Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử

Để hiểu rõ về các trào lưu nghệ thuật hay thiết kế thì ta cần tìm hiểu những nghệ sĩ xuất sắc thực hành những trào lưu ấy. Các loạt bài về nghệ sĩ sẽ bao gồm các nội dung: sơ lược về nghệ sĩ, các thành tựu chính, tiểu sử của nghệ sĩ, và đi sâu vào các tác phẩm nổi bật.

Sau loạt bài về trào lưu Art Nouveau, mục Lịch sử Thiết kế Đồ họa đưa tiếp các bạn khám phá một nhân vật cực kỳ quan trọng của trào lưu này, người được mệnh danh là họa sĩ Art Nouveau nổi tiếng nhất – Gustav Klimt. Phần một sẽ có sơ lược, thành tựu, và phần đầu của tiểu sử nghệ sĩ.


  • “Tất cả nghệ thuật đều gợi dục.” – Gustav Klimt
  • “Bất kỳ ai muốn biết điều gì đó về tôi – với tư cách là một nghệ sĩ, và chỉ riêng việc là nghệ sĩ đã là đáng nói rồi – thì họ nên quan sát thật chăm chú những bức tranh của tôi và từ đó tìm kiếm để nhận ra tôi là gì và tôi muốn gì.” – Gustav Klimt
  • “Đôi khi tôi bỏ lỡ buổi vẽ tranh vào sáng sớm và thay vào đó thì tôi nghiên cứu  những quyển sách tiếng Nhật của mình ở ngoài trời.”Gustav Klimt
  • “Không có bức chân dung tự hoạ nào của tôi cả.” – Gustav Klimt
  • “Không có gì đặc biệt để xem khi nhìn vào tôi. Tôi là một hoạ sĩ, vẽ tranh từ ngày này qua ngày khác, từ sáng sớm đến xế chiều – hoạ những bức tranh với các hình tượng và phong cảnh, hiếm hơn là những bức chân dung.” – Gustav Klimt

Sơ lược về Gustav Klimt

Hoạ sĩ người Áo Gustav Klimt là một người lập dị. Một lần, một người khách quen, Friederike Maria (Friederica) Beer-Monti, đến xưởng vẽ của ông để được vẽ một bức chân dung. Bà mặc một chiếc áo khoác lông chồn xa hoa được thiết kế bởi những người bạn của Klimt tại Wiener Werkstätte (một Hiệp hội Sản xuất của những nghệ sĩ Vienna, được thành lập năm 1903 với mục đích đổi mới khái niệm nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật ứng dụng). Ai cũng nghĩ rằng Klimt sẽ đồng ý, nhưng thay vào đó, ông để bà mặc ngược chiếc áo lại, để lộ lớp vải lót bằng lụa màu đỏ ra ngoài, và vẽ bà trong dáng vẻ như vậy. Klimt, họa sĩ lừng danh nhất của Vienna lúc bấy giờ, có đủ uy thế để làm điều này. Tới tận ngày nay, ông vẫn luôn được nhớ đến như một trong những hoạ sĩ trang trí vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đồng thời cũng là người cho ra đời một trong những tập hợp tác phẩm khiêu dâm đáng chú ý nhất.

Đạt được thành công ban đầu trong những nỗ lực thực hiện những đơn đặt hàng liên quan đến kiến trúc một cách học thuật, việc tiếp xúc với các xu hướng hiện đại hơn trong nghệ thuật châu Âu đã khuyến khích Klimt phát triển một phong cách riêng đậm tính cá nhân, chiết trung và xuất sắc. Với tư cách là người đồng sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Vienna Secession (Ly khai Vienna, Hiệp hội các nghệ sĩ Áo và cũng được biết đến như tên của một phong trào nghệ thuật), Klimt cũng bảo đảm rằng phong trào này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng. Klimt chưa bao giờ dính líu đến vụ bê bối nào, nhưng việc sáng tác theo một chủ đề rất gây tranh cãi ngay giữa một trung tâm nghệ thuật có truyền thống là rất bảo thủ gắn liền với sự nghiệp của Klimt. Mặc dù chưa từng kết hôn và là người vốn cực kỳ kín tiếng về đời tư của mình, Klimt vẫn được cho rằng đã duy trì mối quan hệ lãng mạn với một vài tình nhân và cùng với họ có đến mười bốn người con.

