/viết một tay/ Năm lời khuyên cho người hướng nội trên chặng đường nghệ thuật

Không chỉ là việc tạo ra một tác phẩm xuất sắc, việc trở thành một người nghệ sĩ thành công phức tạp hơn thế. Nhất là đối với những con người hướng nội, việc đặt bản thân ra khỏi vùng an toàn, căng mình để vươn ra và tìm được tiếng nói cho những tác phẩm của mình là một đấu tranh nội tại không ngừng nghỉ.

Dưới đây là một số lời khuyên mà những người hướng nội làm sáng tạo hầu như phải tự mò mẫm và chưa bao giờ được nhắc đến ở trường lớp, được người viết tổng hợp và góp cùng kinh nghiệm cá nhân, hy vọng có thể giúp ích cho bạn.


Theo trang Urban Dictionary, định nghĩa về người hướng nội (introvert) được nhiều người đồng tình như sau:

Người hướng nội thích dành thời gian ở một mình để nạp năng lượng cho nội tâm của họ. Một người hướng nội có thể tỏ ra nhút nhát với người khác, nhưng đó không nhất thiết là một cái mác chuẩn xác về họ. Bên cạnh bạn bè, gia đình và thậm chí cả người lạ có thể là những dịp thú vị. Tương tác với mọi người và bị đặt giữa nhiều nguồn năng lượng kích thích giác quan có xu hướng rút bớt năng lượng của người hướng nội, khiến họ thường lùi lại để dành thời gian riêng nhằm nạp lại năng lượng. Những cuộc đối thoại phiếm có xu hướng rút năng lượng của người hướng nội nhanh chóng.

Trên trang web quietrev, Isabella Huffington có một so sánh khá thú vị trong bài viết Can an Introvert Succeed in the Art World? (Liệu người hướng nội có thể thành công trong thế giới nghệ thuật?) Có người sinh ra là để trở thành vận động viên bơi lội, nhưng có người lại sợ nước. Tuy nhiên, người sợ nước vẫn có thể di chuyển cùng tốc độ với một người thích bơi. Chỉ cần ta không đi theo kỳ vọng và đặt thước so sánh với người khác mà hiểu rằng mình luôn có thể bắt đầu từ phần nước nông, dần tiến đến phần sâu hơn với tốc độ mà bản thân thoải mái nhất, tin rằng mình có thể quay lại vùng an toàn nếu cần.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều này. Trong bài The Creative Superpowers of Introverts and Artists (Siêu sức mạnh sáng tạo của người hướng nội và các nghệ sĩ) ở trang Psychology Today, tiến sĩ Michael Alcee cũng bày tỏ mối lo ngại về một vấn đề: Nhu cầu được quay vào thế giới nội tại của người hướng nội thường xuyên bị xã hội xem là sai trái. Sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Khi những người hướng nội – cùng xuất phát điểm nghệ thuật của mỗi người – không được tôn vinh, ta dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo lắng hoặc gặp khó khăn trong xã hội. Cùng lúc đó, là một nghệ sĩ, ta hiểu rằng mình có thể bị tổn thương theo nhiều cách khi đem tác phẩm ra với người xem, kể cả việc phải phơi bày những phần mong manh nhất của bản thân mình.

Vậy thì làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi ấy?


1. Nhận diện, tận dụng thế mạnh của bản thân hoặc vạch ra giới hạn để tìm sự cân bằng

Nếu có thể, hãy liệt kê ra những đặc điểm mà bạn thường xuyên nhận thấy về bản thân khi ở một mình, làm việc trong các mối quan hệ hằng ngày. Từ đó, xem xét những điều ấy có thể giúp bạn điều gì để phát triển khả năng nghệ thuật. Bạn cũng có thể hỏi người xung quanh và ghi chú lại những điều ấy.

Bạn thích quan sát mọi thứ khi ngồi cà phê, tán gẫu cùng bạn bè. Liệu điều này có thể được nêu bật bằng cách nào đó trong tác phẩm bạn tạo ra hoặc trong các mô tả tác phẩm của mình? Nếu là một người hay suy ngẫm, chiêm nghiệm về nhiều thứ, liệu có thể viết ra, vẽ lại các suy nghĩ đó như liệu pháp giải tỏa căng thẳng, lo lắng mỗi khi công việc trở nên ngột ngạt?

Bạn không cần viết một danh sách dài mà có thể tập trung vào ít nhất ba điểm nổi bật, nhận diện và tìm cách tận dụng chúng vào công việc và quá trình sáng tạo của mình.

