10 điều thú vị về thời kì Victoria tại Anh (P.2)

Lần trước khi nhắc về thời Victoria, chúng ta đã nhắc sơ qua việc đi lại bằng hơi nước, Alice ở Xứ sở diệu kì, Chủ nghĩa lãng mạn, Tiền Raphael và Sherlock Holmes.

Tiếp đến, hãy cùng nghía qua phong cách Gothic, Jack the Ripper, Nhiếp ảnh, Vườn bách thú và Bảo tàng Victoria & Albert để xây dựng thêm hình ảnh trực quan của chúng ta về thời đại Victoria và thế giới mà họ tồn tại.


*Thời kì Victoria (Victorian era): Ám chỉ thế kỉ thứ 19 trong thời kỳ Nữ hoàng Victoria của nước Anh trị vì, từ năm 1837 cho đến khi bà qua đời vào năm 1901.


John Atkinson Grimshaw, The Haunted House, khoảng năm 1868, tranh sơn dầu thuộc bộ sưu tập cá nhân.

Tác giả: Sarah Mills


Phong cách Gothic trong văn học và nghệ thuật

Phong cách gothic trong kỷ nguyên Victoria được hoàn thiện bằng các tác phẩm văn học, hội họa và các tranh minh họa kỳ lạ.

Ví dụ, đã có một chùm văn học Gothic tại Anh bắt đầu vào năm 1765 với Lâu đài của Otranto bởi Horace Walpole, tiếp theo là Frankenstein của Mary Shelley vào năm 1818 và Đồi gió hú của Emily Bronte năm 1847, Trường hợp kỳ lạ của Tiến sĩ Jekyll và Ông Hyde của Robert Louis Stevenson xuất bản năm 1887, tất nhiên không thể thiếu Dracula của Bram Stoker xuất hiện vào năm 1897.

Đây chỉ là một vài tên tiêu biểu. Dracula Frankenstein có lẽ đã ăn sâu nhất vào kí ức của rất nhiều người, cả hai đều được chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình nhiều vô số kể.

Bìa sách Dracula lần in thứ 13 vẽ bởi Bram Stoker,
NXB William Ryder & Son, London, 1919, Thư viện Quốc gia Anh

Người dân thời Victoria thường bị mê hoặc bởi những câu chuyện về cái chết, sự suy đồi và các ý tưởng về hiện tượng siêu nhiên nên cũng dễ hiểu được khi văn học và nghệ thuật của thời đại ấy phản ánh mối quan tâm khá kì quặc này. Những địa điểm mục nát và ảm đạm bao trùm bởi sự bí ẩn và đầy thách đố với các mê cung hành lang hay những căn phòng điêu tàn; chúng cung cấp địa điểm hoàn hảo cho những câu chuyện đầy cảm xúc và thường là bạo lực, trong đó hồn ma, quỷ hút máu, ma cà rồng không phải hiếm khi xuất hiện.

Những hành động tàn bạo phát sinh từ động cơ cực đoan xuất hiện hiệu quả hơn nếu được diễn ra trong môi trường phản chiếu bản chất đen tối của chính chúng. Bức tranh này của Henry Fuseli có tựa đề The Nightmare (‘Cơn ác mộng’) thể hiện một cách sinh động không khí Gothic: Nỗi thống khổ của Macbeth được viết một cách rõ ràng trên khuôn mặt nhợt nhạt của hắn, sự quyết tâm của Lady Macbeth đầy hoang dã và dữ tợn, bản chất bẩn thỉu của việc ám sát được thực hiện bởi một vị vua trong bức tường tối tăm nơi chính lâu đài của mình, được hé lộ trong phút giây kinh hoàng của cảnh tượng ấy.

Henry Fuseli, Lady Macbeth Seizing the Daggers,
triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Tate năm 1812

Gothic không chỉ là sự thiên vị của người Victoria đối với những vụ giết người đẫm máu hay hành động đen tối. Gothic còn là về trí tưởng tượng và cách mà nó bóp méo hiện thực. Trong bức tranh dưới đây (cũng bởi Fuseli) chúng ta thấy nhiều đồ vật quen thuộc – tấm màn, chiếc giường và một người phụ nữ đang say giấc.

Henry Fuseli, The Nightmare, 1781, Viện Nghệ thuật Detroit

Tuy nhiên, incubus* khiến ta nhận ra rằng cảnh này có điều gì đấy bất thường. Tại sao nó lại ngồi trên người phụ nữ kia? Tại sao lại có một con ngựa trong phòng ngủ?

