/viết một tay/ 3 bước để thiết kế một trải nghiệm tuyệt vời hơn cho bất kì ai

Ba phương pháp tự luyện tập của Lộc Nguyễn (Limon) – một người làm thiết kế trải nghiệm.


/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Maybe This Art Should Be Known


Unsplash images

Mình tin rằng, với bất kỳ ai, họ làm công việc gì thì cũng đều cần đến việc tập luyện. Tập luyện để giúp họ nâng cao tay nghề, nhằm đạt được những mục tiêu sự nghiệp khác nhau, đồng thời thỏa mãn cái tôi của họ trong chính những điều mà họ quan tâm.

Một nước cờ xuất thần, một ca mổ với sự chính xác tuyệt đối, hay một màn biểu diễn ảo thuật đáng kinh ngạc; tất cả đều là kết tinh của thành quả lao động, của sự luyện tập có chủ đích. Một trải nghiệm tuyệt vời cũng y vậy – hẳn là phải có một phương thức luyện tập nào đó để chúng ta có thể đem đến những trải nghiệm cảm xúc hơn…

Illustration – Yuliia Dobrokhod

Vậy với một người làm thiết kế trải nghiệm, việc luyện tập sẽ trông như thế nào?

Một trong số các câu hỏi mà mình luôn băn khoăn từ những ngày đầu theo đuổi ngành này đó là:

“Làm sao để mình có thể thiết kế tốt hơn nhỉ?”, hay cụ thể là, “Làm cách nào để mình có thể tự học, tự luyện tập một cách hiệu quả nhất trong lĩnh vực này?”.

Sau gần hai năm theo đuổi, trải nghiệm với nghề, dưới đây là ba bước luyện tập mà mình mong muốn được chia sẻ với bạn.


Bước 1: Quan Sát

Mọi thứ đều trông có vẻ thật bình thường cho đến khi bạn quan sát chúng kĩ hơn…

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, kĩ năng quan sát không chỉ ứng dụng cho các công việc như phá án, đi săn, hay theo dõi; mà nó còn hiện hữu ngay tại những tình huống chúng ta gặp phải hàng ngày. Ví dụ như khi bạn điều khiển một phương tiện di chuyển, khi bạn đi phỏng vấn, hay đơn giản là khi bạn cần thương thảo với một đối tác nào đó.

Kĩ năng quan sát là một phần tất yếu trong công việc của một người làm thiết kế trải nghiệm. Bất kỳ quyết định thiết kế nào của bạn cũng luôn cần phải dựa vào việc quan sát dữ liệu, đặc điểm người dùng, cũng như các hành vi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của họ. Tất cả những điều đó đều nhằm để trả lời những câu hỏi quan trọng như:

  • Đâu là sự khác biệt giữa những gì bạn kỳ vọng về người dùng với điều mà họ thực sự đang làm?
  • Họ có những hành vi đặc biệt nào khi tương tác với sản phẩm của bạn?
  • Họ có thực sự sử dụng giải pháp của bạn cho vấn đề của họ hay không?

Khi kĩ năng này đạt đến một mức độ “sắc bén” nhất định, bạn sẽ có khả năng để quan sát một cách đa chiều hơn, để kết nối những thứ tưởng chừng như không liên quan lại với nhau. Từ đó các giả thuyết, hay quyết định thiết kế của bạn cũng sẽ trở nên chính xác, phù hợp hơn với đối tượng trải nghiệm.

“Hãy học cách quan sát. Để nhận ra rằng mọi thứ đều có liên kết với nhau.” – Leonardo da Vinci

Chung qui lại, thì chỉ bằng sự quan sát, bạn đã có thể tìm ra phương pháp để giải quyết được vô số vấn đề rồi. Kỹ năng này, như mình đã nói, không chỉ áp dụng trong việc thiết kế. Bất kỳ đối tượng hay trường hợp nào mà bạn gặp phải, sử dụng kĩ năng quan sát đôi khi có thể giúp bạn cứu sống cả một ai đó.

Hãy bắt đầu luyện tập bằng việc quan sát những điều nhỏ nhặt trước, bạn có thể lên một danh sách ghi chú cho những khám phá đó và xác nhận lại xem liệu chúng có chính xác hay không. Từng chút một, bạn sẽ cải thiện kỹ năng thiết kế trải nghiệm của mình chỉ với riêng việc quan sát.


Bước 2: Thấu Hiểu

Khi ai đó đưa ra một quan điểm trái ngược với bạn, hay một quan điểm mà bạn cảm thấy vô nghĩa, “thiếu logic”, thậm chí là “không thể tưởng tượng nổi” thì điều đó hoàn toàn không phải bởi vì họ ngu ngốc hay kém cỏi hơn bạn. Mà chủ yếu bởi vì họ có một thế giới quan khác biệt so với bạn, họ tin vào những điều mà có thể bạn sẽ không tin, hoặc chưa từng nghe đến.

Tất cả các quyết định, quan điểm hay ý kiến của họ đều dựa trên thế giới quan đó. Bởi vậy nên khi thiết kế trải nghiệm cho một hay nhiều người, điều quan trọng đầu tiên là bạn phải thấu hiểu được câu chuyện phía sau của họ.

Diverse people

Thấu hiểu là việc bạn hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc về một đối tượng nào đó. Để thấu hiểu, điều khó nhất là bạn phải đón nhận được mọi sự khác biệt, mọi góc nhìn, thế giới quan của từng người trong số những đối tượng mà bạn hướng đến.