Theo chia sẻ trên trang Artshub, biên tập viên người Úc Cosima McGrath cho rằng biết lắng nghe, quan sát cẩn thận về mọi thứ chung quanh là điều “đã giúp tôi tiếp cận các bản thảo với con mắt tinh tường hơn khi xem xét khía cạnh phát triển nhân vật và thiếp lập bối cảnh” để chọn ra các dự án tốt cho việc xuất bản. Với nhà làm phim Phil Grabsky, thường xuyên dành thời gian suy ngẫm trong tĩnh lặng giúp anh lùi lại, tập trung để “trở thành một nhà làm phim, một người nghệ sĩ tốt hơn“.

Người khác có thể nhận diện những đặc điểm hướng nội là một yếu điểm chết người, nhưng chỉ có chính bạn mới hiểu về bản thân và tìm cách khai phá sức mạnh, lấy ‘điểm yếu’ mà người khác nhận xét thành ‘điểm mạnh’ của chính mình. Hoặc đơn giản hơn, không vắt kiệt sức lực của bản thân và đặt ra giới hạn cho mình.

Nhà thiết kế đồ họa Ngaio Parr cũng thổ lộ:

“Tôi thích ở bên cạnh người khác và cộng tác với họ, nhưng tôi cũng biết điều đó khiến mình kiệt sức. Tôi thường sắp xếp tất cả các cuộc họp vào một ngày trong tuần, tốt nhất là vào các buổi chiều khi tôi biết mình đang làm việc kém hiệu quả hơn và không phải quay lại studio với cảm giác mệt mỏi và cố gắng quay lại mạch sáng tạo từ trước đó.”

Điều cần nhớ là: vấn đề không phải ở việc hoàn thành mọi thứ theo một tiêu chuẩn chung mà là tìm sự cân bằng. Biết rằng bạn đang tìm cách vươn ra, sắp xếp công việc vừa sức và phù hợp với riêng mình.


2. Hướng năng lượng điềm tĩnh vào công việc

Thường thì những người hướng nội mang đến cho người chung quanh cảm giác điềm tĩnh, toát nên từ phong thái của chính họ. Khi gặp các tình huống khó khăn, việc giữ được một tâm thế điềm đạm sẽ giúp bạn gỡ rối mọi thứ tốt hơn. Tất nhiên, việc rèn luyện để điều này đi vào quá trình làm việc đòi hỏi thời gian và sự điều chỉnh phù hợp, nhất là đôi lúc đối phương là khách hàng chứ không chỉ là bản thân bạn. Vì vậy, nếu có thể, hãy lấy năng lượng này làm cách dung hòa trong các mối quan hệ công việc.

Biên tập viên Cosima McGrath chia sẻ:

“[…]Tôi không phải là một người có cá tính nổi bật và tôi không nghĩ mình là nhân tố thu hút trong các cuộc trò chuyện. Là một người hướng nội, tôi thường để tác giả sách tiết lộ tầm nhìn của họ về bản thảo câu chuyện và lặng lẽ xác định cách tốt nhất để giúp đưa ý tưởng của họ thành hiện thực.”

Khi làm việc với khách hàng để tạo ra các tác phẩm phù hợp, họa sĩ Angus Martin thường “đưa ra một loạt câu hỏi, đào sâu vào khía cạnh khái niệm cơ bản để truyền tải một điều gì đó đặc biệt [từ khách hàng] thành tác phẩm nghệ thuật“. Điều này giúp cho khách hàng nhận ra cảm xúc, khía cạnh sâu sắc trong cách kể chuyện bằng hình ảnh của anh.

Ngoài ra, năng lượng điềm tĩnh có thể là một điều tốt để giữ sự kiên nhẫn trong quá trình sáng tác, nhất là khi không phải bạn luôn tìm được cảm hứng hay giữ được phong độ ổn định trong suốt quá trình đó. Đâu là điều giữ sự điềm tĩnh cho bạn trong cuộc sống hằng ngày? (nghe các bản nhạc nhẹ trong lúc làm việc, có được 15 phút giải lao trong thời gian làm, đọc sách 30 phút mỗi ngày, uống trà, yoga, thiền…) Hãy ghi nhớ chúng và biết rằng bất cứ khi nào cần, bạn luôn có thể lấy những điều đó làm điểm neo cho tâm mình.


3. Tìm phương án thay thế phù hợp hoặc dành thời gian để trau dồi bản thân trong những tình huống thử thách

Hầu như những người hướng nội không thoải mái khi ngồi giữa đám đông. Việc phải gồng mình liên tục trong các sự kiện cộng đồng, phiên chợ nghệ thuật và tìm cách để giới thiệu bản thân hay tác phẩm với một đám đông xa lạ có thể khiến nhiều người cảm thấy là một áp lực lớn. Trước khi lao vào và có cảm giác mình sẽ ‘thảm hại’ trong những tình huống như thế, thử tham khảo cách giúp bạn có thể giảm thiểu được nỗi lo lắng và trau dồi bản thân trong những tình huống ấy tốt hơn.