Một khung cảnh bình thường và quen thuộc đã được chuyển biến bất ngờ, tạo bối cảnh cho một cơn ác mộng mà trong đó, hành động hằng ngày trở thành thứ gì đấy khác lạ và mâu thuẫn với thực tế. Có một yếu tố kinh dị siêu nhiên, nhưng hầu hết đều đem đến cảm giác kì quặc (uncanny), hay ‘unheimlich’ – hai khái niệm ám chỉ việc vốn quen thuộc nhưng bằng cách nào đó bị thay đổi và trở nên kỳ lạ.


*Incubus: loài quỷ hay sinh vật siêu nhiên tựa như hồn ma chuyên quan hệ tình dục với những người đang ngủ, thường là phụ nữ, trong thần thoại Do Thái và châu Âu (theo Wikipedia)


Jack the Ripper (Jack đồ tể) – ám ảnh bạo lực gây tò mò

Ở kì trước, ta thấy rằng Conan Doyle đã tạo ra một vũ trụ trong những câu chuyện Sherlock Holmes của riêng mình, với lý tưởng thời Victoria về sự an toàn và thoải mái về vật chất lẫn nhà cửa. Chính từ nền tảng này, Jack the Ripper nổi lên khét tiếng, làm rúng động những nền tảng của thời Victoria lúc bấy giờ.

Minh họa cho bài viết Finding the Mutilated Body in Mitre Square
(Cơ thể bị phanh thây được tìm thấy ở Mitre Square) trên tờ báo The Illustrated Police News,
1888, tranh khắc gỗ. Nguồn: Wikimedia Commons

Các vụ án mạng Whitechapel xảy ra trong khoảng thời gian từ 1888 đến 1891 (tổng số mười một vụ) trong khu vực ở Luân Đôn nổi tiếng là thiếu thốn điều kiện và khó khăn cho cảnh sát.

Có hay không tất cả mười một vụ giết người được thực hiện bởi cùng một hung thủ đều gây tranh cãi, nhưng năm trong số chúng, được gọi là ‘Canonical Five’, mang cùng một cách thức giết người tương tự đáng kinh ngạc và được coi là gây ra bởi Jack.

Báo chí đưa tin về các tội ác đang ghìm chặt quốc gia khi cuộc điều tra mở ra và nhiều lý thuyết khác nhau được nhắc tới. Bất chấp những nỗ lực to lớn của Lực lượng Cảnh sát Thủ đô (thành lập năm 1829), và đặc biệt là của Thanh tra Frederick Abberline, sự chắc chắn về danh tính của kẻ giết người dường như chưa bao giờ nằm trong tầm tay họ và các vụ án giết người Whitechapel vẫn chưa được lí giải cho đến tận hôm nay.


Nhiếp ảnh và Cái chết

Nhiếp ảnh là một công nghệ mới nhất trong thời đại Victoria. Hình dưới đây là một bức ảnh được chụp bởi Henry Fox Talbot vào năm 1835 – một cửa sổ lưới mắt cáo tại Lacock Abbey ở Wiltshire – đây cũng là bức ảnh âm bản lâu đời nhất được biết đến. Fox Talbot chịu trách nhiệm cho những tiến bộ tuyệt vời trong phương pháp chụp ảnh, tiên phong trong quá trình xử lý giấy và in kiểu mẫu, hay calotype (sử dụng giấy được phủ bạc i-ốt), mặc dù ông không hề đơn độc trong lĩnh vực này vì song hành là các tiến bộ khác được thực hiện ở khắp châu Âu.

Henry Fox Talbot, Latticed Window at Lacock Abbey, 1835
nguồn: allthatsinteresting.com

Người Victoria đã vô cùng hồ hởi với sự hiện diện của nhiếp ảnh, đặc biệt là sau khi nó được công khai. Nhiếp ảnh là vô giá trong thời gian ấy, ví dụ, các trường hợp án mạng của Ripper, nó cho phép cảnh sát ghi lại chính xác hiện trường vụ án, xác chết và nghi phạm tiềm năng.

