Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 12/2021

Khép lại một năm với đầy rẫy những điều bất ngờ và tràn ngập sự sôi động trong thế giới nghệ thuật sáng tạo. Cùng chúng mình điểm lại những sự kiện nổi bật đã diễn ra trong tháng cuối cùng của 2021 này nhé!

Pantone công bố chính thức mã màu của năm 2022

Một trong những sự kiện được mong chờ nhất năm đối với người làm sáng tạo. Trở thành thông lệ vào mỗi tháng 12, Pantone sẽ công bố chính thức màu sắc cho năm tới. Nếu năm ngoái, công ty đến từ Mỹ cho ra mắt đến hai màu là xám tối thượng và vàng nắng, thì năm nay họ lại tạo một màu hoàn toàn mới không có trong thư viện của công ty từ trước tới nay. Và màu của năm 2022 gọi tên Very Peri (Pantone 17-3938) – Sắc xanh của hoa dừa nước.

Được mô tả là màu “hạnh phúc và ấm áp nhất trong tất cả các màu xanh lam”. Very Peri pha trộn giữa “tính bền bỉ của sắc lam với năng lượng phấn khích của sắc đỏ” để mang đến một “sự kết hợp đầy nhiệt huyết mới mẻ” cùng “tinh thần tự tin và sự tò mò táo bạo”.

“Thật kì lạ khi gọi màu xanh lam là “hạnh phúc”, nhưng khi bạn thêm yếu tố đỏ vào đó, đây chính xác là những gì xảy ra. Chúng tôi cảm thấy điều quan trọng là phải kết hợp các màu sắc với nhau để mang lại cảm giác mới mẻ.” – Leatrice Eiseman, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu màu sắc Pantone nói trên Time.

Với việc chọn màu xanh lam, nó cũng gợi lại ánh sáng xanh của các thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại thông minh của chúng ta vào thời điểm mà nhu cầu con người đang ngày càng chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật số với sự gia tăng của các tiến bộ công nghệ như NFT, thực tế ảo và Metaverse mới nổi.


Nhiều bảo tàng ở Châu Âu tiếp tục đóng cửa vì biến chủng mới Omicron

Bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam đóng cửa vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Hà Lan.

Biến chủng mới của Virus Corona – Omicron đang tàn phá nặng nề trên khắp bình diện Châu Âu. Để ứng phó với tốc độ lây nhiễm ngày càng tăng, các bảo tàng ở Đan Mạch đã đóng cửa hoàn toàn vào giữa tháng 12 này như một phần của biện pháp ngăn chặn sự lây lan chóng mặt. 

Với Hà Lan, thủ tướng Mark Rutte đã thông báo trên Twitter của mình vào tối thứ bảy ngày 18/12 rằng tất cả các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và những dịch vụ không thiết yếu sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 14/1. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ bảo tàng sẽ dừng hoạt động cho đến giữa tháng 1 năm sau. Chỉ thị được đưa ra nhằm bảo vệ cho hệ thống y tế Hà Lan đang ở mức gần như quá tải, song song với đó là thời gian để người dân tiêm các mũi vắc-xin tăng cường.

Trong khi đó ở Anh, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên đã phải ban bố lệnh đóng cửa đặc biệt cho đến ngày 27/12 vì tình trạng thiếu hụt nhân viên do nhiễm Covid-19. Đây không phải là bảo tàng duy nhất bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, Bảo tàng Foundling cũng đã quyết định đóng cửa trong bối cảnh Virus bùng phát mạnh mặc dù chính phủ chưa đưa ra bất kỳ chỉ thị chính thức nào cho các bảo tàng.


26 nghệ sĩ nổi tiếng trưng bày các tác phẩm sắp đặt về biến đổi khí hậu ở Cliff-House

Daniel Beltrá với tác phẩm “Sự cố tràn dầu # 12″ – 2010. Daniel Beltrá cũng sẽ góp mặt trong triển lãm “Lands End” tới đây.

Cliff-House được biết đến với khu phức hợp giải trí nổi tiếng thời Victoria nằm trên Thái Bình Dương thuộc địa phận Hoa Kỳ, là địa điểm tổ chức đám cưới của nhiều ngôi sao đình đám và chi phí du lịch đắt đỏ thuộc dạng nhất nhì trên thế giới. Tuy nhiên, nó đã phải đóng cửa trong suốt 1 năm qua bắt đầu từ cuối năm 2020 khi đại dịch hoành hành. Viễn cảnh ấy bắt đầu tươi sáng hơn khi For-Site Foundation quyết định chọn nơi này cho triển lãm mới “Lands End” sắp tới của họ.