Các thành tựu

Bức vẽ cho trần nhà của phòng khiêu vũ lớn tại Đại học Vienna

  • Klimt bắt đầu đạt được những đánh giá cao là với tư cách một họa sĩ trang trí chuyên vẽ các cảnh và nhân vật lịch sử trong rất nhiều những đơn đặt hàng nhằm tôn tạo các công trình công cộng. Ông đã tiếp tục cải tiến phần chất lượng trang trí để rồi cuối cùng những họa tiết phẳng, lấp lánh trong những tác phẩm gần như trừu tượng của ông, mà ngày nay được coi là thuộc “thời kỳ hoàng kim”, trở thành những chủ đề thực sự trong các bức tranh của ông.
  • Mặc dù là một hoạ sĩ “mĩ thuật”, Klimt cũng là một nhân vật minh chứng xuất sắc cho sự bình đẳng giữa mĩ thuật và nghệ thuật trang trí. Đạt được một số thành công ban đầu bằng việc vẽ tranh trong một khuôn khổ kiến trúc lớn hơn, ông đã chấp nhận nhiều đơn đặt hàng nổi tiếng nhất của mình mà vốn được thiết kế để bổ sung những yếu tố khác của một nội thất hoàn chỉnh, nhờ đó tạo nên một Gesamtkunstwerk. Sau này, ông đã hợp tác với những nghệ sĩ của Wiener Werkstätte, tổ chức thiết kế của Áo hướng đến việc cải thiện chất lượng và sự hấp dẫn thị giác của những đồ vật ta sử dụng hàng ngày. 
  • Klimt là một trong những người sáng lập quan trọng nhất của Vienna Secession vào năm 1897, và là vị chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội này, mặc dù ông được chọn không hẳn bởi những tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành của mình – mà thường tương đối nhỏ ở thời điểm đó – mà là bởi tính cách trẻ trung và sẵn sàng thách thức quyền lực của ông. Danh tiếng đầy sức mạnh và mang tính quốc tế của Klimt với tư cách là hoạ sĩ nổi tiếng Art Nouveau nổi tiếng nhất đã góp phần lớn vào thành công ban đầu của Secession – nhưng cũng cả vào sự sụp đổ nhanh chóng của nó khi ông rời đi vào năm 1905. 
  • Mặc dù ngày nay nghệ thuật của Klimt được phổ biến rộng rãi, nhưng nó đã bị bỏ mặc trong phần lớn thế kỷ XX. Những tác phẩm ở những nơi công cộng của Klimt đã gây nên cơn bão phản đối vào chính thời của ông, buộc ông phải đối mặt với cáo buộc khiêu dâm vì những nội dung gợi dục của chúng, cuối cùng khiến cho Klimt phải rút lui hoàn toàn khỏi các đơn đặt hàng của chính phủ. Những bức vẽ của Klimt cũng không hề kém phần khiêu khích và thể hiện đầy đủ khao khát tình dục đáng kể của ông. 
  • Mặc dù nổi tiếng và rộng lượng trong việc cố vấn những nghệ sĩ trẻ hơn, bao gồm Egon Schiele và Oskar Kokoschka, Klimt hầu như không có những môn đệ trực tiếp nào và tác phẩm của ông luôn được xem là mang đậm tính cá nhân và lập dị, thậm chí cho đến ngày nay. Tuy nhiên, những bức vẽ của ông có nhiều nét giống như các nét hình thức và chủ đề đặc trưng của những người theo chủ nghĩa Biểu hiện và chủ nghĩa Siêu thực trong những năm giữa hai thế chiến, ngay cả khi rất nhiều người trong số họ không hề quen thuộc với nghệ thuật của Klimt. 