Trái: Ảnh tại nhà xác của Elizabeth Stride, một nạn nhân của Jack the Ripper, 1888
Phải: Dutfield’s Yard, nơi Elizabeth Stride bị giết chết, 1888. Ảnh từ Records of the Metropolitan Police Service (giờ đây thuộc Cục Lưu trữ Quốc gia)

Các khả năng của nhiếp ảnh nhanh chóng lan rộng ra ngoài vòng pháp luật – như trong trường hợp hình ảnh khiêu dâm – và được sử dụng theo một số cách khác nhau bởi bất kỳ ai có thể đặt tay lên máy ảnh.

Người Victoria như chúng ta biết rất quan tâm đến cái chết, nhưng tất nhiên, mất mát và đau buồn cũng được cảm nhận sâu sắc trong thế kỷ XIX như bây giờ. Với sự ra đời của các công nghệ nhiếp ảnh mới và khả năng tiếp cận với máy ảnh (hoặc các nhiếp ảnh gia trong studio của họ) cũng ngày một tăng, việc chụp ảnh những người thân yêu đã qua đời trở nên thời thượng như thể họ vẫn còn sống. Mặc dù phổ biến, loại hình nhiếp ảnh này vẫn đắt tiền và là một thứ xa xỉ chỉ dành cho những người có thể mua được chúng.

Trái và phải: Ảnh người đã khuất thời Victoria, Ann Longmore-Etheridge Collection.
Đôi mắt của người phụ nữ quá cố bên trái được vẽ lên bức ảnh
để mang lại chút sức sống cho bức tranh của họ.

Điều này nghe có vẻ khủng khiếp cho đến khi người ta cho rằng có lẽ nhiếp ảnh cho phép mọi người đối diện với cái chết, đặc biệt là khi nó mang tính riêng tư và làm dịu cú sốc ấy bằng cách làm cho nó xuất hiện như thể người đã ra đi vẫn còn tồn tại.

Bản thân Nữ hoàng Victoria đã giữ một bức ảnh sau khi chết của Albert bên giường bệnh như một kỷ vật.


Vườn bách thú (Zoological Gardens)

Trước Vườn bách thú, người dân thời ấy có các ‘menagerie‘ – bộ sưu tập các loài động vật kỳ lạ của tư nhân thường được giữ như thú tiêu khiển bởi hoàng gia.

Vua Henry I, con trai của William Kẻ chinh phục (Vua William I), đã có một bầy thú nuôi nhốt tại Woodstock ở Oxfordshire bao gồm sư tử và lạc đà. Louis XIV từng có một ‘menagerie’ tại Versailles, nơi có nhiều động vật bao gồm các loài chim và một con báo.

Tuy nhiên, theo thời gian, rõ ràng là các loài cần được nghiên cứu và bảo tồn nhân danh khoa học thay vì chỉ để giải trí, và vì vậy, đã bắt đầu có sự thay đổi từ những ‘menagerie’ sang Vườn bách thú.

George Scharf, Du khách tại Nhà Khỉ trong khu vườn của Hội Động vật học,
tại công viên Regent’s , London, 1835, bản in thạch bản thuộc bộ sưu tập tư nhân

Vườn bách thú tại Công viên Regent’s, còn được gọi là Sở thú Luân Đôn, lần đầu tiên được mở cửa vào năm 1828 cho các hội Động vật học của Luân Đôn. Sau đó vào năm 1847, nó được mở cho công chúng để thu tiền cho việc gây quỹ.

Sở thú Luân Đôn là vườn thú khoa học lâu đời nhất thế giới, nhưng đã luôn có một mối quan tâm mạnh mẽ đến thế giới tự nhiên từ lâu trước thời Victoria.

Bức tranh dưới đây, trong khi nó có thể không phải là của thời Victoria, được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London. Mặc dù được vẽ vào thế kỷ thứ mười bảy, nhưng bằng cách nào đó, ta không cảm thấy nó bị lạc lõng trong thế kỷ XIX – thời mà mối quan tâm với việc khám phá, ghi chép và phân loại thế giới tự nhiên vẫn còn mạnh mẽ. Việc nhìn thấy Dodo ngày càng trở nên hiếm hoi hơn trong thế kỷ XVII và có khả năng nó đã bị tuyệt chủng vào năm 1700. Thật thú vị khi tưởng tượng những gì người xem Victoria sẽ nghĩ về bức tranh này, đặc biệt là nếu họ quen thuộc với Những cuộc phiêu lưu ở Xứ sở diệu kỳ của Alice!