Cụ thể, Giám đốc sáng lập For-Site Foundation, Cheryl Haines và nhóm của cô có khoảng sáu tuần để tổ chức triển lãm cùng nhau tại đây. Đầu tháng 9 vừa rồi, họ mới bắt đầu lắp đặt các tác phẩm của 26 nghệ sĩ bao gồm Doug Aitken, Andy Goldsworthy, Olafur Eliasson, Ana Teresa Fernandez,…. Triển lãm “Lands End” sẽ mở cửa đến hết tháng ba năm sau và miễn phí cho công chúng tham quan tự do.

Các tác phẩm sẽ xoay quanh vấn đề về biến đổi khí hậu cấp thiết hiện nay. Với một chủ đề hiện sinh như vậy, Haines hy vọng “Lands End” sẽ biến “khung hình ở Cliff-House” trở nên quyến rũ với những ý tưởng độc đáo mà các nghệ sĩ đem tới. Bên cạnh đó là nhấn mạnh tình trạng khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng rõ nét đến San Francisco, nơi tổ chức triển lãm.


teamLab giành chiến thắng trong vụ kiện bản quyền với một công ty Trung Quốc

Tác phẩm gốc của teamLab (bên trái) và phiên bản đạo ý tưởng của công ty Trung Quốc (bên phải).

Đặt tiền lệ quan trọng trong việc xây dựng tính bản quyền nghệ thuật tại Trung Quốc, teamLab đã chiến thắng một công ty tại quốc gia triệu dân trên chính đất nước của họ. Cụ thể công ty này đã “vay mượn ý tưởng” của teamLab trong “Teamlab Borderless”, với tác phẩm Forest of Resonating Lamps (2016) (tạm dịch: Cộng hưởng Rừng Ánh Sáng) để dàn dựng lại một tác phẩm y hệt.

Trong phiên xét xử, tòa án đã công nhận tác phẩm của teamLab vì tính độc đáo và ý nghĩa thẩm mỹ riêng biệt của nó. Các tác phẩm của teamLab được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới và “rất nổi bật trong lĩnh vực dịch vụ triển lãm nghệ thuật cũng như được công chúng bao gồm cả khán giả Trung Quốc cực kỳ ngưỡng mộ”.

Ngoài những điểm tương đồng về mặt thẩm mỹ giữa hai tác phẩm, các bị đơn còn trình bày phiên bản của họ dưới một cái tên khá giống với tác phẩm gốc: “TeamLab Borderless Breathing Forest Light Exhibition” (tạm dịch: Triển lãm TeamLab Borderless Hơi Thở Rừng Ánh Sáng), được ghi rõ ở bảng chỉ dẫn và trên vé tham quan triển lãm.


Hà Lan chi 198 triệu đô la để mang một bức chân dung tự họa của Rembrandt trở về

Bức “The Standard Bearer” – 1636 của Rembrandt.

Bức chân dung tự họa năm 1636 của họa sĩ thời hoàng kim Hà Lan Rembrandt với tựa đề The Standard Bearer (tạm dịch: Người cầm cờ tiêu chuẩn) đã nằm trong tay các nhà sưu tập tư nhân suốt nhiều thế kỷ qua, từ Vua George IV của Anh đến gia đình Rothschild sở hữu bức tranh năm 1844 tới nay. Vừa qua, gia đình người Pháp đã đồng ý bán lại bức chân dung quý hiếm này với giá 175 triệu euro (tương đương 198 triệu đô la).

Ngay lập tức chính phủ Hà Lan quyết định mua The Standard Bearer để biến bức tranh thành “tài sản của đất nước này mãi mãi”. Việc mua bán vẫn chưa được hoàn tất vì chính phủ Hà Lan đang chờ quốc hội phê duyệt ngân sách. Theo đó Quỹ Rijksmuseum ở Amsterdam sẽ đóng góp 10 triệu euro (11 triệu đô la), trong khi đó 15 triệu euro (17 triệu đô la) khác đến từ Hiệp hội Rembrandt. Phần còn lại khoảng 150 triệu euro (170 triệu USD) sẽ được trả bằng tiền thuế quốc gia.

Sau khi hoàn tất, bức tranh của Rembrandt sẽ chuyến vòng quanh đất nước trước khi được trưng bày lâu dài tại Phòng trưng bày danh dự của Rijksmuseum. Ingrid van Engelshoven, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan, cho biết: “Với việc mua lại bức tranh, chúng tôi đang làm cho một trong những tác phẩm đẹp nhất của Rembrandt có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Sau một cuộc hành trình kéo dài hàng thế kỷ, giờ là lúc để The Standard Bearer trở về nhà.”

The Standard Bearer được coi là một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật. Đây là một trong những bức tranh đầu tiên mà Rembrandt tạo ra khi ông trở thành một nghệ sĩ độc lập, mở đường cho một bước đột phá nghệ thuật dẫn đến kiệt tác nổi tiếng của ông, The Night Watch (tạm dịch: Tuần Đêm).