Tiểu sử của Gustav Klimt

Chi tiết trong bức tranh Người phụ nữ với chiếc quạt (Woman with fan) (1917-18) – Gustav Klimt

Tự hào tuyên bố rằng: “Không hề có bức chân dung tự hoạ nào của tôi”, Klimt nhận thấy rằng phương thức thể hiện của ông không phải ở việc phản chiếu hình ảnh của chính mình mà là ở sức mạnh khiêu gợi trong các bức vẽ khỏa thân nhục cảm, những femmes fatales của ông. Như ông đã nói, ông quan tâm nhiều hơn đến “vẽ…những người khác, đặc biệt là phụ nữ.”

Thời thơ ấu

Anna Finster (1836 – 1915), mẹ của Gustav Klimt

Được sinh ra bởi Ernst Klimt, một thợ kim hoàn gốc Bohemia, và Anna Finster, một nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc đầy tham vọng nhưng không thành công, Gustav Klimt là người con thứ hai trong số bảy người con của họ, lớn lên ở vùng ngoại ô nhỏ Baumgarten, phía Tây Nam Vienna. Gia đình Klimt là một gia đình nghèo, do công việc khan hiếm trong những năm đầu của đế chế Habsburg, đặc biệt là đối với các nhóm dân tộc thiểu số, phần lớn là do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1873. 

Giữa những năm 1862 và 1884, gia đình Klimt phải chuyển nơi ở thường xuyên, sống tại không dưới năm địa chỉ khác nhau, luôn phải tìm kiếm ngôi nhà rẻ hơn. Ngoài khó khăn về tài chính, gia đình còn phải trải qua nhiều bi kịch trong nhà. Vào năm 1874, em gái của Klimt, Anna, qua đời khi mới năm tuổi sau một trận ốm dài. Không lâu sau, chị gái Klara (1960 -1937) trải qua chứng suy nhược thần kinh sau khi khuất phục trước sự cuồng nhiệt tôn giáo.

Ngay từ khi còn nhỏ, Klimt và hai người em của mình Ernst và Georg đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật rõ ràng. Tuy vậy, chỉ riêng Gustav được những người thầy của mình đánh giá là một người vẽ tranh đặc biệt xuất sắc khi còn học trung học. Vào tháng 10 năm 1876, khi ông mười bốn tuổi, một người họ hàng đã khuyến khích ông tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Kunstgewerbeschule, trường Nghệ thuật và Thủ công Vienna, và ông đã đậu vào trường với thành tích xuất sắc. Sau này ông có nói rằng mình đã có ý định trở thành một bậc thầy về vẽ và nhận một vị trí giảng dạy tại một Burgerschule, ngôi trường tương đương với bậc trung học công lập cơ bản ở Vienna thế kỷ 19, mà ông từng theo học. 

Trước lễ cưới của Ernst Klimt

Phù điêu của Georg Klimt

Klimt bắt đầu được đào tạo chính thức ở Vienna trong khi thành phố đang ở giai đoạn được thay đổi đáng kể. Vào năm 1858, Hoàng đế Franz Joseph I ra lệnh phá huỷ tàn tích của bức tường phòng thủ thuộc thời Trung cổ bao quanh khu vực trung tâm thành phố, để lại một khoảng không gian hình tròn lớn được xây dựng lại thành một loạt những đại lộ lớn được biết đến với cái tên Ringstrasse (tạm dịch “Đường vành đai”). 

Trong ba mươi năm tiếp theo, Ringstrasse được bao phủ bởi cây xanh và những ngôi nhà chung cư của giai cấp tư sản, cũng như nhiều toà nhà mới là các cơ quan dân sự và cơ quan chính phủ có thẩm quyền khác nhau, bao gồm nhà hát, bảo tàng nghệ thuật, Đại học Vienna và tòa nhà Quốc hội Áo. Cùng với tuyến đường sắt đô thị mới được xây dựng, sự xuất hiện của đèn đường điện và những kỹ sư thành phố định tuyến lại dòng sông Danube để ngăn lũ, Vienna bước vào thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp, nghiên cứu và khoa học, được thúc đẩy bởi những tiến bộ hiện đại trong những lĩnh vực này. Mặc dù vậy, vẫn có một điều mà Vienna chưa có đó là tinh thần cách mạng đối với nghệ thuật. 

