William Morris (Phần 1): Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử

17/04/2021

William Morris (Phần 1): Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử

William Morris vẫn được coi là cha đẻ của Arts & Crafts, trào lưu thiết kế quan trọng đầu tiên của thời kỳ Hiện đại. Bên cạnh di sản sản phẩm rất lớn, Arts & Crafts đã là trào lưu tạo cảm hứng và đặt tiền đề trực tiếp về tư tưởng cho nhiều trào lưu khác sau đó như Art Nouveau, Bauhaus, chủ nghĩa Kiến tạo Nga, phong cách Quốc tế… và thậm chí cả De Stijl.

Với tư tưởng của Morris, trào lưu này khơi nguồn lại tinh thần của Gesamtkunstwerk vốn có từ Trung Cổ, nó nhấn mạnh về sự cần thiết của mối quan hệ giữa nghệ sĩ và tác phẩm thông qua lao động thủ công, nó truy vấn vai trò xã hội của nghệ thuật và ngược lại là vai trò của xã hội trong sản xuất lao động, từ đó kiến tạo bình đẳng xã hội. Mô hình và triết lý của Morris đi trước tiền tiến (avant-garde) đã kiến tạo nên nghệ thuật thế kỷ 20. Trong phần 1 của loạt bài 2 phần về William Morris, ta tìm hiểu toàn bộ sơ lược về ông, các thành tựu chính, và tiểu sử.

  • “Chúng ta chẳng có việc gì với nghệ thuật nếu nó không thể được chia sẻ với tất cả mọi người.” – William Morris
  • “Tôi không muốn thứ nghệ thuật cho một vài người, hay giáo dục cho một vài người, hay tự do cho một vài người.” – William Morris
  • “Điều tôi hiểu về nghệ thuật đích thực là sự bày tỏ của một người về niềm vui của anh ta trong lao động.” – William Morris
  • “Đừng chứa trong nhà bạn bất cứ thứ gì mà bạn không thấy là hữu dụng, hoặc tin là đẹp.” – William Morris
  • “Bên cạnh mong muốn được sản xuất ra những thứ đẹp đẽ, niềm đam mê dẫn dắt cuộc đời tôi đã và đang là sự thù ghét với nền văn minh hiện đại.”
  • “Ngày mai, khi thế giới văn minh cần phải có một nghệ thuật mới, một nghệ thuật vinh quang, làm bởi nhân dân và dành cho nhân dân.” – William Morris
  • “Không có thứ gì được làm bởi bàn tay người sẽ xấu xí, nhưng nó sẽ có hình dạng cần thiết phải có, những chi tiết trang trí cần thiết phải có, và sẽ kể câu chuyện về quá trình hình thành của mình và câu chuyện về công dụng của mình.” – William Morris

Sơ lược về William Morris

Không nhiều nghệ sĩ để lại được dấu ấn sâu rộng và khó có thể xóa nhòa trên cả nghệ thuật, văn hóa, lẫn chính trị trong thời đại của mình như những gì mà William Morris đã làm được trong nửa cuối thế kỷ 19. 

William Morris đã được đào tạo để trở thành linh mục và rồi sau đó là kiến trúc sư, trước khi từ bỏ cả hai để hiện thực hóa những hình dung của mình về cuộc sống hài hòa lý tưởng giản dị (arcadia) Trung cổ cùng sự đồng hành của những người bạn trong phong trào Tiền Raphael. Ông chuyển dịch qua lại giữa các hoạt động nghệ thuật và văn học trong suốt cuộc đời của mình. 

Bức Nàng Iseult xinh đẹp (La Belle Iseult) (1834-1846) là bức tranh cỡ trung bình (“easel painting” – “tranh vẽ được trên giá vẽ”) duy nhất William Morris từng thực hiện. Người mẫu của bức tranh là Jane Burden rồi trở thành Jane Morris – vợ của ông.

Ban đầu, Morris vẽ những bức tranh theo phong cách Quattrocento ngọt ngào như những người cùng thời trong nhóm Tiền Raphael của ông – mà trong đó đáng chú ý nhất là Dante Gabriel Rossetti, rồi ông nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực kiến ​​trúc và thiết kế nội thất, tạo ra một số trong những mẫu dệt và đồ nội thất thành công về mặt thương mại và được ngưỡng mộ lâu dài nhất trong lịch sử nghệ thuật Anh. Về cuối đời, Morris càng ngày càng tập trung nhiều vào tham vọng chính trị cấp tiến, thứ vốn luôn là nền tảng cho quá trình sáng tạo của ông; tập trung vào việc xuất bản các tác phẩm văn học giả tưởng không tưởng theo chủ nghĩa xã hội, và chọn gắn bó công việc trọn đời của mình với tư cách một nhà thơ. 