Roelant Savery, Dodo, khoảng năm 1626,
thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London

Bảo tàng Victoria & Albert

Bảo tàng Victoria và Albert thành lập vào năm 1852 (mặc dù tại thời điểm đó, nó được gọi là Bảo tàng Sản xuất) và tất nhiên được đặt theo tên của Nữ hoàng Victoria và chồng là Hoàng tử Albert.

Mục đích ban đầu là cung cấp tài nguyên học tập sau Triển lãm lớn năm 1851, trong đó các thiết kế và các công trình được trưng bày, và Hoàng tử Albert cảm thấy rằng việc cần thiết là nên xây dựng một tổ chức có thể bảo vệ các khu vực này và đẩy chúng đi xa hơn trong tương lai.

Bertha Müller, Nữ hoàng Victoria, 1900, hiện đặt tại National Portrait Gallery

Ban đầu được đặt tại Marlborough House ở Pall Mall, London, bảo tàng đã nhanh chóng vượt quá quy mô của nó và do đó đã được chuyển đến South Kensington.

Vào năm 1899, khi Nữ hoàng Victoria có buổi lễ công khai cuối cùng của bà và khi tên của bảo tàng được chính thức đổi từ Bảo tàng South Kensington thành Bảo tàng Victoria và Albert, Nữ hoàng có phát biểu:

Tôi tin rằng nơi này sẽ còn tồn tại lâu dài cho một Tượng đài Tự do sáng suốt cũng như là Nguồn Tinh chế và Tiến bộ“.

(Công báo Luân Đôn, ngày 19 tháng 5 năm 1899)

The Gamble Room vào năm 1860, sau đó được gọi là Phòng Trung Tâm Giải khát
© Bảo tàng Victoria và Albert, Luân Đôn

Bộ sưu tập rộng lớn của bảo tàng bao gồm hơn hai triệu đồ vật chứa đầy 145 phòng trưng bày khác nhau. V&A cũng là bảo tàng đầu tiên thu thập những bức ảnh như nghệ thuật.

Kiến trúc của Bảo tàng Victoria và Albert là nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó – ngay cả phòng trà, được gọi là The Gamble Room, và nhiều tòa nhà ở đây tựu chung thành bảo tàng thật sự tuyệt đẹp này!

The Gamble Room hiện nay. © Victoria and Albert Museum, London

Bài viết được đăng trên trang Daily Art – tạp chí online chuyên về lịch sử nghệ thuật. Daily Art Magazine còn có ứng dụng giới thiệu với người dùng mỗi ngày một bức tranh trong lịch sử nghệ thuật thế giới, bạn có tải về trên Google Play hoặc App Store.


Lệ Lin lược dịch từ Daily Art

Cùng tác giả

#Tag

bảo tàng nghệ thuật Gothic Heirstory lịch sử thời kì victoria

iDesign Must-try

‘Museum of Lost Memories’: Bảo tàng chuyên lưu giữ hồi ức bị lãng quên
‘Museum of Lost Memories’: Bảo tàng chuyên lưu giữ hồi ức bị lãng quên
Một nơi chốn chứa đựng những đoạn đời mà ta đã trải qua, và rồi vô tình lãng quên sau bao năm cuộc đời trôi chảy. Nếu dạo một vòng…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Trong phần cuối cùng của chuỗi bài Hiện thực, chúng ta cùng tìm hiểu các tác phẩm nổi bật và quan trọng đối với trào lưu - được sắp xếp…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Gustave Courbet nói rằng ông vẽ “người thị trường, nặng 180kg, vị linh mục quản xứ, công lý của hoà bình, người mang thánh giá, công chứng viên Marlet, vị…
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Mặc dù lịch sử thiết kế đồ hoạ chỉ chính thức bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, việc tìm hiểu lịch sử nghệ thuật…
Tổng quan dòng chảy lịch sử thiết kế đồ hoạ
Tổng quan dòng chảy lịch sử thiết kế đồ hoạ
Trong ba tháng vừa qua, chuyên mục Lịch sử Thiết kế Đồ hoạ tại iDesign đã ra mắt và giới thiệu đến các bạn một số bài viết chia sẻ…
Trào lưu Art Deco (Phần 2): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
Trào lưu Art Deco (Phần 2): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
1928: Victoire của René Lalique Các tác phẩm của điêu khắc của Lalique gần như là hét lên rằng “Art Deco”, chuẩn mực đối với phong cách này tới mức…