Hoa Kỳ trả lại 200 cổ vật từ các Bảo tàng hàng đầu và Bộ sưu tập tư nhân cho Ý

Một chiếc bình cổ thời La Mã cổ đại được Mỹ trao trả cho Ý.

Những chiếc bình cổ, tượng bán thân bằng đá cẩm thạch, tượng nhỏ bằng gốm và thậm chí cả một bức tượng La Mã cổ đại đã bán cho Kim Kardashian là một phần trong số 200 đồ vật (ước tính trị giá khoảng 10 triệu đô la) bị chính quyền Mỹ tịch thu để trả lại cho Ý trong khuôn khổ thỏa thuận hồi hương lớn nhất từ ​​trước đến nay giữa hai quốc gia.

“Trong nhiều năm qua, các bảo tàng uy tín và nhà sưu tập tư nhân trên khắp Hoa Kỳ đã trưng bày những kho báu lịch sử của Ý này mặc dù sự hiện diện của chúng ở Mỹ là bằng chứng về tội ác cướp bóc di sản văn hóa.” luật sư quận Manhattan, Cyrus R. Vance Jr. cho biết trong một tuyên bố.

Nguồn cơn cho sự việc này là có khoảng 160 người liên quan đã thực hiện giao dịch với tay buôn cổ vật, Edoardo Almagià 70 tuổi đến từ Rome, người đàn ông đã điều hành hoạt động buôn lậu trong 30 năm qua. Văn phòng luật của Manhattan tin rằng các bảo tàng khác trên khắp đất nước vẫn còn lưu giữ các hiện vật từng thuộc sở hữu của Almagià, vì vậy có thể sắp tới sẽ có thêm những cuộc trao trả bổ sung.


Triển lãm chìm đắm đầu tiên được tổ chức tại Mexico để kỷ niệm cuộc đời và nghệ thuật của Frida Kahlo

Triển lãm chìm đắm “FRIDA” tại Mexico.

Từ Claude Monet đến Vincent van Gogh, các cuộc triển lãm chìm đắm đã tạo ra một cách trải nghiệm mới để mọi người biết đến di sản của các nghệ sĩ nổi tiếng. Mới đây, Tòa nhà Frontón của Thành phố Mexico giới thiệu đến công chúng một triển lãm nhập vai của danh họa Frida Kahlo.

Với tựa đề “FRIDA”, đây là triển lãm nhập vai đầu tiên từng được tạo ra và sản xuất tại Mexico. Với thời lượng khoảng 45 phút, chương trình có nhiều hình chiếu quy mô lớn về nghệ thuật của Kahlo bằng hình ảnh động trên sàn nhà và trần nhà. Đi kèm là âm nhạc được tạo ra bởi nữ nhạc sĩ từ Oaxaca – người đã sáng tác các tác phẩm lấy cảm hứng từ tác phẩm nghệ thuật của Kahlo.

Ngoài ra, khách tham quan tại FRIDA cũng sẽ được tìm hiểu về nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của Kahlo bằng cách tham quan các không gian đa sắc có trong triển lãm. Bên cạnh đó còn có các trò chơi, loạt nhiếp ảnh và năm module chuyển động để mọi người có thể tương tác trực tiếp.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

frida kahlo Hoàng pantone PANTONE 17-3938 Very Peri Rembrandt van Rijn Series Điểm tin nghệ thuật teamlab teamlabborderless very peri

iDesign Must-try

/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 01/2024
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 01/2024
Một cậu bé 13 tuổi được tuyển làm thực tập sinh cho Louis Vuitton; ‘Thiếu niên và chim diệc’ giúp đạo diễn Hayao Miyazaki giành Quả Cầu Vàng đầu tiên…
PANTONE 13-1023 Peach Fuzz - Màu sắc tượng trưng cho lòng nhân ái và sự kết nối của con người
PANTONE 13-1023 Peach Fuzz - Màu sắc tượng trưng cho lòng nhân ái và sự kết nối của con người
Giữa những xung đột toàn cầu và căng thẳng vô tận, PANTONE đã chính thức công bố màu sắc của năm 2024 là PANTONE 13-1023 Peach Fuzz, một sắc đào…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 06/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 06/2023
Hayao Miyazaki tung poster bộ phim hoạt hình cuối cùng mà ông thực hiện “How Do You Live?” như một lời tạm biệt, Intel thiết kế kiểu chữ miễn phí nhằm…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 05/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 05/2023
TikTok tung ra kiểu chữ mới nhằm cải thiện khả năng đọc và giữ chân người dùng; FIFA rục rịch giới thiệu Logo thương hiệu chính thức cho World Cup…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 04/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 04/2023
Dove tung ra quảng cáo để thay đổi ‘lý tưởng làm đẹp độc hại’ của thanh thiếu niên, Fanta ra mắt bộ nhận diện thương hiệu toàn cầu, Mr.Doodle tổ…