Năm 1896, khi ông qua đời, ông đã không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm về thế kỷ mình đã sống mà còn là người đặt nền móng cho nhiều công trình nghệ thuật, kiến ​​trúc và chính trị mà định nghĩa cho thế kỷ tiếp theo.

Các thành tựu

  • William Morris vẫn thường được coi là cha đẻ của trào lưu Arts & Crafts quốc tế. Trong thời kỳ mà chủ nghĩa công nghiệp và đô thị hóa ngày càng tăng lên, ông cổ súy một tầm nhìn lý tưởng hóa về nghề thủ công và tiểu thủ công nghiệp của thời Trung Cổ. Đối với Morris, nghệ thuật sẽ chẳng là gì nếu nó không phải là sản phẩm của lao động thủ công: một hoạt động mang tính cộng hưởng, thấm nhuần tinh thần, qua đó con người lớn lên cùng nhau trong mối quan hệ gần gũi và gắn kết với môi trường tự nhiên của họ. Lấy cảm hứng một phần từ nhà sử học nghệ thuật John Ruskin, thẩm mỹ Arts & Crafts của Morris đã ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến một loạt phong trào nghệ thuật và văn học trong những thập kỷ sau đó, từ Art Nouveau đến các cuốn sách của các nghệ sĩ theo chủ nghĩa Vị lai và người theo chủ nghĩa Dada.
  • William Morris là nghệ sĩ đầu tiên của thời kỳ hiện đại đã kết hợp chữ với hình ảnh trong việc thể hiện tầm nhìn của mình. Theo bước chân của William Blake vĩ đại – một người cấp tiến và có tầm ảnh hưởng lớn sinh ra ở London, Morris đã phát triển một loại hình thẩm mỹ, mà trong đó các từ sẽ được in, ví dụ như là trên một tấm thảm treo hoặc trên một bản thảo in tay, dựa vào các họa tiết bao quanh chúng như các hình ảnh trên văn bản để truyền tài ý nghĩa. Khái niệm về thực hành nghệ thuật đa phương tiện này, mặc dù được hiện thực hóa trong bối cảnh hoài cổ chủ nghĩa trung cổ, lại làm tiền đề cho những thử nghiệm ngôn ngữ và nghệ thuật triệt để hơn của thế kỷ 20, từ thiết kế sách theo chủ nghĩa Kiến tạo đến Thi ca Cụ thể.
  • Giống như người dẫn dắt Rossetti của mình, William Morris thích làm việc cùng với những người bạn, những người cộng tác sáng tạo mà ông chia sẻ thế giới quan nghệ thuật và tinh thần. Người ta thường cho rằng những nỗ lực hợp tác này – giống như những nỗ lực của Hội huynh đệ Tiền Raphael mà Morris có liên quan phần nào – đã là tiền đề cho khái niệm về sự tiền tiến (avant-garde) mà đã ảnh hưởng đến nền văn hóa nghệ thuật cấp tiến trong phần lớn thế kỷ sau đó. Nếu định nghĩa về tiền tiến có bao gồm một tầm nhìn thẩm mỹ tập thể, cấp tiến kết hợp với các mục tiêu chính trị không tưởng, thì các hoạt động của Morris và những người đồng hành với ông chắc chắn phù hợp.
Hoa nghinh xuân (Forsythia) (1966) của Mary Ellen Solt, một tác phẩm quan trọng của trào lưu Thi ca Cụ thể

Tiểu sử của William Morris

Tuổi thơ

William Morris sinh năm 1834 tại Walthamstow, Essex, là con thứ ba trong một  gia đình có 9 người con. Cha của William, người mà ông được đặt tên giống như vậy, là một doanh nhân tự thân, đã có thể đem lại cuộc sống khá giả cho gia đình của mình nhờ vào khoản đầu tư đầy khôn ngoan vào một mỏ ở Devonshire. Mặc dù William Morris (cha) qua đời khi con trai ông mới mười ba tuổi, số tài sản mà ông tích lũy được đã mang lại một khoản thu nhập hậu hĩnh cho người con cho tới tận khi đã trưởng thành. 

