Quá trình khoác áo mới cho Lang Liêu - Đại diện Việt Nam trong tủ sách Asia’s Lost Legends
Lang Liêu – The Prince and The Precious Rice Cakes là một trong những tác phẩm hiếm hoi về cổ tích Việt Nam được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh và xuất bản tại nước ngoài. Cùng iDesign trò chuyện cùng nhân vật đảm nhận vai trò minh họa cho dự án – họa sỹ Trần Đắc Trung nhé!

Là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam góp mặt trong loạt sách Asia’s Lost Legends do nhà xuất bản Epigram Books phát hành, Lang Liêu – The Prince and The Precious Rice Cakes đã tự hào kể câu chuyện bánh chưng bánh giầy mộc mạc nhưng ý nghĩa đến độc giả nhí bốn phương.
Dáng hình tác phẩm được tác giả Catherine Koo nhào nặn dựa trên quá trình nghiên cứu tài liệu tiếng Anh của mình. Có lẽ vì thế mà nội dung câu chuyện có chút khác biệt so với phiên bản mà đại đa số người Việt đã quen. Tuy vậy, tinh thần và những ý nghĩa sâu sắc trong tác phẩm vẫn được Catherine truyền tải trọn vẹn.
Một trong những chi tiết được thay đổi là việc Lang Liêu tự nghĩ ra ý tưởng làm bánh chứ không nhờ đến sự giúp đỡ của Ông Bụt. Điều này đã giúp Đắc Trung nảy sinh ý tưởng tạo hình cho nhân vật Lang Liêu. Để thể hiện bản chất hiền hòa và mộc mạc như đất trời nước Việt của vị hoàng tử trẻ tuổi, Đắc Trung đã sử dụng thuật tương phản khi tạo hình Lang Liêu so với hai người anh trai – có phần hung dữ và xảo quyệt.

Khi giới thiệu các tài liệu tham khảo thiết kế nhân vật với ban biên tập của Epigram, mọi người hoàn toàn bất ngờ. Một phần vì đây là hình ảnh Việt Nam cổ ít phổ biến, không hề pha lẫn văn hóa Trung Quốc mà mọi người vẫn thường hình dung.
Nói về quá trình thực hiện dự án, Đắc Trung đã gặp khá nhiều thử thách trong quá trình tạo hình nhân vật. Ở những bản vẽ đầu tiên, tạo hình của Lang Liêu và vua Hùng đều nhận được những cái lắc đầu vì hình ảnh đức vua ít nhiều mang nét đẹp của những anh hùng sử thi phương Bắc. Sau khi xem xét lại, Đắc Trung phát hiện nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ người Việt mình ít ai có râu quai nón.




“Qua quá trình vẽ truyện Lang Liêu – The Prince and The Precious Rice Cakes mình đã học được một điều rằng… thật ra có nhiều cách dùng màu xanh lá!”
“Do truyện bối cảnh thời cổ, nhiều cây cối đồng cỏ xanh, bánh chưng cũng là đậu xanh nên lúc đầu mình cũng hơi lo, sợ dùng một tông màu nhiều sẽ trùng lặp. Nhưng qua quá trình thử nghiệm mình nhận ra là nếu mình có thể sáng tạo trong bối cục và phối màu một chút thì truyện nhìn vẫn sẽ rực rỡ dù chỉ có một tông màu chủ đạo.”


“Một chi tiết thú vị khác mà mình muốn chia sẻ đó là mỗi truyện trong bộ Asia’s Lost Legends đều có hoa văn ở gáy truyện để tượng trưng cho văn hóa nước đó. Hoa văn mình chọn là họa tiết Chim Lạc Việt hay gặp trên trống đồng. Ban biên tập Epigram cũng rất thích thú với chi tiết này vì nhìn nó lạ mặt và độc đáo trong con mắt của các em nhỏ Singapore.”
Để hoàn thành tốt dự án, Đắc Trung không chỉ phải tập trung sáng tạo và làm nổi bật tính cách nhân vật mà còn cố gắng làm bật nét đặc trưng văn hóa Việt Nam, tránh sự tương đồng với các câu chuyện khác từ Malaysia, Myanmar hay Trung Quốc trong series. Đây thật sự là một thử thách, đặc biệt trong khâu thiết kế nhân vật và hình ảnh bánh chưng bánh giầy.
“Tuy nhiên mình nhận ra phụ huynh và thiếu nhi ở Singapore không có định kiến sẵn về hình ảnh Việt Nam truyền thống, điều này cho phép mình thoải mái tạo nên hình ảnh Việt Nam thật kì ảo và rực rỡ hơn bình thường.”
Bạn có thể tìm hiểu thêm về dự án độc đáo này tại trang Link cũng như đừng quên theo dõi Đắc Trung tại Facebook Page.
Biên tập: Khoa Nghi


iDesign Must-try

‘Gửi em’: Truyện tranh chữa lành dành cho lứa tuổi trưởng thành của họa sĩ Lê Thư

Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’

Vạn Nhân Ký - Noãn: ‘Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh’ (Phần 2)

Vạn Nhân Ký - Noãn: ‘Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh’ (Phần 1)

Lạc vào ‘Đám cưới chuột’ cùng chú bé Đông trong tựa phim hoạt hình 2D ‘Mộng Đông Hồ’