Bạn cũng có thể tập quen dần bằng cách tham gia những sự kiện quan trọng cùng người quen, dành năng lượng trò chuyện và sau đó cho bản thân tách mình ra đám đông vài phút; luyện việc giao tiếp giữa đám đông bằng cách chuẩn bị tốt nhất có thể.

Nhà thiết kế Ngaio Parr tiết lộ một tip của bản thân trên trang Artshub:

“Hãy luôn thủ sẵn một vài câu hỏi kỳ lạ hơn bình thường trong tay. Thời gian làm việc cho các lễ hội âm nhạc, tôi luôn hỏi các ban nhạc mà mình quan tâm xem tôi nên đến thăm những gì ở quê hương của họ, hoặc bài hát nào mà họ thích phát trên xe khi di chuyển giữa các địa điểm lưu diễn – một cái gì đó khác với những câu hỏi thông thường mà họ được nghe. Khi thử điều này, bạn thường sẽ cảm thấy tự tin hơn trong không gian ấy.”

Nhưng nếu nó vẫn là điều bạn không hề cảm thấy dễ dàng trong lúc này, hãy tập đi theo một lối truyền thống hơn: chăm chỉ làm việc và đi tìm những cuộc thi, tạp chí nghệ thuật để đem tác phẩm hướng ra công chúng và tương tác theo một cách khác.

Hãy luôn nghe ngóng đến các cuộc thi trong nước và quốc tế, liên hệ những tạp chí, nhà xuất bản mà bạn nghĩ là phù hợp với các tác phẩm của mình. Nếu có một tác phẩm/ dự án mà bản thân nghĩ là thú vị, hãy thử thực hiện và liên hệ với iDesign hoặc chia sẻ với cộng đồng nghệ thuật online mà bạn biết đến. Đừng để bạn là vật cản trong thành công của chính mình.


4. Đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân

Nghệ thuật cung cấp thêm động lực để ta mở rộng ra ngoài vùng an toàn và khám phá những phần khác của bản thân mà ta có khi chưa bao giờ để ý. Tìm cách thúc đẩy bản thân quá mức hoặc chỉ chăm chăm vào việc luẩn quẩn trong vùng an toàn đều sẽ khiến bạn bật về vị trí ban đầu và thành thật với bản thân mình: ta là ai và mong muốn này cần điều gì để thành hiện thực?

Tuy nhiên, khá nhiều người hướng nội có một nỗi sợ hãi thường trực trong việc vươn ra ngoài xã hội và bị khước từ. Họa sĩ Isabella Huffington chia sẻ trên trang quietrev rằng, nó quay ngược lại câu hỏi mà bạn dành cho bản thân mình:

Tôi sợ làm điều này, hay chỉ là tôi không hứng thú?

Và nếu câu trả lời là bạn sợ, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn phải thực hiện điều này. Quan trọng là biết thành thật với chính mình. Cảm giác bị từ chối không đáng sợ, thứ khiến bạn sợ hãi là nỗi xấu hổ đi kèm với sự từ chối ấy.

Với Isablla Huffington, những lần đầu tiên tệ như việc có ai vừa đấm vào ngực bạn vậy.

“Nhưng khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau, tôi vẫn là tôi, và cuộc sống vẫn tiếp tục. Không phải việc từ chối hẳn là dễ chịu hơn vào những lần sau, nhưng thời gian phục hồi về mặt tinh thần sẽ nhanh hơn.”

Bên cạnh đó, nỗ lực đi tìm những tiếng nói chung không có gì là sai, nhất là khi bạn mong muốn có những người giúp đưa ra các đóng góp cho tác phẩm, ý kiến cho con đường bạn đang đi. Việc tìm được kết nối với những người thành tâm và hiểu rõ bạn còn là một điều biết ơn to lớn, giúp bạn bước trên con đường nghệ thuật vững hơn và bớt đi cảm giác cô độc. Thay vì cố gắng luồn lách vào những cơ hội giao thiệp như nhiều người rồi cảm thấy cạn năng lượng nhanh chóng, hãy tìm những vòng tròn bạn bè nhỏ hơn để giữ các mối quan hệ trong công việc. Biên tập viên Cosima gợi ý:

“Tôi nghĩ rằng những người cố vấn (mentor) là vô cùng quan trọng đối với người hướng nội trong nghệ thuật. Các chương trình cố vấn và các mối quan hệ cố vấn – ngay cả khi nó được thiết lập không chính thức, ví dụ như là một người bạn tốt tại nơi làm có thể đưa ra lời khuyên – cho phép người hướng nội có thời gian và không gian được lắng nghe.

[…] Vì vậy, việc tạo ra không gian an toàn cho những người bạn nói năng nhỏ nhẹ của chúng ta và cung cấp sự hỗ trợ dưới hình thức cố vấn sẽ là một chặng đường dài để biến nghệ thuật trở thành một ngành công nghiệp đáng hoan nghênh hơn.”