Chân dung William Morris (cha) và Emma Morris, cha và mẹ của William Morris

Khi còn nhỏ, Morris đã sống một cuộc sống bình dị, trong ngôi nhà nông thôn rộng lớn của gia đình mình gần Epping Forest, Essex – một ngôi nhà với kiến ​​trúc thời trung cổ được bao quanh bởi khu rừng cây cổ thụ nằm rải rác. Ông đã được gửi đến học tại trường Marlborough danh tiếng tại Wiltshire, nơi ông tuyên bố là “tôi gần như chẳng học được gì”. Bỏ mặc bài vở ở trường lớp, Morris đã dành thời gian để đọc sách, đi theo các sở thích của bản thân, và khám phá cảnh quan xung quanh trường, như các nhà thờ thời Trung cổ và các di tích thời đồ đá mới. Những bức thư còn sót lại từ thời kỳ này, được viết khi Morris mới mười bốn tuổi, cho thấy một tình yêu sâu sắc và sự đánh giá cao của ông đối với kiến ​​trúc. Những nơi chốn đó và những sở thích thời thơ ấu của Morris đã theo ông trong suốt phần đời còn lại, ảnh hưởng đến công việc thiết kế của ông, và trở đi trở lại, như hoài niệm trong những gì ông viết.

Nền tảng giáo dục và đào tạo

Năm 1853, Morris bắt đầu học chuyên ngành Thần học tại Trường đại học Exeter, Oxford, với dự định trở thành một linh mục theo nguyện vọng của mẹ mình. Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy một năm, cách nhìn của ông về cuộc sống đã thay đổi đáng kể: việc đọc sách của ông trong thư viện đã chuyển dần từ các vấn đề tôn giáo sang lịch sử và kiến ​​trúc giáo hội, và cuối cùng là phê bình nghệ thuật của John Ruskin. Chẳng bao lâu sau đó, ông đã phát hiện ra niềm đam mê sáng tác trọn đời của mình, và duyên số trở thành một nhà sáng tạo của ông đã chính thức an bài khi ông gặp Edward Burne-Jones, một đồng nghiệp, một nghệ sĩ và nhà thiết kế mới chớm nở mà ông sẽ làm bạn cho đến cuối đời. Morris được kết nối với một nhóm sinh viên tại Oxford được gọi là Birmingham Set, bao gồm cả nhà toán học Charles Faulkner và nhà thơ Richard Watson Dixon, có chung sở thích về thần học, chủ nghĩa trung cổ và thơ của Alfred Lord Tennyson.

Ảnh chụp chung của Burne-Jones (trái) và Morris (phải) năm 1874

Ngay khi vừa tốt nghiệp vào năm 1856, Morris và Burne-Jones đã chuyển đến London: Burne-Jones làm họa sĩ và nhà thiết kế kính màu, Morris muốn trở thành một kiến ​​trúc sư, một sự thay đổi hướng đi đã không được gia đình đón nhận. Mặc dầu vậy, ông vẫn cứ theo đuổi niềm đam mê của mình và bằng cách Morris bắt đầu học nghề. Thế nhưng, sự nghiệp của ông đã sớm rẽ sang một hướng khác khi ông làm quen với Dante Gabriel Rossetti, một thành viên sáng lập của Hội những người anh em Tiền Raphael. 

Hội nhóm các nghệ sĩ rất thân thiết này do Rossetti, William Holman Hunt và John Everett Millais thành lập vào năm 1848, thực ra đã tan rã hai năm trước đó. Nhưng ảnh hưởng của thẩm mỹ Tiền Raphael đối với nghệ thuật Anh vẫn tiếp tục lan tỏa trong những thập kỷ tiếp theo, một phần là nhờ vào bộ ba sáng tạo mới được hình thành nhờ cuộc gặp gỡ của Rossetti, Morris và Burne-Jones. Morris bị cuốn vào làn sóng sáng tạo nghệ thuật, cùng với những nghệ sĩ có tác phẩm tập trung vào thiên nhiên và tinh thần hiệp sĩ lãng mạn của quá khứ thời trung cổ. Những lý tưởng này là những lý tưởng mà bản thân Morris đã có từ hồi thơ ấu, và cuối cùng ông cũng cảm thấy mình tìm được bạn đồng hành, nơi ông có thể tự do khám phá chúng. Được Rossetti và Burne-Jones khuyến khích, Morris từ bỏ sự nghiệp kiến ​​trúc của mình và bắt đầu vẽ tranh theo phong cách Tiền Raphael.