Quá trình đào tạo và thành công ban đầu

Trường Nghệ thuật và Thủ công Vienna (Kunstgewerbeschule)
Ảnh: M. Frankenstein & Comp. 

Gustav Klimt năm 1887

Chương trình và phương pháp giảng dạy của Kunstgewerbeschule còn khá truyền thống vào thời kỳ đó, điều mà Klimt không bao giờ đặt câu hỏi hoặc thách thức. Qua một quá trình đào tạo chuyên sâu về vẽ, ông được giao nhiệm vụ sao chép một cách chính xác trang trí, thiết kế và khuôn thạch cao của các tác phẩm điêu khắc cổ điển. Một khi chứng minh được bản thân mình về phương diện này, thì đó là lúc ông được phép vẽ người thật. 

Klimt gây ấn tượng với những người thầy của mình ngay từ lúc bắt đầu, ông sớm gia nhập vào một lớp đặc biệt tập trung vào hội hoạ, nơi ông thể hiện tài năng đáng kể trong việc vẽ người mẫu và làm việc với nhiều công cụ khác nhau. Quá trình đào tạo nghệ sĩ trẻ cũng bao gồm những nghiên cứu chặt chẽ về các tác phẩm của Titian và Peter Paul Rubens. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Vienna, Klimt cũng được tiếp cận với vô số những bức tranh của bậc thầy người Tây Ban Nha, Diego Velázquez, người sở hữu những tác phẩm khiến Klimt dành rất nhiều tình cảm trong cuộc đời đến tận sau này, ông nhận xét rằng, “Chỉ có hai họa sĩ: Velázquez và tôi.”

Các thị nữ (Las Meninas) (1656) – tác phẩm cực kỳ nổi tiếng của Velázquez

Klimt cũng là một người rất ngưỡng mộ Hans Makart (hoạ sĩ vẽ tranh lịch sử người Vienna nổi tiếng nhất thời đại này), đặc biệt là kỹ thuật sử dụng hiệu ứng ánh sáng gây ấn tượng mạnh của ông và một tình yêu rõ ràng với tính kịch nghệ và sự lộng lẫy. Tại một thời điểm nhất định, khi vẫn còn là sinh viên, Klimt khai báo rằng ông đã mua chuộc một trong những người hầu của Makart để được vào xưởng vẽ của nhà hoạ sĩ này và nghiên cứu các tác phẩm mới nhất đang được thực hiện. 

Bức thư tình (Der Liebesbrief) (1875) của Hans Makart

Không lâu trước khi rời khỏi Kunstgewerbeschule, lớp hội hoạ của Klimt có sự tham gia của người em trai, Ernst, và một hoạ sĩ trẻ tên là Franz Matsch, một nghệ sĩ tài năng khác người Vienna, có chuyên môn về những tác phẩm trang trí quy mô lớn. Klimt và Matsch đều kết thúc việc học của họ vào năm 1883 và cùng nhau thuê một xưởng vẽ lớn ở Vienna. Mặc dù với sự thay đổi này cũng như thành công ban đầu của mình, Klimt vẫn sống cùng cha mẹ và những chị em gái đang còn sống của mình. Klimt và Matsch sớm trở thành những nghệ sĩ được ưa chuộng trong tầng lớp tinh hoa về văn hoá của thành phố, bao gồm những kiến trúc sư danh tiếng, những nhân vật xã hội và những viên chức chính quyền. Ngay từ đầu năm 1880, Klimt và Matsch đã được giáo sư hội hoạ của họ, Ferdinand Laufberger, đề cử đại diện cho một công ty kiến trúc Vienna chuyên thiết kế nhà hát đảm nhận một đơn đặt hàng bốn tranh.

