tranh thô mộc, cấp tiến của Jean-Michel Basquiat đã tạo được ảnh hưởng lâu dài…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Trong phần cuối cùng của chuỗi bài Hiện thực, chúng ta cùng tìm hiểu các tác phẩm nổi bật và quan trọng đối với trào lưu - được sắp xếp…