Vườn cây quả (The Orchard) (1890) – một thiết kế thảm treo thuộc thời kỳ sau này của Morris có sự gợi nhớ tới thời kỳ vẽ tranh theo phong cách Pre-Raphaelite

Thời kỳ trưởng thành

Morris đã thả mình vào lối sống phóng túng của nhóm, vẽ những người phụ nữ Trung cổ tóc dài trong các phong cảnh thiên nhiên tương tự như tìm thấy được trong các bức màu nước của Rossetti – mặc dù những bức tranh của Morris không bao giờ nhận được sự tán thưởng của giới phê bình như những người Tiền Raphael khác.

Quý bà Lilith (Lady Lilith) (1867) – bản màu nước của bức sơn dầu cùng tên vẽ năm 1866, được vẽ bởi Rossetti và trợ lý Dunn của ông

Vào năm 1857, Morris, Rossetti, và Burne-Jones quay lại Oxford để vẽ tranh tường cho Thư viện Liên hiệp (Union Library). Cùng năm đó, Morris gặp Jane Burden, một người phụ nữ xinh đẹp thuộc tầng lớp lao động mà đã bắt đầu làm mẫu cho tranh của ông và Rossetti. Morris phải lòng bà, và họ cưới nhau vào năm 1859. 

Trong khoảng thời gian này, trí tưởng tượng sáng tạo của Morris đã đưa ông vượt ra ngoài hội họa. Ông quan tâm đến việc thẩm mỹ và đạo đức của những người thuộc phong trào Tiền Raphael có thể được áp dụng trên nhiều loại hình nghệ thuật và thủ công ứng dụng khác nhau ra sao. Thẩm mỹ và đạo đức đó là: một tình yêu cho thiên nhiên, thẩm mỹ thời trung cổ và kiến ​​trúc Gothic, một sự thù ghét cho cơ giới hóa. Đồng thời, người nghệ sĩ ấy cũng khao khát có một ngôi nhà bên ngoài thành phố, nơi ông có thể xây dựng một gia đình. Những tham vọng này đã hội tụ trong thiết kế Red House (Ngôi nhà Đỏ), được hoàn thành vào năm 1860 cùng với sự hợp tác của kiến ​​trúc sư Gothic Philip Webb. 

Ngồi nhà Đỏ, Bexleyheath, London, nước Anh

Red House là một kiệt tác kiến ​​trúc, gói gọn những gì sau này trở thành thẩm mỹ Arts & Crafts. Những mái nhà nghiêng có đầu hồi, lò sưởi bằng gạch được sơn, và khu vườn nhỏ xiêu vẹo là đại diện điển hình của hình dung mới về cái vẻ đẹp mà những người thời Tiền Raphael đã xác định trong các bức tranh của họ, nhưng hiện thực hóa lại các lý tưởng đó trong không gian ba chiều: nó, một cách tóm gọn, định nghĩa triết lý của Arts & Crafts. Tọa lạc gần London, Red House sẽ trở thành chỗ nghỉ ngơi tại vùng quê của những người nghệ sĩ quen biết của Morris trong năm năm sau đấy.

Sau khi ngôi nhà được xây dựng, Morris và những người bạn của mình đã quyết định sẽ tự tay trang trí nội thất, với sự phối hợp sáng tạo giữa nhiều nguyên tắc trong thiết kế nội thất Arts & Crafts. Burne-Jones thiết kế các cửa sổ kính màu, trong khi đó Morris chịu trách nhiệm tạo ra các bức tranh tường với sự giúp đỡ của Rossetti và các thành viên khác trong Hội Tiền Raphael. Trong thời gian này, Morris bắt đầu dành sự tập trung vào giấy dán tường và các thiết kế dệt may – chính những thứ đã khiến ông trở nên nổi tiếng, và một vài trong số đó hiện vẫn còn có thể được tìm thấy trong ngôi nhà. Nỗ lực hợp tác này đã dẫn đến sự thành lập Morris, Marshall, Faulkner & Co., hay còn được biết đến với tên là ‘The Firm‘, một công ty thiết kế và nghệ thuật dẫn đầu về kỹ thuật thủ công và kỹ thuật truyền thống mang đậm tính thẩm mỹ thời Trung cổ. Các thành viên bao gồm Rossetti, Webb và Burne-Jones, cùng P.P. Marshall, Charles Faulkner và Ford Madox Brown.