Để thấu hiểu một ai đó, bạn có thể bắt đầu luyện tập bằng cách trò chuyện thường xuyên hơn với họ. Khi đó, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với những góc nhìn mới lạ của họ – điều mà trước đó bạn từng có sự hiểu lầm, hoặc không hề biết đến.

Bằng cách chuẩn bị một tâm thế cởi mở với những quan điểm khác biệt, bạn sẽ nhận ra rằng; có những thứ cùng một tên gọi, cùng một tình huống hay cùng một câu trả lời, lại có những cách hiểu hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, với cùng một sản phẩm, mỗi người lại có các cách sử dụng không đồng nhất. Vì vậy nếu bắt buộc phải lựa chọn, mình tin rằng thấu hiểu là kĩ năng đầu tiên mà một người làm thiết kế trải nghiệm cần làm chủ.


Bước 3: Tưởng Tượng

“Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức” – Albert Einstein

Khả năng tưởng tượng, hình dung là một lợi thế mà ít ai nghĩ rằng họ có thể áp dụng trong cuộc sống của mình. Nếu không ai đánh thuế sự tưởng tượng của bạn thì tại sao chúng ta lại ngần ngại khi sử dụng nó để thiết kế một trải nghiệm tốt hơn?

Affordance example

Nói một cách đơn giản, việc tưởng tượng & hình dung giúp bạn có được những giải pháp sáng tạo hơn, đặc biệt là khi bạn đã có những hiểu biết, kiến thức nền vững chắc về đối tượng người dùng của sản phẩm.


Làm thế nào để chúng ta có thể thực hành tưởng tượng?

Dưới đây là một số bài luyện tập đơn giản mà bạn có thể tham khảo:

1. Cách thức kỳ lạ

Khi bạn nhìn thấy một đồ vật, hãy nghĩ xem liệu nó có thể được sử dụng cho các mục đích khác hay không? Cụ thể là mục đích nào?

2. Dự án để đời

Hãy thử nghĩ xem nếu bạn chỉ được thực hiện duy nhất 8 dự án trong cả cuộc đời của bạn. Bạn sẽ chọn 8 dự án nào? Điều này nói gì về con người bạn?

3. Nhiệm vụ bất khả thi

Hãy nghĩ đến một trải nghiệm bất kỳ, liệu bạn có thể biến trải nghiệm đó trở nên bất khả khi hoặc cực kỳ khó chịu so với trải nghiệm ban đầu không?

Tóm lại, hãy để cho trí tưởng tượng của bạn được thoải mái bay bổng trong khi luyện tập. Trên thực tế, bạn sẽ phải cân nhắc loại bỏ, hoặc giảm thiểu tính “cường điệu” của các ý tưởng khi xem xét lại hai bước đầu tiên. Đó chính là cách để chúng ta đưa ra những ý tưởng thực tế và phù hợp hơn cho đối tượng mà bạn hướng đến.


Lời Kết

Bạn có thể thực hành cả 3 bước trên bất cứ khi nào bạn có những khoảng thời gian nhàn rỗi, như khi bạn đang đi bộ trên đường, khi bạn đang ngồi chờ tại một hành lang, hay khi bạn đang lắng nghe một ai đó chia sẻ câu chuyện của họ.

Có thể nói, cả 3 bước này đều tập trung vào việc chất vấn bản thân về các hiện tượng “vốn dĩ là” xung quanh bạn để tìm ra cách giải quyết, hay cải tiến chúng.

Những bài tập này không hơn gì việc bạn tập hít đất, chạy bộ hay yoga hàng ngày. Dù các khoảng thời gian luyện tập tương đối ngắn ngủi, nhưng trên một chặng đường dài phía trước, mình tin rằng chúng sẽ giúp bạn phát triển một thói quen tốt & mài giũa các kĩ năng quan trọng cho công việc thiết kế trải nghiệm.

Bài viết: Lộc Nguyễn (Limon)


Cùng tác giả

#Tag

personal growth thiết kế trải nghiệm viết một tay

iDesign Must-try

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…
Tập 1 - PURE NOW Show: Cuộc chuyển mình từ nhà thiết kế đồ họa sang giám đốc sáng tạo của Adam Parry.
Tập 1 - PURE NOW Show: Cuộc chuyển mình từ nhà thiết kế đồ họa sang giám đốc sáng tạo của Adam Parry.
 “Tôi nghĩ rằng vai trò của một giám đốc sáng tạo, một người giám đốc là tổ chức, sắp xếp nhiều con người để họ trở nên thông minh và…
‘Tàn Thể: Tiền truyện’ - Đấng tối cao hay phần tăm tối của loài người?
‘Tàn Thể: Tiền truyện’ - Đấng tối cao hay phần tăm tối của loài người?
Tàn Thể: Tiền truyện là phim hoạt hình ngắn được DeeDee Annimation Studio phát hành vào đầu năm 2019. Tàn thể được giới thiệu với tham vọng thiết lập một…
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Quá trình sao chép thật chất là một cách học tuyệt vời về việc kiểm soát chất lượng tác phẩm và phát triển phong cách cá nhân khi bạn có…
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Nghệ thuật luôn có một vẻ quyến rũ khó cưỡng và chỉ chờ đợi sơ hở của con người để cám dỗ sự vuốt ve của chúng ta. Bạn đang…
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
Katie là một nhà lãnh đạo thiết kế, nhà nghiên cứu, nhà văn và nhà giáo dục được công nhận trên toàn quốc. Trước khi gia nhập MASS vào đầu…