Bức tranh tự hoạ của Franz Matsch (1904) thuộc phòng trưng bày Belvedere Vienna, Áo

Mặc dù với nhu cầu cao như vậy nhưng việc thanh toán cho những dịch vụ của Klimt và Matsch không sinh lợi. Khi Klimt, em trai Ernst của ông và Matsch được giao việc trang trí cầu thang lớn của Burgtheater mới (một nhà hát liên bang của Áo), bộ ba nhận thấy rằng tiền hoa hồng của họ sẽ không bao gồm phí chi trả cho việc thuê người mẫu, vậy nên họ đã nhờ đến những người bạn và gia đình. Ngày nay, người ta có thể thấy hai người em gái của Klimt là Hermine và Johanna (cùng với cả ba người nghệ sĩ) trong số những khán giả trong nhà hát của Shakespeare, trong khi người em Georg của họ đóng vai Romeo đang hấp hối. Tình cờ, đây lại là bức chân dung tự họa duy nhất còn sót lại của Klimt.

Chi tiết từ bức Nhà hát hình cầu của Shakespeare ở Burgtheater của Gustav Klimt. Người đàn ông ngoài cùng bên trái chính là ông, đằng sau ông trong tấm áo đỏ là Ernst, và người ở giữa là Matsch

Giai đoạn trưởng thành

Emilie Flöge và Gustav Klimt (khoảng 1900-05)

Vào cuối năm 1892, cả Ernst Klimt – cha của Gustav – và em trai Ernst của ông đều qua đời, người em mất một cách đột ngột vì cơn viêm màng ngoài tim. Những sự ra đi này ảnh hưởng sâu sắc đến Gustav, người hiện đang phải chịu trách nhiệm tài chính cho mẹ, chị em gái, người vợ góa của em trai và đứa con nhỏ của họ. Người vợ góa của Ernst, Helene Flöge (1871-1936) – người mà ông kết hôn mới vừa được mười lăm tháng – và gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của bà có nhà ở cả thành phố và vùng quê, nơi Klimt trở thành một người khách quen thuộc. Klimt sớm bắt đầu một tình bạn thân thiết với người em gái của Helene, Emilie Flöge (1874-1952), một tình bạn đi cùng ông đến cuối cuộc đời và là nền tảng cho một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất của ông. 

Chân dung Emilie Flöge vẽ năm 1902

Tốc độ làm việc của Klimt chậm lại hẳn sau cái chết của em trai và cha. Ông cũng bắt đầu đặt câu hỏi về các quy ước của hội hoạ hàn lâm, điều này dẫn đến rạn nứt giữa Klimt và người cộng sự lâu năm của ông là Matsch. Vào năm 1893, Uỷ ban Cố vấn Nghệ thuật của Bộ giáo dục đã tìm đến Matsch để uỷ nhiệm phần trang trí mới trần nhà của Đại sảnh trường đại học Vienna. Klimt cuối cùng cũng tham gia vào dự án (dù là theo yêu cầu của Matsch hay là của Bộ), nhưng đây là lần hợp tác cuối cùng giữa hai người đàn ông này. 

Klimt được yêu cầu vẽ ba bức tranh trần lớn cho Đại sảnh của trường đại học, bao gồm Triết học (Philosophy) (1897-98), Y học (Medicine) (1990-01) và Luật học (Jurisprudence) (1899-1907). Trước sự ngạc nhiên của các uỷ viên, Klimt chọn sử dụng chủ nghĩa tượng trưng mang tính trang trí cao mà rất khó để giải nghĩa được cho những bức tranh này. Và chính tại lúc này, ông đánh dấu một bước ngoặt đáng kể trong thái độ của mình đối với hội hoạ nói riêng và nghệ thuật nói chung. Tranh cãi đáng kể lập tức nổ ra quanh các bức tranh trong trường đại học của Klimt, đặc biệt là do hình ảnh khoả thân của một số nhân vật trong bức Y học, và một phần là do những cáo buộc cho rằng thể hiện chủ đề trong tranh rất mơ hồ. Những bức vẽ cho trường đại học đã không bao giờ được lắp đặt, và như hệ quả nghiễm nhiên của những tranh cãi, Klimt quyết định không bao giờ nhận lời đơn đặt hàng công cộng nữa.

Người dịch: Nguyên
Nguồn: The Art Story

Theo dõi loạt bài Lịch sử thiết kế đồ họa bằng cách click vào banner bên dưới!

Cùng tác giả

#Tag

gustav klimt Hương Mi Lê Lê Hương Mi lịch sử thiết kế Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của trào lưu, bao gồm…