Tái lập điện tử của phòng vẽ gốc “Cung điện Nghệ thuật” (Palace of Art), nội thất Ngôi nhà Đỏ

“The Firm” đặt trụ sở tại Luân Đôn và bắt đầu gặt hái được nhiều thành công về thương mại. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian này, cuộc sống cá nhân của Morris có những bước ngoặt xấu nhất. Năm 1865, ông buộc phải từ bỏ Red House vốn luôn bất tiện vì cách xa trụ sở của “The Firm” ở London. Cuộc hôn nhân của ông cũng tan vỡ: mặc dù ông và vợ ông, Jane, đã có một khoảng thời gian sống hạnh phúc ở Ngôi nhà Đỏ cùng với hai cô con gái của mình, nhưng bà đã vừa công khai mối quan hệ trở thành áp-phe kéo dài với bạn và người thầy của Morris là Rossetti. 

Morris tìm niềm an ủi trong sự làm việc chăm chỉ và làm thơ; đến những năm 1860, ông đã trở thành một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất ở Anh. Năm 1871, ông chuyển đến một ngôi nhà ở Kelmscott, Oxfordshire cùng với vợ con, và kỳ quặc là, cùng với Rossetti nữa. Người ta đồn đoán rằng Morris miễn cưỡng cho phép Rossetti chung sống cùng vợ chồng mình tại Kelmscott vì vợ, nhưng bất chấp hành động cao cả đáng chú ý này, tình hình trong nhà đã tạo ra căng thẳng giữa hai người, và cuối cùng, vào năm 1874, Rossetti đã rời đi.

Giai đoạn sau

Năm 1875, Morris giải thể The Firm và thành lập Morris & Co, một công ty mới – tiếp tục kinh doanh gần 50 năm sau khi ông qua đời. Mặc dù vào năm 1940, công ty đã bị thanh lý, nhưng nhà sản xuất vải và giấy dán tường Sanderson & Sons của Anh đã mua giấy phép thiết kế, cho nên các thiết kế của Morris vẫn được bán dưới tên của ông cho đến tận ngày hôm nay. Ông đã mở rộng số lượng của giấy dán tường và thiết kế vải họa tiết hoa lên một mức độ chưa từng có, một sự sáng tạo nhạy bén mà nhờ đó, công ty của ông đã rất phát triển. 

Tự ném mình vào lý thuyết và thực tiễn của quá trình thiết kế, ông đã dành nhiều giờ đồng hồ để học cách in mộc bản và dệt thảm trang trí. Niềm yêu thích kỹ thuật nhuộm và in thủ công thời trung cổ, niềm đam mê nghệ thuật trước đây của ông còn được thể hiện qua việc đồng sáng lập Hiệp hội Bảo vệ các tòa nhà cổ, tổ chức phản đối việc trùng tu các tòa nhà lịch sử bằng phương pháp hiện đại. Cộng đồng này vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, và những ý tưởng làm nền tảng cho nó – được Morris mô tả là “chống cạo mủ” – hiện đã được tán thành rộng rãi.

Đây cũng là thời điểm Morris nâng cao ý thức xã hội. Quan điểm của ông về nghề thủ công, và sự phản đối của ông đối với các phương pháp công nghiệp hiện đại, đã lôi cuốn ông hướng tới những mục tiêu tiến bộ. Tuy nhiên, khi chứng kiến ​​sự bất bình đẳng giai cấp nghiêm trọng trên khắp châu Âu và khi ông trở nên thông thạo hơn trong chính trị đương thời, Morris đã trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa cấp tiến. Ông đã viết một số cuốn sách nổi tiếng liên quan đến sự nghiệp của mình, như tạp chí du lịch giả tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng Tin tức từ Không đâu (News From Nowhere) (1890), và năm 1874 thành lập Liên đoàn xã hội chủ nghĩa ở Hammersmith, phía Tây London – nơi gia đình ông đã tái định cư vào năm 1879. Giống như anh hùng thời đại học John Ruskin của ông, quan điểm chính trị của Morris không thể tách rời khỏi thẩm mỹ của ông. Ông tin rằng nghệ thuật nên được tạo ra và thưởng thức bởi tất cả mọi người; rằng các sản phẩm của lao động nghệ thuật cần được quay trở về phục vụ cho các tầng lớp lao động.