5. Đi tìm điểm chung với người đối diện

Tiếp nối với ý trước, một cách để networking tốt còn là việc thay đổi cách nhìn nhận nó theo cách thông thường. Networking – hay việc mở rộng vòng tròn các mối quan hệ – chỉ cần nghe đến đã khiến nhiều người hướng nội cảm nhận rõ áp lực. Thay vì vậy, hãy tập trung vào việc lắng nghe, tin vào trực giác và đi tìm điểm chung với những người chung quanh.

Nếu nói chuyện với một ai đó xa lạ, thử xem bạn sẽ tìm được những điểm chung nào với họ thay vì xua đi vì những khác biệt mà bạn đặt nặng. Khi bạn đến một triển lãm tranh của những tên tuổi lớn, nghĩa là mọi người và bạn đều có niềm yêu thích (hoặc ít nhất là sự tò mò) với người nghệ sĩ và tác phẩm. Nếu thấy những bức tranh được đăng tải trên mạng xã hội từ bạn bè hoặc người cùng làm nghệ thuật, thay vì chỉ đơn giản là tán dương hoặc chê bai, tự hỏi điều gì bản thân có thể tìm thấy ở cách họ thể hiện tác phẩm mà bạn vẫn chưa thuần thục? Liệu có điều gì ở tác phẩm mà bạn để ý đến và trân trọng? Nếu là phê bình, liệu có điều gì bạn có thể góp ý mang tính xây dựng từ trải nghiệm bản thân?

Bạn luôn sẽ tìm thấy ít nhất một điều mà bản thân có thể chia sẻ được với người khác. Khi đi tìm kiếm điểm chung với người yêu nghệ thuật chung quanh, bạn còn rèn cho mình một tư duy tích cực và góp phần tạo nên một không gian nghệ thuật mang tính nâng đỡ, đùm bọc hơn.


KẾT

Dù bạn là người hướng nội, hướng ngoại hay có xu hướng kết hợp của cả hai, việc quan trọng là hiểu rõ bản thân và thước đo thành công thực chất là gì đối với riêng bạn. Trên đây chỉ là những gợi ý cho những người hướng nội làm nghệ thuật, tuy nhiên chúng không đồng nghĩa với việc bạn chỉ nên co cụm trong vòng tròn nhỏ của riêng mình. Nếu có những người bạn khác biệt trong tính cách và đem lại cho bạn một năng lượng tích cực, hãy giữ họ bên cạnh và với những trải nghiệm họ mang tới còn có thể giúp bạn tạo ra một danh sách đặc biệt khác so với những gì được đưa ra trong bài viết này.

Trong quyển sách Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking (Sự yên lặng: Sức mạnh của người hướng nội trong một thế giới thích nói), tác giả Susan Cain có viết,

“Bí quyết của cuộc sống là đặt bản thân bạn vào nơi có ánh sáng thích hợp. Đối với một số người, đó là hào quang của sân khấu Broadway; đối với người khác chỉ là một chiếc bàn đủ sáng. Hãy vận dụng sức mạnh nội tại – sự kiên trì, tập trung và sáng suốt – để làm công việc bạn yêu thích lẫn những điều quan trọng. Hãy cứ giải quyết vấn đề, làm nghệ thuật, và suy nghĩ sâu sắc”.


Biên tập và minh họa: Lệ Lin
Có tham khảo từ: quietrev/artshub/psychologytoday

Cùng tác giả

#Tag

art hướng nội nghệ thuật cho người hướng nội personal growth viết một tay

iDesign Must-try

Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Với mong muốn chia sẻ tất thảy những gì mình biết về nghệ thuật và sáng tạo, để mọi người được truyền cảm hứng và tạo nên những điều xinh…
Chú ếch tròn ủm cùng các động tác yoga dẻo dai của Ding Hu
Chú ếch tròn ủm cùng các động tác yoga dẻo dai của Ding Hu
Với tạo hình mũm mĩm, chú ếch của Ding Hu tự tin thả dáng với nhiều động tác yoga, từ cơ bản đến khó nhằn. Tuy thoạt nhìn, các khung…
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Chúng ta đã cùng tìm hiểu đâu là những điểm khác nhau nhằm phân biệt giữa Nghệ thuật và Thiết kế. Nhưng xét cho cùng, Thiết kế có được coi…
Sự khác nhau giữa Nghệ thuật và Design
Sự khác nhau giữa Nghệ thuật và Design
Điều gì giúp phân tách Nghệ thuật và Thiết kế là một câu hỏi phức tạp và được tranh luận sôi nổi bấy nay. Nghệ sĩ và designer đều tạo…
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Khi một nhà thiết kế bắt đầu làm việc, họ biết trước những gì mình phải đạt được. Họ được thúc đẩy bởi một mục tiêu, một kế hoạch, một…
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…