Morris đã dành những năm cuối cùng của cuộc đời trong một ngôi nhà mới ở miền Tây London, được gọi một cách trìu mến là Nhà Kelmscott, để tôn vinh nơi mà trước đây ông đã từng ở. Năm 1891, ông khởi động dự án sáng tạo cuối cùng của mình, Kelmscott Press. Từ lâu, ông đã thích sáng tạo các tập truyện và thần thoại được minh họa phức tạp, và ông quyết định thành lập một nhà in chuyên sản xuất những cuốn sách minh họa đẹp mắt – được lấy cảm hứng từ các bản thảo của giáo hội thời Trung cổ. Kể từ thời điểm đó cho đến khi qua đời vào năm 1896, ông đã dành thời gian của mình cho Kelmscott Press, công việc thiết kế và các hoạt động xã hội chủ nghĩa của mình.

Di sản của William Morris 

Di sản mà William Morris đã để lại cũng lớn như là khó để truy dấu. Khả năng nghệ thuật và thơ ca của ông, cùng những đặc điểm mới mẻ, triệt để về nghệ thuật và xã hội mà ông đã tán thành, thông qua thế giới nghệ thuật, kiến ​​trúc, thiết kế, thơ ca và tư tưởng chính trị, đã đem đến những làn sóng gây chấn động cho thời đại. 

Tác động rõ ràng nhất chính là phong trào Arts & Crafts mà ông luôn được coi là “cha đẻ”. Một số bạn bè và người quen của ông, trong đó có con gái của ông – bà May Morris – đã tiếp thu thành tựu của ông trong lĩnh vực thủ công và thiết kế. Các tác phẩm của ông trong khi đó gây tiếng vang đối với quốc tế, truyền cảm hứng cho sự phát triển của Art Nouveau ở Pháp, cũng như trào lưu Arts & Crafts ở Bắc Mỹ.

Ý tưởng về một cộng đồng thủ công và hợp tác của ông đã được thể hiện qua ‘The Firm‘ và việc xây dựng Red House, sẽ truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trong suốt thế kỷ về sau. Eric Gill sớm thành lập nhóm nghệ thuật Công giáo của riêng mình ở Sussex, mang theo những lý tưởng của Morris về việc kết hợp cái đẹp và chức năng thông qua thiết kế và ký tự trang trí. 

Eric Gill là tác giả của nhiều phông chữ nổi tiếng, ví dụ như Gill Sans

Vài thập kỷ sau, vào năm 1951, Lễ hội Anh đã lấy cảm hứng từ niềm tin xã hội chủ nghĩa của Morris, và từ chính ý thức của ông về vai trò của cộng đồng trong sản xuất nghệ thuật, họ đã giới thiệu những nguyên tắc này cho một thế hệ sáng tạo mới bao gồm Terence Conran và Lucienne Day. Thời kỳ hoàng kim đầu thế kỷ 20 của tiền tiến nghệ thuật cũng, theo một nghĩa rất thực, đi sau chủ nghĩa cộng đồng không tưởng trong các dự án của Morris.

Sự thống nhất của kiến trúc và trang trí thể hiện trong Ngôi nhà Đỏ cũng có một ánh hưởng không thể suy suyển tới triết lý kiến trúc trong nhiều thập kỷ kế tiếp, về cơ bản ảnh hưởng tới cách mà các tòa nhà được hình thành và thiết kế. Charles Rennie Mackintosh mở rộng các ý tưởng của Morris bằng cách coi mỗi tòa nhà của mình là một Gesamtkunstwerk, một tác phẩm nghệ thuật tổng thể, trong đó các yếu tố trang trí, nội thất, và kiến trúc đều được đặt khớp với nhau. Ngay cả Frank Lloyd Wright và Walter Gropius, những kiến trúc sư đã tạo ra những kiệt tác tinh tế của chủ nghĩa hiện đại, cũng thoải mái thừa nhận tác động của tác phẩm của Morris tới những phát triển thời đầu của họ. 

Frank Lloyd Wright có được đến tám công trình được UNESCO ghi nhận là di sản thế giới

Trong khi đó, suy nghĩ của Morris về mối quan hệ giữa quốc gia và thành phố, và cách hai thứ đó có thể kết hợp với nhau, có thể cảm nhận được trong mô hình mang tính bình đẳng xã hội của Thành phố Vườn (Garden City), xuất hiện trong dự án đầu thế kỷ 20 như Thành phố Vườn Welwyn.

Người dịch: Duyên
Nguồn: The Art Story

Theo dõi loạt bài Lịch sử thiết kế đồ họa bằng cách click vào banner bên dưới!

Cùng tác giả

#Tag

arts and crafts Heirstory Hương Mi Lê Lê Hương Mi lịch sử thiết kế phong trào nghệ thuật và thủ công Series Lịch sử thiết kế đồ họa william morris

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…